Thất thoát vốn nhà nước trong đầu tư xây dựng rất nghiêm trọng

Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, thất thoát lãng phí trong xây dựng công trình sử dụng vốn nhà nước là vấn đề rất nghiêm trọng.
Thất thoát vốn nhà nước trong đầu tư xây dựng rất nghiêm trọng ảnh 1Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trả lời chất vấn. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, thất thoát lãng phí trong xây dựng công trình sử dụng vốn nhà nước là vấn đề rất nghiêm trọng.

Sáng 18/11, tại Quốc hội, trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) về tính toán định lượng thất thoát, lãng phí trong sử dụng các nguồn lực, đặc biệt là trong đầu tư xây dựng các công trình sử dụng nguồn vốn nhà nước, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nêu rõ: “Câu hỏi đặt ra cho ba bộ có thể giúp Chính phủ tính toán được định lượng hay không? Tôi khẳng định là có thể, tuy nhiên chính xác thì khó. Bởi đây là câu hỏi rất rộng, trên tất cả các lĩnh vực nên sẽ không đơn giản, nhưng việc sử dụng các nguồn lực, đặc biệt là thất thoát lãng phí trong xây dựng công trình sử dụng vốn nhà nước."

"Đây là vấn đề rất nghiêm trọng. Hiện đã và đang làm rất quyết liệt, ngay cả các địa phương cũng phải vào cuộc.” - Bộ trưởng khẳng định.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng gợi ý, có thể cộng các con số của Kiểm toán Nhà nước, thanh tra bộ ngành, thanh tra Chính phủ để biết được con số về thất thoát, lãng phí, nhưng Bộ trưởng đánh giá, con số đó là không đủ. Phải có đề án đi sâu nghiên cứu để định lượng thất thoát, lãng phí, chiếm bao nhiêu % GDP.

Liên quan đến thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng, đặc biệt đối với các dự án đầu tư công trong lĩnh vực xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng chia sẻ chưa có một số liệu chính xác và cũng nghiên cứu toàn diện để biết được việc thất thoát trong xây dựng thuộc lĩnh vực thực hiện công trình là bao nhiêu phần trăm, nhưng mà thất thoát là có thật. Đây là vấn đề hết sức bức xúc.

Trước thực trạng đó, sau khi có Nghị định 15 của Chính phủ ban hành năm 2013, các cơ quan chuyên môn về xây dựng đã tiến hành thẩm định dự toán kinh phí thực hiện. Sau khi dự toán xong thì số lượng gói thầu, giá trị gói thầu đưa vào đấu thầu.

Theo Bộ trưởng, nếu đấu thầu không đảm bảo minh bạch, nó sẽ thất thoát cũng như không kiểm soát chặt dự toán ban đầu. Nhưng qua kiểm tra dự toán ban đầu, các địa phương, các ngành, số liệu báo cáo năm 2013, đã cắt giảm được 9,2%; năm 2014, cắt giảm 5,39%; 9 tháng năm 2015, cắt giảm 5,66% tổng dự toán công trình. Như vậy, riêng về cắt giảm trong dự toán đạt xấp xỉ trên 5%.

Ngoài ra, quá trình kiểm soát trong quá trình xây dựng, trong đó có Thanh tra xây dựng, năm 2011-2015 đã tiến hành 286 lần kiểm tra, công bố 267 kết luận và ban hành 189 quyết định xử phạt vi phạm hành chính..../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục