Thế giới đối mặt với nguy cơ bùng nổ giá dầu

Tạp chí "Nhà Kinh tế" (Anh) số ra mới đây cho rằng sự sụt giảm của giá dầu trong năm qua có thể mở đường cho một sự tăng giá mạnh trong những năm tới.

Tạp chí "Nhà Kinh tế" (Anh) số ra mới đây cho rằng sự sụt giảm của giá dầu trong năm qua có thể mở đường cho một sự tăng giá mạnh trong những năm tới.

Việc thiếu đầu tư vào các dự án thăm dò và khai thác dầu mỏ, cùng với nhu cầu thế giới tăng lên khi kinh tế hồi phục trở lại, sẽ làm gia tăng nguy cơ bùng nổ giá dầu như từng xảy ra trong năm 2008. Tuy bệnh đã rõ, nhưng đến nay có lẽ thế giới vẫn chưa có "thuốc chữa" để ngăn chặn sự trở lại của "cơn bão giá dầu 2008".

Bộ trưởng Dầu mỏ của Arập Xêút Ali al-Naimi cho rằng giá dầu đang lên sẽ "tiếp tục làm trật bánh nền kinh tế thế giới vốn đã và đang đi lạc hướng". Người đồng cấp của ông Ali al-Naimi tại Iran cũng nhất trí rằng khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu kết thúc, nhu cầu dầu mỏ sẽ tăng và thị trường dầu mỏ thế giới sẽ phải đối mặt với một cú sốc giá cả mới.

Theo dự đoán mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), tiêu thụ dầu của toàn cầu sẽ giảm 2,6 triệu thùng/ngày trong năm 2009. Sự tụt giảm này tiếp nối mức giảm 200.000 thùng/ngày năm 2008.

Như vậy, đây là lần đầu tiên nhu cầu dầu mỏ thế giới giảm liên tiếp trong hai năm kể từ đầu những năm 1980. Để cứu vãn giá dầu, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã 3 lần cắt giảm sản lượng với tổng số 4,2 triệu thùng/ngày kể từ tháng 9/08.

Arập Xêút cũng cho biết nếu sản xuất hết công suất, sản lượng của họ còn cao hơn 4,5 triệu thùng/ngày so với mức hiện nay. Giá dầu đã tăng dần trong những tuần gần đây.

Tính đến cuối ngày 20/5, giá dầu đã vượt ngưỡng 60 USD/thùng lần đầu tiên trong hơn 6 tháng qua, đánh dấu mức tăng 75% kể từ ngày 12/2, khi giá dầu đứng dưới 34 USD/thùng. Giá hợp đồng giao sau cho thấy các nhà giao dịch năng lượng sẽ chứng kiến giá dầu tăng hơn trong ngắn và trung hạn.

Nguyên nhân khiến giá dầu lấy lại đà leo thang

Các nguồn dầu mỏ dễ khai thác của thế giới đã cạn kiệt hoặc thuộc về tay các chính phủ theo chủ nghĩa quốc gia không muốn cho các nhà đầu tư nước ngoài khai thác. Điều này khiến các công ty phải tìm kiếm các nguồn năng lượng mới ở những nơi khó tiếp cận, chẳng hạn như vùng nước sâu ngoài khơi châu Phi hay Bắc Cực. Các mỏ dầu này đòi hỏi nhiều thời gian và công nghệ đắt đỏ để khai thác. Tồi tệ hơn là số mỏ được phát hiện có xu hướng ít đi và các mỏ cũng cạn kiệt nhanh hơn.

Một số công ty đã vất vả tìm kiếm những mỏ dầu thay thế cho các mỏ đang cạn kiệt để tăng sản lượng. Nhưng ngành công nghiệp dầu mỏ lại đang trong tình trạng thiếu hụt thiết bị và nhân lực vì đầu tư yếu kém kéo dài trong nhiều thập kỷ do giá dầu thấp.

Trên lý thuyết, khi kinh tế thế giới bắt đầu tăng trưởng trở lại, nhu cầu dầu một lần nữa sẽ tăng và thậm chí vượt ngoài khả năng cung ứng của các nhà cung cấp. Các kho tích trữ tưởng chừng như dồi dào và công suất dư thừa hiện nay sẽ chẳng mấy chốc mà cạn kiệt, khiến giá dầu sẽ tăng mạnh.

Nói một cách khác, suy thoái toàn cầu chỉ làm ngắt quãng "siêu chu trình" mà các nhà phân tích vẫn từng nói đến, theo đó chu trình tăng và bùng nổ của giá dầu và các hàng hóa khác sẽ mở đường cho một giai đoạn giá cả leo thang kéo dài, bởi khi đó nhu cầu tăng hơn bao giờ hết tại các nền kinh tế đang nổi sẽ nuốt chửng mọi thứ mà nền công nghiệp chiết xuất có thể tạo ra.

Các bộ trưởng OPEC, giới tài phiệt dầu mỏ và các ông chủ ngân hàng đều nhất trí rằng cần phải tăng cường đầu tư vào các dự án thăm dò và khai thác. Tuy nhiên, tình hình thực tế lại ngược lại. Ngành dầu mỏ đang cắt giảm chi tiêu, sản xuất ít dầu hơn và phát hiện ít mỏ mới hơn.

IEA thừa nhận rằng tổng đầu tư của ngành này sẽ giảm 15-20% trong năm nay. Theo số liệu của hãng dịch vụ dầu mỏ Baker Hughes, số dàn khoan dầu đang vận hành trên toàn thế giới trong một năm qua tính đến tháng 4/09 đã giảm 32%, xuống 2.000 dàn. Tổng thư ký OPEC, Abdalla Salem el-Badri, cho biết các nước thành viên nhóm này cũng đang phải hoãn lại 35 dự án lớn.

Đầu tư vào khai thác dầu cũng không tăng so với những năm trước đây. Tập đoàn Exxon Mobil (Mỹ) chỉ tăng 5% chi tiêu vốn trong quý I/09. Royal Dutch Shell và Chervon dự kiến trong năm nay sẽ đầu tư tương đương mức năm ngoái, với các mức tương ứng là 31 tỷ USD và 23 tỷ USD. British Petroleum (BP) dự kiến giảm từ 21 tỷ USD theo kế hoạch xuống dưới 20 tỷ USD.

Trên thực tế, sự khắc nghiệt của giá dầu trong năm 2008 cũng là một lý do khiến các công ty dầu mỏ lớn cẩn trọng hơn trong các dự án đầu tư trong tương lai.

Chẳng hạn, Shell cũng đã hoãn kế hoạch mở rộng tại Canada. Cả Shell và BP đều đang cắt giảm nhân viên. Tất cả các công ty độc lập lớn của Mỹ cũng cắt giảm mạnh đầu tư. Hãng năng lượng Devon dự kiến giảm đầu tư xuống 4 tỷ USD, so với 9 tỷ USD năm 2008./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục