Thế giới cần nỗ lực hơn để hỗ trợ các quốc gia nghèo nhất

Liên hợp quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế nỗ lực hơn nữa để hỗ trợ 48 nước kém phát triển nhất đạt được mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn tình trạng bần cùng vào năm 2020.
Thế giới cần nỗ lực hơn để hỗ trợ các quốc gia nghèo nhất ảnh 1Trẻ em Afghanistan mua thực phẩm từ một người bán hàng rong trên đường phố ở thủ đô Kabul. (Nguồn: THX/TTXVN)

Báo cáo của Liên hợp quốc công bố ngày 23/10 kêu gọi cộng đồng quốc tế nỗ lực hơn nữa để hỗ trợ 48 nước kém phát triển nhất thế giới đạt được mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn tình trạng bần cùng vào năm 2020.

Phát biểu trước báo giới tại buổi công bố báo cáo, đại diện cấp cao, Trưởng văn phòng Liên hợp quốc về các quốc gia kém phát triển, nhóm nước đang phát triển không biển và hải đảo (UN-OHRLLS), Gyan Chandra Acharya, thừa nhận tiến triển trong chương trình xóa đói giảm nghèo tại các quốc gia kém phát triển vẫn còn phức tạp kể từ khi Liên hợp quốc thông qua Chương trình hành động Istabul 2011.

Báo cáo, do UN-OHRLLS soạn thảo, cho rằng những nước kém phát triển (LDCs) đã giành được thành tựu về kinh tế và xã hội, chủ yếu nhờ vào việc tăng chi tiêu công, đầu tư và đẩy mạnh các hoạt động trong lĩnh vực khai thác mỏ, xây dựng cơ sở hạ tầng và các lĩnh vực dịch vụ. Tuy nhiên, Liên hợp quốc cho biết tỷ lệ nghèo ở mức cao tại các nước kém phát triển cho thấy chặng đường xóa đói giảm nghèo tại các nước này vẫn còn nhiều khó khăn.

Nghiên cứu xác định bốn trở ngại chính trong việc giảm tình trạng nghèo cùng cực tại các nước kém phát triển gồm mất cân bằng giới tính, khung thể chế, phát triển hạ tầng và phân phối dịch vụ xã hội và các yếu tố bên ngoài và cho rằng các nước này vẫn trong tình trạng dễ bị tổn thương do những biến động bên ngoài như khủng hoảng kinh tế, biến đối khí hậu, thảm họa thiên nhiên và các dịch bệnh.

Báo cáo đã nêu ra ví dụ về dịch bệnh Ebola bùng phát từ đầu năm đến nay chủ yếu tập trung tại ba nước kém phát triển nhất thế giới là Guinea, Liberia và Sierra Leone và nhấn mạnh những thiệt hại quy mô do dịch bệnh gây ra đã chứng tỏ sự cần thiết của việc phải có những những nỗ lực chung giữa chính những quốc gia kém phát triển nói trên với các đối tác phát triển. Báo cáo cũng báo động tình trạng bất bình đẳng nghiêm trọng đang đe dọa làm trầm trọng thêm tình trạng đói nghèo do thực trạng này là nguyên nhân gây ra sự bất ổn chính trị và xã hội.

Từ những trở ngại trên, báo cáo kêu gọi các nhà lãnh đạo cấp quốc gia thực thi những chính sách theo chiều hướng giảm bất bình đẳng giới và tăng đầu tư công dành cho phát triển bền vững.

Báo cáo đặc biệt kêu gọi các chính phủ đóng vai trò lãnh đạo trong các chương trình phát triển cấp quốc gia, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hỗ trợ mà các đối tác phát triển dành cho các quốc gia kém phát triển này. Theo Liên hợp quốc, viện trợ phát triển chính thức (ODA) dành cho các quốc gia kém phát triển nhất hiện vẫn không ổn định.

Báo cáo nêu ra đề nghị của Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon thành lập ngân hàng công nghệ và một trung tâm hỗ trợ đầu tư quốc tế nhằm giúp các nước kém phát triển nhất có thể đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện năng lực sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng và các nỗ lực xóa đói giảm nghèo nhờ chuyển giao công nghệ và thúc đẩy đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI).

Báo cáo nhấn mạnh cần phải chú trọng hơn nỗ lực xóa bỏ tình trạng bần cùng tại các nước kém phát triển nhất trong chương trình phát triển sau năm 2015, đặc biệt trong bối cảnh hầu hết các nước này gần như chắc chắn sẽ không đạt được các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ vào thời hạn chót là năm 2015./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục