Moskva sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân chỉ khi nào tin chắc rằng kẻ thù sẵn sàng tấn công nước Nga.
Theo Gazeta.ru, lời tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Câu lạc bộ quốc tế Valdai hôm 18/10 cho thấy Moskva coi vũ khí hạt nhân như công cụ chính trong cuộc đối đầu quân sự với đối phương, cho dù hiểu rằng hậu quả của nó có thể là thảm họa cho tất cả các bên.
Ông Putin nói tiếp: “Tất nhiên đó là thảm họa song chúng tôi không thể là bên gây ra thảm họa đó. Kẻ xâm lược cần biết rằng chúng tôi như những người khổ hạnh được lên thiên đàng, còn kẻ xâm lược sẽ chết khô không kịp sám hối.”
Giới chuyên gia nhận định ngày hôm nay việc sử dụng vũ khí hạt nhân không còn là bất tự nhiên đối với giới tinh hoa chính trị ở các cường quốc hạt nhân, nỗi sợ hãi đang dần biến mất.
Chuyên gia quân sự trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân, Thiếu tướng về hưu Vladimir Dvorkin cho rằng nguy hiểm chính là “khoảng thời gian rất ngắn” mà lãnh đạo các nước có thể sử dụng vũ khí hạt nhân.
Theo ông, trong điều kiện nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân tăng cao, Nga và Mỹ cần siết chặt kiểm soát vũ khí, vì đây là điều chủ yếu “giữ chúng ta khỏi chiến tranh hạt nhân” song tiếc thay lại là “điều mà chúng ta đang mất đi.”
Trong bài báo đăng trên Niên san SIPRI 2017 của Viện nghiên cứu hòa bình Stockhoml hôm 18/10, ông Dvorkin cho rằng trong bối cảnh hiện nay, lối thoát cho Nga và Mỹ có thể là thông qua hành động chung “từ chối các nguyên tắc tấn công-đáp trả trên cơ sở thông tin từ hệ thống cảnh báo.”
Trong điều kiện hiện tại, rủi ro từ “quyết định sai lầm” dù nhỏ bé song vẫn tồn tại.
Theo ông Dvorkin, Nga và Mỹ cần “bắt đầu những cuộc tham vấn và đàm phán thực tế” trong lĩnh vực vũ khí tấn công chiến lược, cũng như gìn giữ Hiệp ước thủ tiêu tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF).
Trong khi đó giới chuyên gia lo ngại, Hiệp ước ký từ năm 1987 giữa Liên Xô và Mỹ sẽ không thể tồn tại.
Số phận tương tự cũng đe dọa Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược (Start III) năm 2010. Start III là Hiệp ước cuối cùng ký giữa Nga và Mỹ trong lĩnh vực hạt nhân và có thể được gia hạn đến 2021.
[Tổng thống Vladimir Putin: Nga sẽ không châm ngòi chiến tranh hạt nhân]
Hiện hai nước không còn những cuộc đàm phán toàn diện trong lĩnh vực này cho dù tại Hội nghị thượng đỉnh Helsinki Tổng thống Nga V.Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump có đề cập đến.
Điện Kremli cho rằng Washington không muốn nói về đề tài ổn định chiến lược.
Hơn thế nữa, Nga có khuynh hướng nghĩ rằng chính Washington đẩy Moskva đến chỗ chạy đua vũ trang mới. Cả hai bên đều cáo buộc nhau vi phạm Hiệp ước INF.
Mỹ đang tập trung hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình. Nhà Trắng muốn chi 1.200 tỷ USD trong vòng 30 năm tới cho mục đích này.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu của Viện Kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế thuộc Viện hàn lâm khoa học Nga Natalia Bubnova cho rằng “không nên phóng đại quy mô chương trình vũ khí của Mỹ.”
Bà Bubnova dẫn ra số liệu chi phí cho vũ khí hạt nhân năm 2019 sẽ chiếm dưới 1% ngân sách liên bang. Dưới thời Tổng thống Ronald Reagan khoản này đã chiếm 3,7% ngân sách liên bang của Mỹ.
Chương trình hiện đại hóa vũ khí hạt nhân của Nga sẽ phải hoàn tất vào năm 2027 với những loại vũ khí mới mà một số đã được Tổng thống Nga giới thiệu trong khi đọc Thông điệp Liên bang hồi tháng 3/2018.
Trong bối cảnh đó, nguồn tin cấp cao trong giới ngoại giao Nga cho biết Moskva đang muốn tiếp tục đối thoại với Washington theo cách “gói tất cả các vấn đề thành một cuộc đàm phán.”
Trong trường hợp được thực hiện, đối thoại sẽ diễn ra không trước năm 2020. Đại diện cho phía Mỹ có thể là ông Donald Trump, cũng có thể là vị tổng thống thuộc phe Dân chủ.
Lãnh đạo Quỹ phát triển xã hội dân sự Konstantin Kostin cho rằng Tổng thống Nga nói khá thường xuyên về "kiềm chế hạt nhân" song lần này lời tuyên bố rất nổi bật và quan điểm được mở rộng tối đa.
Ông Kostin cho rằng câu trả lời của Tổng thống V.Putin nói lên rằng Nga hiện đang chế tạo những loại vũ khí mới.
Hơn thế nữa, theo ý kiến ông, Tổng thống Nga đã cho thấy Nga đang nghiên cứu các mô hình xung đột kiểu này và hành động của Nga, cho dù “kiềm chế hạt nhân” vẫn là nền tảng của nền an ninh toàn thế giới.
Một số nguồn thân cận ông Putin thì cho rằng lãnh đạo Nga không ủng hộ chạy đua vũ trang, còn việc phô trương vũ khí là cách ông nhắn gửi một lời mời bắt đầu đàm phán tới Nhà Trắng./.