Thị trường châu Á phiên 26/6: Giá dầu ổn định ở mức cao, giá vàng giảm nhẹ

Giá dầu giao dịch ổn định quanh mức cao nhất của gần hai tháng; giá vàng giảm khi các nhà đầu tư chờ đợi số liệu lạm phát quan trọng của Mỹ, trong khi thị trường chứng khoán châu Á phần lớn tăng điểm

Giàn khoan dầu ở giếng dầu Shengli, thành phố Đông Dinh, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)
Giàn khoan dầu ở giếng dầu Shengli, thành phố Đông Dinh, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Giá dầu biến động quanh mức cao nhất của gần hai tháng

Giá dầu được giao dịch ổn định quanh mức cao nhất của gần hai tháng trong phiên ngày 26/6, trước những dự báo về khả năng hàng tồn kho sẽ giảm trong quý 3/2024 cùng những rủi ro liên quan đến xung đột ở Trung Đông.

Viện Dầu khí Mỹ (API) ngày 26/6 báo cáo tồn kho dầu thô của Mỹ tăng 914.000 thùng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích, số liệu chính thức dự kiến được công bố ngày 26/6 sẽ cho thấy hàng tồn kho giảm gần 3 triệu thùng.

Chuyên gia Tamas Varga của công ty môi giới dầu mỏ PVM cho biết: “Quan điểm phổ biến là nhu cầu (tiêu thụ dầu) sẽ tăng trong mùa Hè.” "Địa chính trị vẫn được coi là yếu tố hỗ trợ thị trường."

Giá dầu Brent kỳ hạn tăng 7 xu Mỹ lên 85,08 USD/thùng vào lúc 15 giờ 13 phút giờ Việt Nam. Giá dầu WTI của Mỹ giao kỳ hạn cũng tăng 23 xu Mỹ, tương đương 0,3%, lên 81,06 USD/thùng.

Chuyên gia Suvro Sarkar, trưởng nhóm năng lượng tại ngân hàng DBS Bank, cho biết các thị trường đang chú ý nhiều hơn đến triển vọng hàng tồn kho giảm trong quý 3 cao điểm.”

Các nhà phân tích cho biết xu hướng tăng giá mạnh mẽ trong tháng trước cũng phản ánh nhu cầu dầu thực tế ở mức cao. Giá dầu Brent và WTI giao tháng tháng 8 hiện ở mức cao hơn khoảng 80 xu Mỹ/thùng so với tháng Chín.

Các nhà phân tích của ngân hàng JP Morgan viết trong một báo cáo gửi khách hàng: “Các chỉ số quan trọng của thị trường dầu cho thấy rằng, sự phục hồi của giá năng lượng đang phản ánh một thị trường vật chất cơ bản mạnh mẽ hơn.”

Về mặt địa chính trị, các cuộc tấn công của Houthi nhằm vào hoạt động vận chuyển hàng hải ở Biển Đỏ và căng thẳng gia tăng ở Trung Đông cũng là những yếu tố thúc đẩy giá dầu, chuyên gia Sarkar của DBS cho biết.

Chứng khoán châu Á phần lớn “xanh sàn”

Hưởng ứng đà tăng giá của các cổ phiếu công nghệ Phố Wall, chứng khoán châu Á phần lớn tăng điểm trong phiên ngày 26/6.

Giới đầu tư đang hướng đến các dữ liệu lạm phát quan trọng của Mỹ dự kiến được công bố trong tuần này. Trong khi đó, xu hướng giảm giá của đồng yen đang thổi bùng lên những lo ngại về khả năng Chính phủ Nhật Bản sẽ can thiệp thị trường.

Tại thị trường Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 tăng 1,3% lên 39.667,07 điểm. Trong khi đó, tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 0,094% lên 18.089,93 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải cũng tiến 0,8% lên 2.972,53 điểm.

chung khoan chau A.jpg
Chỉ số Nikkei-225 trên bảng điện tử tại Osaka, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Chứng khoán Tokyo, Shanghai, Hong Kong, Seoul, Wellington, Mumbai, Manila và Jakarta đều trong vùng xanh trong khi chứng khoán Sydney, Singapore và Bangkok rơi vào vùng đỏ.

Các nhà đầu tư đang chờ đón dữ liệu về tiêu dùng cá nhân dự kiến được công bố hôm 28/6 tới. Đây là thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Giới đầu tư kỳ vọng một chỉ số “mềm” hơn sẽ thúc đẩy thể chế này sớm cắt giảm lãi suất.

Trước đó, quan chức của Fed Michelle Bowman đã cảnh báo: “Chúng ta (nước Mỹ) vẫn chưa đến thời điểm thích hợp để hạ lãi suất chính sách. Bà cho rằng cần thận trọng trong cách tiếp cận để xem xét những thay đổi về lập trường chính sách trong tương lai.

Đồng quan điểm này, Thống đốc Lisa Cook nói thêm rằng bà nhận thấy lạm phát đang tăng chậm lại trong năm nay và sẽ tăng chậm hơn nữa trong năm tới, đồng thời chi phí đi vay có thể giảm "vào một thời điểm nào đó."

Những nhận xét này nhìn chung giống với nhận xét của quan chức khác của Fed, những người đã khẳng định họ muốn có thêm bằng chứng cho thấy giá đã được kiểm soát trước khi quyết định hạ lãi suất.

Tại thị trường Việt Nam, chỉ số VN-Index tăng 4,68 điểm (0,37%) lên 1.261,24 điểm, còn chỉ số HNX-Index giảm 0,51 điểm (0,21%) xuống 239,68 điểm.

Giá vàng giảm trước thềm các báo cáo quan trọng

Giá vàng giảm trong phiên 26/6, khi các nhà đầu tư chờ đợi số liệu lạm phát quan trọng của Mỹ để tìm kiếm manh mối về thời điểm cắt giảm lãi suất đầu tiên của Fed trong năm nay.

Cụ thể, giá vàng giao ngay có lúc giảm 0,3% xuống 2.312,90 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn của Mỹ cũng hạ 0,3% xuống 2.324,80 USD/ounce.

Đồng USD đã tăng 0,2% so với các đồng tiền đối thủ, khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác, trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm cũng tăng cao hơn.

gia vang chau A.jpg
Vàng trang sức được bày bán tại cửa hàng ở Yangon, Myanmar. (Ảnh: THX/TTXVN)

Chiến lược gia thị trường Yeap Jun Rong của ngân hàng IG cho biết, lợi suất trái phiếu kho bạc cao và đồng USD tăng giá đã khiến giá vàng suy yếu. Ngoài ra, sự chưa chắc chắn xung quanh dự định nới lỏng chính sách của Fed cũng là nguyên nhân khiến vàng giảm giá.

Số liệu ước tính về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý đầu tiên của Mỹ sẽ được công bố vào ngày 27/6 tới, theo sau là báo cáo chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) vào ngày 28/6.

Chuyên gia Jun Rong của IG cho biết thêm: “Một số liệu lạm phát gây bất ngờ có thể tạo ra sự không chắc chắn trong các chính sách của Fed và có thể khiến vàng giảm giá hơn nữa.”

Lãi suất cao hơn làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng. Chuyên gia Tim Waterer, chuyên gia phân tích thị trường tại KCM Trade, cho biết giá cần phá vỡ mức 2.368 USD/ounce để vàng chinh phục các mức cao nhất được thiết lập vào tuần trước.

Tại thị trường Việt Nam, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn cũng niêm yết giá vàng SJC ở mức 73,95-75,55 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục