Một người đàn ông đứng yên ở quảng trường Taskim của Istanbul trong im lặng. Ngẩng cao đầu, anh không hề di chuyển trong hàng tiếng đồng hồ. Động thái bất bạo động trên, tại quảng trường mà cảnh sát đã xua hết người biểu tình từ hôm 15/6 và đã bị chính quyền cấm tụ tập, chính là một động thái phản đối kiểu mới. Anh đã tới đây từ tối ngày 17/6 và ở đây qua đêm, ngay giữa trung tâm quảng trường. Sau năm tiếng, người đàn ông này vẫn ở yên đó với hai tay đút túi quần và để một chiếc túi cùng vài chai nước dưới chân. Anh đứng với ánh mắt nhìn vào bức chân dung người đã gây dựng nên Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay: Mustafa Kemal Ataturk, được đặt trên đỉnh khu trung tâm văn hóa cổ này. Ngay lập tức, sự kiện này đã thu hút sự bình luận trên Twitter, với những cụm từ như Duranadam hay Standingman (người đàn ông đứng) nhận được rất nhiều bình luận và kèm cả ảnh chụp. Người đàn ông đó có tên Erdem Gunduz và hành động của anh là nhằm "lách luật" cấm tụ tập tại quảng trường. Vào ngày 15, cảnh sát đã dùng hơi cay và súng nước để dọn cả quảng trường lẫn công viên gần đó, nơi hàng nghìn người tụ tập để biểu tình. Trước đó, ngày 31/5, cảnh sát đã phá tan kế hoạch biểu tình nhằm chống lại chính quyền của Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan. Hiện cảnh sát đã vây kín khu quảng trường để ngăn chặn điều tương tự diễn ra. Để kế hoạch có thể thành công, các bạn của Gunduz đã dàn vị trí quanh quảng trường nhằm ngăn cản những ai tới phá đám hay can thiệp tới hành động của anh. Asma, một phụ nữ Thổ trẻ cho biết: "Chúng tôi phải bảo vệ anh ấy khỏi bất cứ sự tụ tập nào. Anh ấy cần đứng một mình ở giữa quảng trường, bằng không cảnh sát sẽ lấy cớ có đám đông tụ tập để giải tán mọi người." Dần dần, một đám người tạo thành vòng tròn xung quanh anh. Một số thanh niên đã bắt đầu tranh cãi xem liệu có nên ra đứng cùng Gunduz không hay để anh yên như các bạn anh mong muốn. Kế hoạch của Gunduz là đứng ở đó một tháng và nghỉ 3 tiếng mỗi ngày, trong lúc một người bạn đứng thế chỗ anh. Tuy vậy, không lâu sau đã có những người tới tham gia cùng Gunduz. Một nhóm các thanh niên đã lại gần anh và khiến cảnh sát ập tới. Gunduz đã kịp thoát trong vòng vây bạn bè, nhưng không phải ai cũng may mắn như anh. Cảnh sát đã bắt được khoảng 10 thanh niên và đưa lên xe bus và cảnh tượng trên đã được các tay nhiếp ảnh ghi lại. Sau khi bị xua đuổi khỏi quảng trường và công viên hôm 15/6, các thành viên biểu tình đã bàn tán về các cách mới để chuyển tải thông điệp và dường như Erdem Gunduz đã chỉ cho họ một lối đi./.
Quốc Thịnh (Vietnam+)