Thỏa thuận AUKUS có thể làm gia tăng rủi ro năng lượng với Trung Quốc

Trung Quốc có thể phải đối mặt với một thách thức đáng kể về an ninh năng lượng nếu Bắc Kinh cố tìm cách trả đũa Australia về kế hoạch mua lại công nghệ tàu ngầm hạt nhân từ Anh và Mỹ.
Thỏa thuận AUKUS có thể làm gia tăng rủi ro năng lượng với Trung Quốc ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Image)

Theo tạp chí Eurasia Review, Trung Quốc có thể phải đối mặt với một thách thức đáng kể về an ninh năng lượng nếu Bắc Kinh cố tìm cách trả đũa Australia về kế hoạch mua lại công nghệ tàu ngầm hạt nhân từ Anh và Mỹ.

Vào ngày 16/9, Bắc Kinh đã lên tiếng chỉ trích một thông báo được đưa ra một ngày trước đó rằng Australia sẽ tham gia một quan hệ đối tác an ninh mới được gọi là AUKUS, có kế hoạch phát triển một hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân “để duy trì hòa bình và ổn định trên toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”

Tại một cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã nói rõ rằng Trung Quốc không tin tưởng vào sự đảm bảo của các quan chức cấp cao Mỹ khi tuyên bố với các phóng viên rằng sáng kiến an ninh này không nhằm vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào.

Thỏa thuận tàu ngầm

Ông Triệu Lập Kiên cho rằng thỏa thuận tàu ngầm “đã phá hoại nghiêm trọng hòa bình và ổn định của khu vực, tăng cường chạy đua vũ trang và hủy hoại các nỗ lực không phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế.”

“Trung Quốc luôn tin rằng bất kỳ cơ chế khu vực nào cũng nên góp phần tăng cường sự tin cậy lẫn nhau và hợp tác giữa các nước trong khu vực,” ông Triệu nói.

Mặc dù các tàu vũ trang thông thường chạy bằng năng lượng hạt nhân này dự kiến sẽ chưa thể đưa vào hoạt động cho đến cuối thập kỷ tới, kế hoạch này có thể mở ra một chương mới trong chiến dịch trả đũa của Trung Quốc nhằm vào các lợi ích kinh tế và thương mại của Australia trong thời gian tới.

[Australia gây thêm căng thẳng ở Đông Nam Á sau khi ký thỏa thuận AUKUS]

Bất chấp hiệp định thương mại tự do giữa hai nước từ năm 2015, Trung Quốc vẫn trừng phạt Australia về các chính sách của nước này, từ việc ủng hộ người biểu tình ở Hong Kong (Trung Quốc) đến việc kêu gọi điều tra nguồn gốc của đại dịch COVID-19.

Trong hai năm qua, Chính phủ Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp trừng phạt và hạn chế các sản phẩm xuất khẩu của Australia, bao gồm rượu vang, lúa mạch, tôm hùm, đồng và than đá.

Các biện pháp trả đũa chủ yếu tập trung vào các sản phẩm mà Bắc Kinh có thể không cần phải nhập từ Australia, mặc dù các nhà phân tích đang bất đồng về việc liệu lệnh cấm nhập khẩu đối với than của Australia có góp phần gây ra tình trạng thiếu hụt và tăng giá kỷ lục cho nguồn nhiên liệu chính của Trung Quốc trong năm nay hay không.

Cho đến nay, các nhà chức trách Trung Quốc đã thận trọng tránh hạn chế nhập khẩu quặng sắt từ Australia mà phần lớn không thể thay thế được vì sợ làm tổn hại đến ngành công nghiệp thép của Trung Quốc.

Nhưng ngay cả tài sản an toàn đó của Australia cũng có thể bị đe dọa khi Trung Quốc cắt giảm sản lượng thép để đáp ứng các mục tiêu phát thải cũng như do tác động từ sự đi xuống của ngành phát triển bất động sản do rủi ro nợ gia tăng.

Những rạn nứt thương mại

Theo hãng tin PMN Business, vào giữa tháng Chín, giá quặng sắt kỳ hạn đã giảm hai con số sau khi có những báo cáo về việc mở rộng kiểm soát sản xuất.

Khi Trung Quốc không còn những danh mục thương mại để trừng phạt Australia một cách an toàn, nước này có thể sẽ trả đũa bằng cách trừng phạt việc nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), mặt hàng nhập khẩu lớn thứ hai từ Australia, sau quặng sắt.

Hiện tại, Australia vẫn là nhà cung cấp nhiên liệu siêu lạnh hàng đầu của Trung Quốc, chiếm tới 45% lượng nhập khẩu LNG của nước này cho đến khi thị phần gần đây giảm xuống còn 43%, theo nhà tư vấn năng lượng Wood Mackenzie có trụ sở tại Anh.

Mikkal Herberg, Giám đốc nghiên cứu an ninh năng lượng của Cơ quan Nghiên cứu châu Á (NBAR) có trụ sở tại Seattle, cho biết: “Tôi không nghĩ Trung Quốc có thể đủ khả năng để sớm cắt giảm nhập khẩu LNG của Australia. Mùa Đông năm nay sẽ là một thảm họa nếu Trung Quốc quyết định làm như vậy."

Vào tháng Năm, Bloomberg News cho biết, hai trong số các thương nhân nhỏ hơn của Trung Quốc được yêu cầu tránh mua khí LNG mới từ Australia, mặc dù không có bất kỳ tín hiệu tương tự nào được gửi đến các nhà nhập khẩu lớn của nước này - các công ty dầu mỏ quốc gia (NOC).

Vào tháng Sáu, Wood Mackenzie cho biết, những tin tức về việc hạn chế nhập khẩu LNG từ Australia "chưa được xác nhận," nhưng đây có thể là một chỉ báo về áp lực đối với các biện pháp hạn chế lớn hơn sắp tới.

Việc nhắm đến hàng hóa LNG của Australia đã được theo dõi sát sao trrong năm nay do một số yếu tố.

Sau đợt sụt giảm kéo dài đến tháng Hai, giá LNG châu Á giao ngay trên thị trường đã tăng lên mức cao kỷ lục khi Trung Quốc thay thế Nhật Bản để trở thành nước mua lớn nhất thế giới.

Giá tăng đột biến được cho là đã khiến một số nhà nhập khẩu Trung Quốc không muốn mua thêm LNG.

Tuy nhiên, việc tích trữ trước mùa Đông kết hợp với áp lực cắt giảm lượng khí thải carbon từ than đá, đã khiến giá LNG giao ngay tăng cao hơn. Ngoài ra, giá khí đốt kỷ lục, mức dự trữ thấp và tình trạng thiếu hụt ở châu Âu đã khiến nguồn cung tiếp tục bị thắt chặt.

Vấn đề năng lượng và khí hậu

Tuy nhiên, nhu cầu của Trung Quốc đối với cả khí đốt đường ống và LNG đều cao bất chấp chi phí gia tăng do nước này phải đối mặt với áp lực hạn chế sử dụng than và đáp ứng các mục tiêu về biến đổi khí hậu.

Trong giai đoạn từ tháng 1-8/202, nhập khẩu khí đốt hỗn hợp đã tăng 22,2% so với năm trước, chiếm hơn 44% nguồn cung cấp nhiên liệu của Trung Quốc, theo dữ liệu của Cục Thống kê Quốc gia (NBS).

Theo các số liệu hải quan, nhập khẩu LNG của Trung Quốc tăng 23,3% trong tháng 8/2021.

Giới phân tích cho rằng về lâu dài, thỏa thuận tàu ngầm của Australia có thể gây ra tình thế khó khăn chiến lược đối với Trung Quốc, đặc biệt là vấn đề an ninh năng lượng.

Trong khi việc triển khai các tàu ngầm hạt nhân của Australia có thể còn xa trong tương lai, sự phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng của Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục trong nhiều năm.

Ông Herberg cho biết: “Các mục tiêu sản xuất khí đốt trong nước của Trung Quốc rất tham vọng và vẫn cho thấy sự phụ thuộc ngày càng lớn vào khí đốt nhập khẩu. Thật khó để biết khi nào thị trường LNG sẽ được cung cấp đủ để tạo ra sự chuyển đổi khả thi. Chỉ trong trường hợp thị trường LNG toàn cầu thặng dư lớn thì Trung Quốc mới có thể thỏa mái loại bỏ việc nhập khẩu LNG của Australia”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục