Thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2018

Với 89% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017.
Thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2018 ảnh 1Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Theo chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 3, chiều 8/6, đại biểu Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018.

Với 89% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017.

Kỳ họp thứ 4, cho ý kiến 4 dự án luật

Quốc hội quyết nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, bổ sung vào Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt và đổi tên dự án Luật Lý lịch tư pháp (sửa đổi) thành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp.

Năm 2018, Quốc hội xem xét thông qua 21 dự án luật

Đối với Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, Quốc hội quyết nghị tại kỳ họp thứ 5 trình Quốc hội thông qua 11 dự án gồm Luật Hành chính công; Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt; Luật Cạnh tranh (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp; Luật An ninh mạng; Luật Quốc phòng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao; Luật Đo đạc và bản đồ và Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.

Những dự án luật chưa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4 mà Quốc hội quyết định sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 5 (nếu có).

Cũng tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ cho ý kiến vào 9 dự án gồm Luật Dân số; Luật Quản lý phát triển đô thị; Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đặc xá; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự; Luật Cảnh sát biển; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Theo Nghị quyết, tại kỳ họp thứ 6 trình Quốc hội thông qua 10 dự án gồm: Luật Dân số; Luật Quản lý phát triển đô thị; Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đặc xá; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự; Luật Cảnh sát biển; Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Những dự án luật chưa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 mà Quốc hội quyết định sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 6 (nếu có).

Bên cạnh đó, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội cho ý kiến 3 dự án Luật Công an xã; Luật Kiến trúc; Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia.

Không trình dự án, dự thảo không bảo đảm chất lượng và tiến độ

Nghị quyết nêu rõ các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đề cao trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; không trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án, dự thảo không bảo đảm chất lượng và tiến độ; xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc không hoàn thành Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để báo cáo Quốc hội và coi đó là một trong những căn cứ để xem xét, đánh giá mức tín nhiệm khi Quốc hội tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Chính phủ phân công, chỉ đạo các cơ quan có liên quan khẩn trương nghiên cứu, tổng kết, đánh giá tác động, đề xuất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội xem xét để đưa vào Chương trình các dự án luật thuộc các nhóm sau đây: (1) các dự án đã được cơ quan có thẩm quyền giao trong các văn bản cụ thể; (2) các dự án có nhu cầu bức thiết đáp ứng yêu cầu, khắc phục những bất cập, cản trở và thúc đẩy sự phát triển của đất nước; (3) các dự án cần thiết khác đã được nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri đề xuất. Cơ quan chủ trì soạn thảo, thẩm định, thẩm tra và các cơ quan có liên quan tạo điều kiện thuận lợi để các đại biểu Quốc hội được sớm tiếp cận, tham gia ý kiến về dự án, dự thảo, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, đóng góp tích cực vào công tác xây dựng luật, pháp lệnh.

[Thảo luận về Nghị quyết xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng]

Nghị quyết nhấn mạnh đến việc Chính phủ dành thời gian thỏa đáng để thảo luận, cho ý kiến đối với dự án được trình, bảo đảm tiến độ, chất lượng dự án; ban hành văn bản quy định chi tiết có hiệu lực cùng thời điểm với hiệu lực của luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.

Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan trình, cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra; phát huy trách nhiệm của Thường trực Hội đồng, Thường trực Ủy ban, toàn thể Hội đồng, Ủy ban trong việc thẩm tra, tham gia thẩm tra và tiếp thu, chỉnh lý dự án, dự thảo. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phối hợp chặt chẽ, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết này. Trường hợp cần điều chỉnh Chương trình, phải thực hiện theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục