Thu hút nguồn vốn vào ngành điện: Lo ngại thiếu nguồn cung

Ngành điện cần lượng vốn đầu tư rất lớn, trong khi đó, cơ chế giá điện chưa đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư và hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vao ngành điện cũng gặp nhiều vướng mắc.
Thu hút nguồn vốn vào ngành điện: Lo ngại thiếu nguồn cung ảnh 1Nhiều trụ điện gió được lắp đặt hoàn thành đã đi vào hoạt động tại vùng ven biển Sóc Trăng. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)

Theo Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tổng công suất của các nguồn điện đến năm 2030 đạt khoảng 125-130 GW, sản lượng điện khoảng 550-600 tỷ kWh.

Để đạt mục tiêu này, ngành điện cần lượng vốn đầu tư rất lớn, trong khi đó, dòng vốn nội tại của nền kinh tế chưa thể đáp ứng yêu cầu. Ngoài ra, cơ chế giá điện chưa đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư và hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành điện cũng gặp một số vấn đề vướng mắc.

Vậy làm thế nào để Việt Nam có thể thu hút nguồn vốn vào năng lượng, đặc biệt là lĩnh vực năng lượng tái tạo như điện gió, điện Mặt Trời, điện sinh khối..., xin giới thiệu loạt bài vốn cho ngành điện để làm rõ hơn những vấn đề này.

Bài 1: Lo ngại thiếu nguồn cung

Theo báo cáo từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến 30/3/2022, nhiều nhà máy điện than của tập đoàn này đã gặp khó khăn do thiếu hụt nguồn than lớn so với hợp đồng cung cấp than đã ký kết với các đơn vị.

Tổng khối lượng than đã được cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện là 4,49 triệu tấn trên tổng số 5,85 triệu tấn theo hợp đồng đã ký kết (tương ứng với 76,7%). Như vậy, lượng than được cung cấp đã thiếu hụt 1,36 triệu tấn so với khối lượng trong hợp đồng.

"Do lượng than cung cấp thiếu và tồn kho ở mức thấp, nên đến cuối tháng 3/2022, nhiều tổ máy nhiệt điện trong hệ thống đã phải dừng hoặc giảm phát", báo cáo nêu rõ. Cụ thể, các nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 1, Vũng Áng 1, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1 chỉ đủ than vận hành tổ máy ở mức từ 60-70% công suất. Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng chỉ đủ than vận hành cho 1 trong 4 tổ máy.

Vì vậy, toàn hệ thống điện quốc gia thiếu hụt khoảng 3.000 MW nhiệt điện than do thiếu than cho sản xuất điện. Trong bối cảnh nguồn cung từ điện than thiếu hụt, tiêu thụ điện trong quý 1/2022 đã có sự phục hồi và miền Bắc bắt đầu bước vào mùa nắng nóng khiến cho việc cung ứng điện càng trở nên căng thẳng.

Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII và cập nhật tiến độ triển khai các dự án nguồn, lưới điện của nhà đầu tư hiện nay, quy mô các nguồn điện được bổ sung từ nay tới năm 2025 dao động ở mức 2.700 MW tới gần 5.000 MW.

Cụ thể, năm 2022 bổ sung 2.754 MW, năm 2023 thêm 2.921 MW, năm 2024 thêm 3.282 MW và năm 2025 thêm 4.780 MW.

Dù vậy, các nguồn điện mới dự kiến được đưa vào hàng năm trong giai đoạn 2022-2025 như trên vẫn thấp hơn so với tăng trưởng phụ tải hàng năm. Do đó, việc đảm bảo cung ứng điện đang gặp khó và có thể xảy ra tình trạng thiếu hụt công suất đỉnh vào các tháng Năm, Sáu, Bảy là những tháng cao điểm nắng nóng mùa khô, khi công suất các nhà máy thủy điện suy giảm.

Mặc dù tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện khoảng 77.000 MW; trong đó, nhiệt điện than chiếm 33%, năng lượng tái tạo 26%... nhưng công suất nguồn năng lượng tái tạo chủ yếu tập trung ở khu vực miền Trung, Nam, việc truyền tải điện ra Bắc bị giới hạn bởi năng lực truyền tải 500 kV.

Dự báo tại miền Bắc, mức công suất thiếu hụt có thể tăng dần từ 1.300 MW (năm 2022) lên khoảng 4.480 MW (năm 2025) tại phương án cơ sở và có thể thiếu hụt nhiều hơn với phương án phụ tải cao.

Tại miền Trung và miền Nam, các dự báo cho thấy, có thể đảm bảo được công suất đỉnh phụ tải trong phương án cơ sở. Tuy vậy, ở phương án phụ tải cao, miền Nam có thể thiếu hụt công suất đỉnh từ năm 2023 đến năm 2025.

Theo ông Nguyễn Quốc Trung, Phó giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0), trên thực tế, lượng công suất khả dụng để đáp ứng phụ tải thấp hơn nhiều so với công suất đặt do trên hệ thống luôn có các tổ máy sửa chữa, bị sự cố, suy giảm công suất và yếu tố bất định của điện gió, điện Mặt Trời.

Theo dự báo, công suất nguồn mới ở miền Bắc và miền Nam thấp hơn so với tăng trưởng công suất cực đại.

[Cơ chế nào khuyến khích cho sự phát triển của điện sinh khối?]

Cụ thể, hệ thống điện miền Bắc được bổ sung trung bình 1.565 MW/năm trong khi công suất tăng trưởng từ 2.391-2830 MW/năm. Hệ thống điện miền Nam chỉ được bổ sung trung bình 419 MW/năm trong khi tăng trưởng trung bình từ 1.664-1.959 MW/năm.

Theo đánh giá của Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), mùa nắng nóng năm 2022, sẽ khó khăn về nguồn khi công suất đỉnh tăng cao. Về cơ bản, hệ thống điện quốc gia vẫn đảm bảo cấp điện cho phụ tải miền Bắc trong năm 2022, nhưng vào mùa Hè sẽ xuất hiện các đợt nắng nóng khiến phụ tải sẽ có những thời điểm tăng cao đột biến.

Dự báo phụ tải đỉnh Hè năm 2022 sẽ tăng từ 12-15% và có thể đạt từ 16.500-16.950 MW, tức là thêm 2.000 MW so với mùa nắng nóng năm 2021. Tuy nhiên, ở phía nguồn cung thì sự bổ sung nguồn điện mới lại chưa nhiều. So với năm 2021, miền Bắc chỉ có thêm khoảng 1.000 MW nguồn điện mới trong năm 2022.

Điều đáng nói là, dù năm 2022 có 47 nhà máy thủy điện đi vào hoạt động với công suất tăng thêm dự kiến đạt 759,1 MW, nhưng qua các hợp đồng đã ký kết, thì đến hết tháng 4/2022, chỉ có gần 60 MW được đưa vào vận hành, số còn lại đi vào vận hành từ tháng 8 đến tháng 12/2022. Điều này đồng nghĩa với việc mùa nắng nóng chỉ được bổ sung rất ít từ nguồn cung mới.

Thu hút nguồn vốn vào ngành điện: Lo ngại thiếu nguồn cung ảnh 2Những trụ cột của đường dây 500kV mạch 3 đoạn qua Đà Nẵng. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Bên cạnh đó, năng lực truyền tải của đường dây 500kV từ miền Nam và miền Trung ra miền Bắc vẫn không có gì thay đổi so với năm 2021. Ngoài ra, nhập khẩu điện từ Trung Quốc cũng bị hạn chế.

EVNNPC dự báo trong các ngày nắng nóng cực đoan, miền Bắc sẽ thiếu hụt công suất đỉnh vào các khung giờ cao điểm buổi trưa (12h-15h) và cao điểm tối (21h-24h).

Thực tế những năm qua cũng như dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhu cầu sử dụng điện dù ở kịch bản nào cũng đều cho thấy tính cấp thiết của việc sẵn sàng đầu tư các nguồn cung ứng điện để đảm bảo mọi hoạt động đời sống, sản xuất kinh doanh ở mọi vùng miền được vận hành thông suất, không bị gián đoạn, ngắt quãng do thiếu điện.

Thu hút nguồn vốn vào ngành điện: Lo ngại thiếu nguồn cung ảnh 3Những tấm pin năng lượng Mặt Trời của Nhà máy điện mặt trời Gio Thành 1, Quảng Trị. (Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN)

Việt Nam với 77.000 MW công suất lắp đặt đã vươn lên đứng đầu trong khu vực ASEAN; trong đó, tỷ trọng ngày càng lớn của năng lượng tái tạo với hơn 20.000 MW, hệ thống truyền tải điện phát triển nhanh và mạnh.

Tuy vậy, những dự báo về phụ tải và lưới điện truyền tải như trong dự thảo Quy hoạch điện VIII cùng cam kết của Việt Nam về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 đang đặt ra nhiều thách thức trong cơ cấu nguồn điện, thu hút vốn đầu tư vào ngành này.

Theo ông Phạm Minh Hùng, Phó Vụ trường, Vụ Kinh tế Công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về tổng thể, nền kinh tế nước ta có thể chịu nhiều ảnh hưởng gián tiếp, tiềm ẩn rủi ro về ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát do giá xăng dầu tăng cao, nguy cơ thiếu điện từ giữa năm, có thể ảnh hưởng đến đà phục hồi của doanh nghiệp, nền kinh tế, làm giảm hiệu quả các chính sách hỗ trợ đã ban hành.

Do vậy, trong thời gian tới, ông Phạm Minh Hùng cho rằng, cần có chính sách, giải pháp kịp thời bảo đảm cân đối cung-cầu, đẩy nhanh tiến độ các dự án về nguồn và lưới điện, chủ động phương án vận hành hệ thống điện giữa các vùng, đồng thời có giải pháp để thu hút vốn đầu tư vào ngành này.../.

Bài 2: Vốn ở đâu?

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục