Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đạt 557.545 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023.
Đồng thời, thị trường bán lẻ Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy đang chuyển hướng rõ rệt và hội nhập mạnh mẽ làn sóng tiêu dùng xanh.
Báo cáo của Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy bước sang tháng 6/2024, thương mại và dịch vụ trên địa bàn thành phố diễn ra sôi nổi với nhiều chương trình được thực hiện nhằm kích cầu tiêu dùng, phục vụ nhu cầu mua sắm, vui chơi, giải trí của người dân trong mùa du lịch Hè.
Cùng với đó, từ đầu năm đến nay tại Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang diễn ra đa dạng hoạt động kích cầu tiêu dùng xanh như: chiến dịch Tiêu dùng xanh lần thứ 15-2024; đồng thời, với Chương trình danh hiệu Doanh nghiệp xanh năm 2024; phát động Giải thưởng Thương hiệu Vàng Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 5 - năm 2024 với chủ đề “Đổi mới và Bền bững."
Vừa mới đây, trong khuôn khổ các dự án của chiến dịch Tiêu dùng xanh lần thứ 15-2024, hoạt động “Trải nghiệm xanh đồng hành cùng doanh nghiệp” đã được triển khai tại Công ty Cổ phần Mỹ phẩm Sài Gòn (SCC) dành cho khách hàng.
Khách hàng đã đến tham quan trực tiếp quy trình sản xuất xanh và hiểu rõ hơn về các sản phẩm của một doanh nghiệp nổi tiếng lâu đời trong lĩnh vực sản xuất mỹ phẩm tại Việt Nam.
Bà Phùng Thị Ái Vân, đại diện Ban tổ chức hoạt động “Trải nghiệm xanh đồng hành cùng doanh nghiệp,” chia sẻ mục tiêu của hoạt động nhằm kết nối doanh nghiệp và người tiêu dùng đến gần nhau hơn, giúp người tiêu dùng hiểu rõ hơn về những tiêu chí để xây dựng nên một doanh nghiệp xanh, bền vững. Song song đó, doanh nghiệp cũng có thể chia sẻ thêm về những nỗ lực thay đổi, cải tiến và những khó khăn, thử thách đã phải vượt qua trên hành trình “xanh hóa” hoạt động sản xuất.
Liên quan đến hội nhập làn sóng tiêu dùng xanh, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), cho hay tiêu dùng xanh đang trở thành xu hướng toàn cầu khi bảo vệ môi trường trở thành nhiệm vụ cấp bách trong thời đại hiện nay. Tại Việt Nam, phong trào “xanh hóa” cũng được hưởng ứng và đẩy mạnh phát triển trên cả nước, góp phần gia tăng ý thức sản xuất kinh doanh, tiêu dùng hướng đến môi trường của cả doanh nghiệp lẫn người dân.
Theo ông Nguyễn Anh Đức, Saigon Co.op không ngừng nỗ lực đồng hành cùng nhiều sở, ngành và đơn vị khác trong vận động cộng đồng ưu tiên sử dụng các sản phẩm từ thiên nhiên, sản phẩm của các doanh nghiệp đảm bảo quy trình sản xuất không gây tác động tiêu cực lên môi trường.
Saigon Co.op hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường không chỉ về giá bán, còn dành riêng khu vực trưng bày thu hút cho các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường, nên người tiêu dùng được tiếp cận nhiều hơn với các mặt hàng xanh.
Hiện tại trong tháng 7/2024, Saigon Co.op đang tổ chức chuỗi chương trình Lễ hội hàng nhãn riêng Co.op, với hơn 1.000 sản phẩm Co.op Select, Co.op Happy, Co.op Finest… có mức giảm giá đến 50% hoặc được giảm chỉ còn 5.000 đồng/sản phẩm; Lễ hội Đồng hành cùng OCOP - Tôn vinh nông sản Việt, với hơn 500 mặt hàng OCOP…
Lễ hội Đồng hành cùng OCOP - Tôn vinh nông sản Việt giới thiệu trưng bày và giảm giá hơn 500 sản phẩm OCOP đến từ nhiều hợp tác xã trên toàn quốc.
Ở góc độ người tiêu dùng, chị Thiên Thanh, cư ngụ tại quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng trong xu hướng tiêu dùng thông minh và mua sắm tiện lợi trên nhiều kênh bán lẻ truyền thống lẫn hiện đại thì uy tín thương hiệu có vai trò quan trọng đối với quyết định mua sắm, tiêu dùng của khách hàng. Do đó, bên cạnh thông tin minh bạch trên bao bì, nhãn mác thì việc được tiếp cận quy trình sản xuất của doanh nghiệp, hay cập nhật chiến lược kinh doanh của nhà bán lẻ giúp người tiêu dùng dễ dàng chọn lựa và ưu tiên mua sắm sản phẩm phù hợp nhu cầu.
“Điển hình, nếu lúc trước người tiêu dùng phổ biến mất thời gian để tìm mua những sản phẩm xanh trong quầy, kệ của trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị… thì hiện nay có thể nhận diện sản phẩm này tại khu vực được thiết kế riêng, hoặc mua sắm tại chuỗi cửa hàng chuyên ngành. Hơn thế nữa, ngày càng nhiều nhà bán lẻ phối hợp cùng đơn vị sản xuất kinh doanh quảng bá, tiếp thị nhóm sản phẩm xanh từ lương thực, thực phẩm… cho đến hàng tiêu dùng thiết yếu, với phong phú chương trình kích cầu đã tạo được sức hút với người tiêu dùng,” chị Thiên Thanh cho biết thêm.
Ghi nhận ý kiến một số người tiêu dùng khác trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh, khi nhà bán lẻ “bắt tay” cùng đơn vị sản xuất kinh doanh, cùng với sự đồng hành của sở ngành và các đơn vị khác, đã từng bước tạo ra xu hướng tiêu dùng xanh tại thị trường bán lẻ Thành phố Hồ Chí Minh.
Người tiêu dùng từ nhận thức thế nào là sản phẩm xanh đã dần chuyển sang ưu tiên mua sắm sản phẩm xanh, nhất là hàng hóa sản xuất trong nước.
Thống kê, với sự nỗ lực rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp trong việc không ngừng cải thiện, nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm, cùng sự định hướng, hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là sau nhiều năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam,” tỷ lệ người dân dùng hàng Việt đã tǎng mạnh từ mức 73% lên hơn 85%.
Người tiêu dùng ngày càng được tiếp cận nhiều chủng loại hàng hóa trong nước có chất lượng cao, uy tín, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và nhất là sản phẩm xanh.
Khảo sát của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cũng cho thấy đa số người bán đánh giá sản phẩm của doanh nghiệp đạt chuẩn hàng Việt Nam chất lượng cao được nhiều người mua nhờ vào những yếu tố như thương hiệu uy tín, sản phẩm đa dạng chủng loại, giá bán cạnh tranh…
Trong số những người tham gia khảo sát thì có trên 50% đánh giá doanh nghiệp có nhiều sản phẩm mới hoặc được cải tiến trong năm qua nên người tiêu dùng ngày càng tin tưởng và đã chủ động tiếp cận, sử dụng hàng Việt./.
Thành phố Hồ Chí Minh: Xu thế số hóa kênh phân phối, bán lẻ
Theo các chuyên gia, chuyển đổi số giúp đơn vị sản xuất kinh doanh giảm chi phí, tối ưu hoạt động… dựa trên cơ sở dữ liệu đang là làn sóng lan tỏa trong ngành bán lẻ Việt Nam.