Thể thao Việt Nam nỗ lực sáng tạo chinh phục những đỉnh cao mới

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định trong năm 2017, ngành văn hóa, thể thao, du lịch nước nhà cần nỗ lực, sáng tạo hơn nữa để chinh phục những đỉnh cao, kỷ lục mới.
Thể thao Việt Nam nỗ lực sáng tạo chinh phục những đỉnh cao mới ảnh 1Hoàng Xuân Vinh trên bục chiến thắng sau tấm huy chương Vàng 10m súng ngắn hơi, xác lập kỷ lục mới tại Olympic Rio 2016. (Nguồn: Reuters)

Năm 2016 là năm tạo dấu ấn của ngành văn hóa, thể thao và du lịch, đặc biệt là những thành công, kỷ lục ấn tượng ở lĩnh vực thể thao, du lịch.

Nhân dịp năm mới Đinh Dậu, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã có cuộc trò chuyện với TTXVN về những hướng đi chiến lược của thể thao, du lịch trong năm 2017.

Bộ trưởng khẳng định trong năm 2017, ngành văn hóa, thể thao, du lịch nước nhà cần nỗ lực, sáng tạo hơn nữa để chinh phục những đỉnh cao, kỷ lục mới.

Thể thao quần chúng là nền tảng cho thể thao thành tích cao


- Thưa Bộ trưởng, nhìn lại những thành tựu năm 2016 mà Bộ văn hóa, thể thao và du lịch đã đạt được, Bộ trưởng đánh giá như thế nào về thành tích của t hể thao Việt Nam?

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Năm 2016, đối với Thể thao Việt Nam là một năm thành công trên tất cả các đấu trường Olympic, khu vực, châu lục, trong tất cả các bộ môn. Cụ thể là đã đạt được một số kết quả ở đấu trường Olympic, lần đầu tiên thể thao Việt Nam giành được một huy chương Vàng ở Olympic Rio 2016; cũng giành được huy chương Vàng, huy chương Bạc, hai huy chương Đồng ở Para Olympic Rio 2016.

Trong lĩnh vực bóng đá thì đội tuyển Futsal Việt Nam là một trong 16 đội lọt vào vòng chung kết tại Columbia; đội tuyển U19 quốc gia cũng giành giải Ba châu lục và giành quyền vào tham dự World cup U20 tại Hàn Quốc trong năm 2017.

Lần đầu tiên thể thao Việt Nam giành được huy chương vàng châu Á ở môn bơi lội do công của Nguyễn Thị Ánh Viên - có thể nói đây cũng là kỳ tích với thể thao Việt Nam.

Tại Đại hội thể thao bãi biển châu Á diễn ra ở Đà Nẵng, đoàn thể thao Việt Nam cũng giành thành tích rất cao, đứng đầu các đoàn tham dự và rất nhiều kết quả, thành tích ở các bộ môn khác như bóng bàn, tennis, cầu lông...

- Từ những thành công đó, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch sẽ có chiến lược phát triển thể thao như thế nào trong thời gian tới?


Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện:
Thành công của năm 2016 tạo động lực và niềm tin cho những người làm công tác tác thể thao của cả nước. Chúng ta tự tin rằng trong điều kiện khó khăn, chúng ta có thể đạt được thành tích cao trên các đấu trường mà trước kia chưa bao giờ dám nghĩ tới.

Trong năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tập trung chỉ đạo vào hai mảng lớn. Đó là thể thao quần chúng đẩy mạnh phong trào rèn luyện thể thao theo gương Bác Hồ vĩ đại bởi thể thao quần chúng là nền tảng của thể thao thành tích cao, đây cũng là nền tảng nâng cao tầm vóc, sức khỏe của người dân. Cho nên là chiến lược lâu dài thì phải tập trung vào thể thao quần chúng, sẽ tổ chức rất nhiều giải thể thao dành cho sinh viên, học sinh để chuẩn bị lực lượng kế cận lâu dài trong tương lai.

Đối với thể thao thành tích cao, phát huy thế mạnh đạt được trong năm 2016 sẽ tập trung vào những bộ môn có thế mạnh, phù hợp với thể lực, kỹ năng và tầm vóc của người Việt Nam như bắn súng, bơi lội, thể dục dụng cụ, vật...

Bên cạnh đó, Bộ sẽ tập trung cao hơn, có trọng tâm trọng điểm hơn để vừa huấn luyện trong nước, vừa gửi đi nước ngoài để cố gắng giành thành tích cao ở đấu trường khu vực, châu lục và thế giới. Đồng thời, những bộ môn mà khán giả thích như bóng đá, trong năm 2017 có hai giải lớn là chung kết cúp thế giới U20 và SEA Games tại Malaysia dành cho U22. Hiện Việt Nam đang tập trung mọi khả năng chuẩn bị cho hai đội bóng đá này thi đấu giành thành tích tốt nhất ở đấu trường thế giới và khu vực.

- Vậy mục tiêu cụ thể trong năm 2017 mà ngành thể thao đặt ra là gì, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Cụ thể với thể thao Việt Nam thành tích cao mục tiêu đặt ra là hướng tới SEA Games diễn ra tại Malaysia vào tháng 8/2017.

Đội tuyển Việt Nam phải cố gắng giành thành tích cao nhất và nằm trong tốp dẫn đầu các nước trong khu vực Đông Nam Á. Thành tích cụ thể thì căn cứ vào đặc điểm của SEA Games là nước chủ nhà sẽ chọn những môn thể thao cần thiết với họ, nên Việt Nam chỉ cố gắng nằm trong tốp dẫn đầu, tập trung vào những môn hướng tới ASIAD, Olympic - những môn mà Việt Nam có thế mạnh. Đây cũng là một bước chuẩn bị cho các giải lớn của châu Á và Olympic, đấu trường lớn hơn đấu trường khu vực.

Thể thao quần chúng sẽ triển khai rộng khắp hơn để nâng cao số lượng người tham gia vào hoạt động thể dục thể thao thường xuyên cũng như gia đình hoạt động thể dục thể thao thường xuyên tăng lên khoảng 30%. Đây là hướng chiến lược để vừa giải quyết những vấn đề thể thao quần chúng liên quan đến nâng cao thể lực, tầm vóc người Việt Nam nhưng đồng thời cũng chuẩn bị nền tảng cho thể thao thành tích cao của Việt Nam sau này. Muốn thể thao thành tích cao phát triển bền vững thì phải có nền tảng là thể thao quần chúng vững mạnh.


Tổ chức lễ hội phải gắn với phát triển du lịch


- Mùa lễ hội 2017 chuẩn bị diễn ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có chỉ đạo như thế nào để các địa phương sẽ tổ chức lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh nhất?

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác tổ chức Tết trong năm 2017, chỉ đạo ngành trong cả nước tập trung triển khai tốt Chỉ thị này để đảm bảo tổ chức mùa lễ hội diễn an toàn, tiết kiệm và lành mạnh.

Một số nhiệm vụ cụ thể, trọng tâm cần được đẩy mạnh, trước hết là đ ẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của nhân dân, người tổ chức lễ hội để làm cho lễ hội lành mạnh hơn. Cụ thể là hạn chế những lễ hội gây phản cảm, những lễ hội bạo lực, như cướp phết, cầu trâu, chém lợn. Những lễ hội này cần phải được giảm bớt, cố gắng chấm dứt; tập trung để lễ hội hạn chế, tiến tới chấm dứt vấn đề thương mại hóa lễ hội tức là tổ chức tràn lan, lợi dụng di tích, di sản làm lễ hội để trục lợi, hành nghề mê tín dị đoan.

Mặt khác, cũng cần chấn chỉnh lại an toàn trật tự, vệ sinh môi trường trong lễ hội, nhất là tình trạng lộn xộn trong tổ chức lễ hội ở các địa phương, vùng miền; cố gắng tránh việc tổ chức lễ hội phô trương, hình thức, lãng phí, mặc dù kinh phí là từ nguồn xã hội hóa mà cần tập trung vào tính thiết thực, hiệu quả khi tổ chức.

Các lễ hội cần đảm bảo gắn với bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa, di tích. Đồng thời, tổ chức lễ hội cũng phải gắn với phát triển du lịch, thu hút nhiều khách du lịch, tăng thêm nguồn thu cho địa phương, đất nước. Mục đích của tổ chức lễ hội là bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của di tích, di sản nhưng đồng thời cũng là thu hút du khách để góp phần phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

- Năm 2016 cũng là năm thành công của du lịch Việt Nam. Bộ trưởng có thể cho biết những yếu tố đã làm nên thành công này?

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Du lịch Việt Nam trong năm 2016 thành công, là năm đầu tiên đón được 10 triệu khách quốc tế, cũng là năm đầu tiên tốc độ tăng trưởng khách quốc tế trong một năm đạt 2 triệu lượt, tăng hơn 3 lần so với các năm trước. Nguyên nhân thành công thì có nhiều nhưng trước hết phải nói đến sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức rất nhiều hội nghị để bàn các giải pháp phát triển du lịch. Bộ Chính trị cũng đã thông qua Đề án phát triển du lịch Việt Nam thành ngành kinh tế mũi nhọn. Các cấp các ngành đã vào cuộc để tháo gỡ khó khăn cho du lịch Việt Nam, như về visa, thủ tục, hàng không, các thủ tục khác.

Nội bộ ngành trong năm qua đã triển khai các giải pháp chấn chỉnh hình ảnh du lịch Việt Nam, thu sao của 38 khách sạn từ 3-5 sao, chấn chỉnh các hoạt động lữ hành. Và đặc biệt là tập trung giải quyết những vấn đề tồn tại của du lịch Việt Nam như tình trạng ép giá, ăn xin, nâng giá, vệ sinh môi trường, an toàn, an ninh... Những vấn đề đó đã được các cấp các ngành, các địa phương vào cuộc, xử lý một bước.

Một vấn đề quan trọng là ngành du lịch đã cải thiện được năng lực cạnh tranh, những vấn đề yếu kém trước đây nay đã được cải thiện hơn, đặc biệt là sau khi Năm du lịch quốc gia 2016 Phú Quốc- Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra thành công, có thể nói rắng hình ảnh của du lịch Việt Nam đã được nâng lên.

Du lịch Việt Nam đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, hướng tới mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tôi tin tưởng rằng với tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, ngành du lịch sẽ thực sự chuyển mình, phát triển lên tầm cao mới, thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Bộ Chính trị và đáp ứng kỳ vọng của nhân dân.

- Trân trọng cám ơn Bộ trưởng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục