Thị trường dầu thế giới biến động không đồng nhất

Tuần qua, giá dầu biến động không đồng nhất khi những bất ổn địa chính trị và nhu cầu chi phối giá dầu Brent Biển Bắc, New York.
Tuần qua, giá dầu biến động không đồng nhất khi những bất ổn địa chính trị luôn chi phối giá dầu Brent Biển Bắc, trong khi giá dầu New York lại chịu tác động mạnh trước những quan ngại về nhu cầu.

Giá dầu đã giảm ngay phiên đầu tuần do triển vọng nhu cầu bấp bênh khi các nhà lãnh đạo châu Âu nhóm họp bàn cách giải quyết khủng hoảng nợ công khu vực và giới đầu tư đang dõi theo cuộc đàm phán về tái cơ cấu giữa Chính phủ Hy Lạp với các nhà đầu tư tư nhân. Chốt phiên 30/1 tại New York, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 3/2012 dừng ở mức 98,78 USD/thùng và giá dầu Brent Biển Bắc lùi xuống 110,75 USD/thùng.

Chuyên gia Tom Bentz thuộc BNP Paribas nhận định chính các nỗi lo dai dẳng về tình hình tại Hy Lạp cũng như trên khắp châu Âu đã khiến hàng loạt các thị trường, trong đó có thị trường năng lượng, chịu chung cảnh sa sút.

Sang phiên 31/1 giá dầu ngọt nhẹ New York đảo chiều đi lên, trong bối cảnh thị trường ngày càng lạc quan hơn về khả năng Hy Lạp sẽ sớm đạt được thỏa thuận với các chủ nợ tư nhân nhằm ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ của nước này.

Tuy nhiên, đà tăng này không duy trì được đến hết phiên, do các báo cáo mới nhất của Chính phủ Mỹ làm giới đầu tư lo ngại về nhu cầu tiêu thụ năng lượng của Mỹ, nước tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới, trong thời gian tới. Đó là giá nhà ở tại 19 trong số 20 thành phố giảm tháng thứ 5 liên tiếp vào tháng 11/2011 và chỉ số lòng tin của người tiêu dùng vẫn chưa được cải thiện. Do đó giá dầu ngọt nhẹ New York giảm tiếp 30 xu, đóng cửa ở mức 98,48 USD/thùng.

Trong khi đó, giá dầu Brent lại tăng nhờ tín hiệu tích cực từ Nhật Bản, một trong những thị trường nhập khầu dầu mỏ lớn trên thế giới, rằng chi tiêu hộ gia đình trong nước trong tháng 1/2012 đã ghi nhận mức tăng lần đầu tiên kể từ khi diễn ra thảm họa động đất-sóng thần hồi tháng 3 năm ngoái. Thêm vào đó, căng thẳng leo thang giữa Sudan và Nam Sudan cũng giúp giảm bớt những áp lực làm hạ giá dầu. Do đó tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn lại tăng 12 xu, chốt ở mức 110,87 USD/thùng.

Giá dầu tiếp tục biến động trái chiều tại New York và London suốt hai phiên đầu tháng 2 do thị trường đón nhận các thông tin ngược chiều. Vào đầu phiên các số liệu lạc quan trong lĩnh vực chế tạo của thế giới, đặc biệt là từ Trung Quốc, và tình hình Iran căng thẳng đã hậu thuẫn tích cực cho giá dầu. Nhưng sau khi Mỹ công bố báo cáo cho thấy dự trữ dầu thô tăng và hoạt động lọc dầu giảm sút, thị trường lại dấy lên mối lo về nguy cơ dư cung và sức tiêu thụ dầu mỏ tại nền kinh tế lớn nhất thế giới có xu hướng đi xuống.

Trong bối cảnh phần lớn lãnh thổ Mỹ có một mùa Đông ấm bất thường, tổng các sản phẩm dầu khí cung cấp cho thị trường này trong 4 tuần qua giảm 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi dự trữ dầu thô đứng ở mức cao so với thời điểm này của năm.

Giá dầu Brent tăng nhẹ do thị trường hy vọng châu Âu sẽ đi đến một thỏa thuận để đối phó với nợ công và nhà đầu tư cũng phấn chấn trước những thống kê kinh tế đáng khích lệ của Trung Quốc. Giá dầu còn được hậu thuẫn bởi những căng thẳng tại Iran. Các nghị sỹ Mỹ đã đưa ra đề xuất liên quan đến những biện pháp trừng phạt mới đối với Iran, trong bối cảnh chưa có bước đột phá nào trong cuộc đàm phán giữa Tehran và phái đoàn của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế về chương trình hạt nhân của nước Arập này.

Đóng phiên 1/2 giá dầu ngọt nhẹ New York giảm 87 xu xuống 97,61 USD/thùng và sau đó giảm tiếp 1,25 USD xuống 96,36 USD/thùng vào cuối phiên 2/2. Còn giá dầu Brent Biển Bắc sau khi tăng 58 xu trong phiên 1/2 lại nhích thêm 51 xu lên đóng phiên 2/2 ở mức 112,07 USD/thùng.

Các số liệu lạc quan về thị trường lao động và lĩnh vực dịch vụ tại Mỹ đã giúp giá dầu New York và London chuyển động cùng chiều theo hướng đi lên vào phiên cuối tuần 3/2. Cụ thể là giá dầu ngọt nhẹ New York giao tháng 3/2011 tăng 1,48 USD lên 97,84 USD/thùng; còn giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn tăng 2,51 USD lên 114,58 USD/thùng./.

Hoàng Hà (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục