Thêm một nước "dọa" phủ quyết ngân sách của EU

Các cuộc đàm phán về ngân sách dài hạn của EU có dấu hiệu bị chia rẽ sau khi Pháp dọa phủ quyết ngân sách giai đoạn 2014-2020 của EU.
Các cuộc đàm phán về ngân sách dài hạn của Liên minh châu Âu (EU), dự kiến diễn ra tại hội nghị thượng đỉnh khu vực vào cuối tháng này, đã có dấu hiệu bị chia rẽ sau khi Pháp "theo chân" Đan Mạch dọa phủ quyết ngân sách giai đoạn 2014-2020 của EU.

Trong thông báo công bố ngày 31/10, Bộ trưởng Pháp phụ trách các vấn đề châu Âu Bernard Cazeneuve nói rõ Paris sẽ không ủng hộ một ngân sách dài hạn không duy trì các nguồn quỹ dành cho Chính sách nông nghiệp chung (CAP). Thông báo hàm ý Pháp sẽ không ủng hộ bất kỳ sự cắt giảm tiếp theo nào trong ngân sách dành cho khu vực nông nghiệp.

Lập trường phản đối của Pháp, nước nhận trợ giá nông nghiệp nhiều nhất từ CAP, bắt nguồn từ việc nước Chủ tịch luân phiên EU là Cộng hòa Síp cho biết kế hoạch giảm trợ giá nông nghiệp là một sự thỏa hiệp để đạt được thỏa thuận cắt giảm 50 tỷ euro trong ngân sách dài hạn trị giá 1 nghìn tỷ euro (1,30 nghìn tỷ USD) của EU tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới.

Tuần trước, Thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning-Schmid cũng tuyên bố sẽ phủ quyết kế hoạch ngân sách dài hạn của EU nếu Copenhagen không được giảm trừ 174 triệu USD/năm tiền đóng góp cho ngân sách của tổ chức này.

Tại Anh, một số nghị sỹ hoài nghi châu Âu trong đảng Bảo thủ của Thủ tướng David Cameron cũng trong ngày 31/10 đã quay sang cùng Công đảng đối lập thông qua kiến nghị đòi ông Cameron bám vào mục tiêu cắt giảm ngân sách của EU tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới.

[Đảng cầm quyền Anh bất đồng vì ngân sách của EU]

Kiến nghị này, được thông qua với 307 phiếu ủng hộ và 294 phiếu chống, không có tính quyết định, song phản ánh thất bại lớn đầu tiên kể từ khi Chính phủ liên hiệp Bảo thủ - Dân chủ Tự do lên cầm quyền năm 2010.

Về phần mình, ông Cameron tuyên bố Chính phủ sẽ giữ lập trường cứng rắn trong đàm phán về ngân sách, trong điều kiện tốt nhất sẽ ủng hộ việc cắt giảm, trong điều kiện xấu nhất sẽ ủng hộ việc ngừng tăng ngân sách và sẵn sàng dùng quyền phủ quyết nếu hội nghị sắp tới không đạt được một thỏa thuận có lợi cho nước Anh.

Tuy nhiên, ông cảnh báo nếu EU không đạt được thỏa thuận về ngân sách 2014-2020 thì tổ chức này sẽ phải trở lại với ngân sách hàng năm, gây tốn kém hơn cho xứ sở "Sương mù".

Cùng ngày 31/10, Chính phủ Hy Lạp đã công bố dự thảo ngân sách sửa đổi "khắc khổ" năm 2013. Theo đó, khoảng 9,4 tỷ euro - trong tổng gói cắt giảm chi tiêu 13,5 tỷ euro mà Athens phải triển khai trong hai năm tới để được giải ngân phần cứu trợ tối cần thiết trị giá 31,5 tỷ euro từ EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - sẽ được thực hiện trong năm 2013.

Mục tiêu cắt giảm này chủ yếu tác động đến các lĩnh vực đã từng bị cắt giảm mạnh trong 2 năm qua như lương, lương hưu và một số hình thức phúc lợi khác. Tuy nhiên, Athens vẫn cần vay mượn 60 tỷ euro trong năm tới.

Dự thảo ngân sách phác họa bức tranh ảm đạm về triển vọng kinh tế, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dự kiến giảm ít nhất 4,5% trong năm tới, thấp hơn so với mức 6,6% dự báo trong năm nay nhưng cao hơn nhiều so với mức dự báo 3,8% cách đây vài tháng. Thâm hụt ngân sách nhà nước sẽ tăng lên 5,2% so với dự báo 4,2% trước đó.

Nợ nhà nước sẽ lên tới 346 tỷ euro (450 tỷ USD), tương đương 189,1% GDP, cao hơn mức dự báo 182,5% cách đây vài tháng. Tỷ lệ thất nghiệp có thể dừng ở khoảng 22,8% trong năm 2013 so với 22,4% ước tính trong năm nay. Dự thảo cũng dự báo kinh tế Hy Lạp sẽ tăng trưởng trở lại vào năm 2014, sau sáu năm suy thoái liên tiếp.

Ngay sau khi Chính phủ Hy Lạp công bố dự thảo ngân sách "khắc khổ mới," các nghiệp đoàn đã kêu gọi một cuộc tổng bãi công trong vòng 48 giờ, bắt đầu từ ngày 6/11 tới, thời điểm Quốc hội Hy Lạp dự định tiến hành bỏ phiếu đối với bản dự thảo ngân sách này.

Nhiều người biểu tình đến từ miền Bắc đang đắp các đống băng trước cửa Quốc hội để bày tỏ thái độ giận dữ trước quyết định của chính phủ tăng giá dầu sưởi.

Bất chấp các cuộc biểu tình phản đối trên đường phố, Quốc hội Bồ Đào Nha ngày 31/10 đã thông qua ngân sách "thắt lưng buộc bụng" năm 2013 do chính phủ đệ trình nhằm đáp ứng yêu cầu nhận cứu trợ từ EU và IMF.

Thủ tướng Pedro Passos Coelho quyết tâm giảm thâm hụt ngân sách nhà nước từ 5,0% trong năm nay xuống 4,5% trong năm tới. Lisbon cũng tìm cách tăng thu ngân sách 5,3 tỷ euro (6,9 tỷ USD), 80% số này thông qua biện pháp tăng thuế với thuế thu nhập trung bình tăng từ 9,8% lên 13,2%.

Sau động thái trên của Quốc hội, vài nghìn người đã tụ tập trước trụ sở cơ quan lập pháp để phản đối các biện pháp tăng thuế. Các nghiệp đoàn nước này dự định tổ chức tổng bãi công phản đối vào ngày 14/11 tới, gần thời điểm diễn ra cuộc tổng bãi công tương tự ở nước Tây Ban Nha láng giềng./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục