Ngày 27/2, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các tổ chức thành viên và một số tổ chức chính trị-xã hội góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Nhiều đại biểu tán thành Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã tiếp tục khẳng định và thể hiện rõ tư tưởng phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, coi đại đoàn kết toàn dân tộc là động lực, nguồn sức mạnh to lớn để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Nội dung dự thảo được mở rộng, khái quát cao và có tính cô đọng hơn, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội.
Theo phó giáo sư-tiến sỹ Trần Văn Tá (Chủ tịch Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam), Dự thảo lần này có những điểm mới đáng chú ý là: Lấy người dân làm trung tâm, quyền làm chủ của nhân dân là nội dung xuyên suốt; làm rõ và đề cao quyền con người.
Thứ hai là công nhận và xác định nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật.
Đây là lần đầu tiên trong Hiến pháp có quy định về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững và cũng là lần đầu tiên quy định về 3 thiết chế hiến định độc lập, bao gồm: Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán Nhà nước - là quy định mới để hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp.
Đề cập một nội dung được rất nhiều người quan tâm là về vai trò của Đảng trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, phó giáo sư-tiến sỹ Trần Văn Tá khẳng định, không thể phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội đồng thời tán thành bổ sung khoản 2 Điều 4: “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.”
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cơ chế và cách thức giám sát của nhân dân, cơ chế và cách thức chịu trách nhiệm trước nhân dân phải được luật định để tránh “khẩu hiệu,” hình thức và không được thực thi trong cuộc sống.
Giáo sư-tiến sỹ-nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng cũng nhấn mạnh, dự thảo đã bổ sung vào Điều 4 hai đoạn hết sức quan trọng. Đó là: "Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình" và "Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật."
Theo ông Dũng, thực hiện nghiêm chỉnh quy định của Điều 4 Hiến pháp sửa đổi, chắc chắn sẽ lấy lại được niềm tin vốn rất lớn lao của nhân dân ta đối với Đảng tiền phong.
Giáo sư Nguyễn Quang Thái (Tổng Thư ký Hội Khoa học kinh tế) cho rằng, cần gom mọi điều về Đảng vào Điều 4 và viết thật cẩn trọng, chặt chẽ, làm rõ Đảng lãnh đạo nhưng vẫn trong dân tộc, dưới pháp luật và được toàn dân giám sát.
Ông Nguyễn Anh Liên (Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam) đề nghị nhấn mạnh, vai trò lãnh đạo của Đảng phải đi đôi với trách nhiệm của Đảng đối với nhân dân đồng thời nhân dân có vai trò đối với Đảng; Đảng gắn bó máu thịt đối với nhân dân.
Về vấn đề quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân, phó giáo sư-tiến sỹ Trần Văn Tá cho rằng, nên giảm thiểu tối đa những quy định hạn chế một số quyền công dân đi kèm cụm từ “theo quy định của pháp luật” hoặc do người có thẩm quyền quyết định bởi quy định như vậy không rõ ràng và dễ bị lạm dụng vi phạm quyền chính đáng của công dân.
Giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Lân Dũng đề nghị sửa dòng "theo quy định của pháp luật" bằng nội dung "nếu các quyền tự do đó không đi ngược lại với nguyện vọng và hạnh phúc của nhân dân" bởi trong thực tế, có không ít hành vi xử lý sai trái, sau đó phải minh oan, phải đền bù và làm mất đi rất nhiều thời gian, tiền bạc của những người vô tội.
Nhiều ý kiến đề nghị bổ sung trong Hiến pháp điều khoản về “quyền phúc quyết của nhân dân” đối với Hiến pháp và các việc trọng đại của đất nước đồng thời, xác lập nguyên tắc các vấn đề trọng đại nhất thiết phải đưa ra cho nhân dân phúc quyết để làm cơ sở xây dựng một đạo luật quy định cụ thể cách thức, trình tự, thủ tục thực hiện quyền phúc quyết của toàn dân.
Giáo sư Nguyễn Quang Thái nêu ý kiến: "Để làm ra một bản Hiến pháp thực sự có ý nghĩa lâu dài cần có sự tham gia rộng rãi của nhân dân và phải được nhân dân phúc quyết."
Nhấn mạnh ý kiến về quyền trẻ em, trong đó có trẻ em tàn tật, ông Nguyễn Bá Duyệt (Phó Chủ tịch Hội cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam) cho rằng vấn đề trẻ em tàn tật không được nêu rõ mà chỉ đề cập chung chung trong các điều khoản về người tàn tật. Mặt khác, vai trò của Nhà nước chưa được thể hiện đầy đủ về vị trí trách nhiệm chính đối với việc bảo đảm quyền trẻ em trong kinh tế thị trường.
Ông Nguyễn Bá Duyệt đề nghị dự thảo cần dành một điều riêng, thể hiện đầy đủ quyền của trẻ em và vai trò của Nhà nước đối với trẻ em, nhất là trẻ em tàn tật bởi đây là nhóm yếu thế trong xã hội.
Góp ý về một trong những thiết chế mới là quy định về Hội đồng Hiến pháp (Điều 120 Dự thảo), nhiều ý kiến cũng cho rằng, Hội đồng Hiến pháp cần được thiết kế là một thiết chế độc quyền, có khả năng tài phán để bảo vệ Hiến pháp một cách chủ động hơn, bảo đảm cho tính độc lập của hoạt động kiểm hiến. Hội đồng Hiến pháp như quy định như dự thảo mới chỉ dừng lại ở việc tư vấn, kiểm tra tính hợp hiến của các văn bản pháp luật và kiến nghị, yêu cầu các cơ quan xử lý khi có các văn bản quy phạm pháp luật vi hiến.
Một số ý kiến đề xuất nghiên cứu lựa chọn mô hình tối ưu hiện nay nhiều quốc gia đã làm là Tòa án Hiến pháp - cơ quan hoàn toàn độc lập, chỉ tuân thủ Hiến pháp, có chức năng quyết đáp như đình chỉ, bác bỏ, hủy bỏ những văn bản quy phạm pháp luật vi hiến và các quyền khác, trong đó có quyền phán xét về những tranh chấp, kiện tụng trong bầu cử và kết quả bầu cử, quyền luận tội các quan chức cấp cao của Nhà nước.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến về vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; về bộ máy nhà nước; quyền lực nhà nước; vấn đề an sinh xã hội và ưu đãi người có công; bồi dưỡng thế hệ trẻ. Bên cạnh những góp ý về nội dung là những đề xuất sửa đổi về mặt kỹ thuật lập hiến, quy định rõ, đầy đủ hơn một số điều còn mang tính mơ hồ, thiếu cụ thể, chưa hợp lý, khó vận dụng trong thực tế như: Mọi người có quyền sống (Điều 21); Mọi người có nghĩa vụ nộp thuế (Điều 50).../.
Nhiều đại biểu tán thành Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã tiếp tục khẳng định và thể hiện rõ tư tưởng phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, coi đại đoàn kết toàn dân tộc là động lực, nguồn sức mạnh to lớn để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Nội dung dự thảo được mở rộng, khái quát cao và có tính cô đọng hơn, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội.
Theo phó giáo sư-tiến sỹ Trần Văn Tá (Chủ tịch Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam), Dự thảo lần này có những điểm mới đáng chú ý là: Lấy người dân làm trung tâm, quyền làm chủ của nhân dân là nội dung xuyên suốt; làm rõ và đề cao quyền con người.
Thứ hai là công nhận và xác định nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật.
Đây là lần đầu tiên trong Hiến pháp có quy định về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững và cũng là lần đầu tiên quy định về 3 thiết chế hiến định độc lập, bao gồm: Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán Nhà nước - là quy định mới để hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp.
Đề cập một nội dung được rất nhiều người quan tâm là về vai trò của Đảng trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, phó giáo sư-tiến sỹ Trần Văn Tá khẳng định, không thể phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội đồng thời tán thành bổ sung khoản 2 Điều 4: “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.”
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cơ chế và cách thức giám sát của nhân dân, cơ chế và cách thức chịu trách nhiệm trước nhân dân phải được luật định để tránh “khẩu hiệu,” hình thức và không được thực thi trong cuộc sống.
Giáo sư-tiến sỹ-nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng cũng nhấn mạnh, dự thảo đã bổ sung vào Điều 4 hai đoạn hết sức quan trọng. Đó là: "Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình" và "Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật."
Theo ông Dũng, thực hiện nghiêm chỉnh quy định của Điều 4 Hiến pháp sửa đổi, chắc chắn sẽ lấy lại được niềm tin vốn rất lớn lao của nhân dân ta đối với Đảng tiền phong.
Giáo sư Nguyễn Quang Thái (Tổng Thư ký Hội Khoa học kinh tế) cho rằng, cần gom mọi điều về Đảng vào Điều 4 và viết thật cẩn trọng, chặt chẽ, làm rõ Đảng lãnh đạo nhưng vẫn trong dân tộc, dưới pháp luật và được toàn dân giám sát.
Ông Nguyễn Anh Liên (Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam) đề nghị nhấn mạnh, vai trò lãnh đạo của Đảng phải đi đôi với trách nhiệm của Đảng đối với nhân dân đồng thời nhân dân có vai trò đối với Đảng; Đảng gắn bó máu thịt đối với nhân dân.
Về vấn đề quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân, phó giáo sư-tiến sỹ Trần Văn Tá cho rằng, nên giảm thiểu tối đa những quy định hạn chế một số quyền công dân đi kèm cụm từ “theo quy định của pháp luật” hoặc do người có thẩm quyền quyết định bởi quy định như vậy không rõ ràng và dễ bị lạm dụng vi phạm quyền chính đáng của công dân.
Giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Lân Dũng đề nghị sửa dòng "theo quy định của pháp luật" bằng nội dung "nếu các quyền tự do đó không đi ngược lại với nguyện vọng và hạnh phúc của nhân dân" bởi trong thực tế, có không ít hành vi xử lý sai trái, sau đó phải minh oan, phải đền bù và làm mất đi rất nhiều thời gian, tiền bạc của những người vô tội.
Nhiều ý kiến đề nghị bổ sung trong Hiến pháp điều khoản về “quyền phúc quyết của nhân dân” đối với Hiến pháp và các việc trọng đại của đất nước đồng thời, xác lập nguyên tắc các vấn đề trọng đại nhất thiết phải đưa ra cho nhân dân phúc quyết để làm cơ sở xây dựng một đạo luật quy định cụ thể cách thức, trình tự, thủ tục thực hiện quyền phúc quyết của toàn dân.
Giáo sư Nguyễn Quang Thái nêu ý kiến: "Để làm ra một bản Hiến pháp thực sự có ý nghĩa lâu dài cần có sự tham gia rộng rãi của nhân dân và phải được nhân dân phúc quyết."
Nhấn mạnh ý kiến về quyền trẻ em, trong đó có trẻ em tàn tật, ông Nguyễn Bá Duyệt (Phó Chủ tịch Hội cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam) cho rằng vấn đề trẻ em tàn tật không được nêu rõ mà chỉ đề cập chung chung trong các điều khoản về người tàn tật. Mặt khác, vai trò của Nhà nước chưa được thể hiện đầy đủ về vị trí trách nhiệm chính đối với việc bảo đảm quyền trẻ em trong kinh tế thị trường.
Ông Nguyễn Bá Duyệt đề nghị dự thảo cần dành một điều riêng, thể hiện đầy đủ quyền của trẻ em và vai trò của Nhà nước đối với trẻ em, nhất là trẻ em tàn tật bởi đây là nhóm yếu thế trong xã hội.
Góp ý về một trong những thiết chế mới là quy định về Hội đồng Hiến pháp (Điều 120 Dự thảo), nhiều ý kiến cũng cho rằng, Hội đồng Hiến pháp cần được thiết kế là một thiết chế độc quyền, có khả năng tài phán để bảo vệ Hiến pháp một cách chủ động hơn, bảo đảm cho tính độc lập của hoạt động kiểm hiến. Hội đồng Hiến pháp như quy định như dự thảo mới chỉ dừng lại ở việc tư vấn, kiểm tra tính hợp hiến của các văn bản pháp luật và kiến nghị, yêu cầu các cơ quan xử lý khi có các văn bản quy phạm pháp luật vi hiến.
Một số ý kiến đề xuất nghiên cứu lựa chọn mô hình tối ưu hiện nay nhiều quốc gia đã làm là Tòa án Hiến pháp - cơ quan hoàn toàn độc lập, chỉ tuân thủ Hiến pháp, có chức năng quyết đáp như đình chỉ, bác bỏ, hủy bỏ những văn bản quy phạm pháp luật vi hiến và các quyền khác, trong đó có quyền phán xét về những tranh chấp, kiện tụng trong bầu cử và kết quả bầu cử, quyền luận tội các quan chức cấp cao của Nhà nước.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến về vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; về bộ máy nhà nước; quyền lực nhà nước; vấn đề an sinh xã hội và ưu đãi người có công; bồi dưỡng thế hệ trẻ. Bên cạnh những góp ý về nội dung là những đề xuất sửa đổi về mặt kỹ thuật lập hiến, quy định rõ, đầy đủ hơn một số điều còn mang tính mơ hồ, thiếu cụ thể, chưa hợp lý, khó vận dụng trong thực tế như: Mọi người có quyền sống (Điều 21); Mọi người có nghĩa vụ nộp thuế (Điều 50).../.
Thanh Hòa (TTXVN)