Ngày 29/6, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6/2023.
Dự phiên họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quang ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Theo chương trình trong phiên họp này, Chính phủ xem xét, cho ý kiến về 4 nội dung đề nghị xây dựng pháp luật: Đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo; Dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hóa chất; về việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến đầu tư, ngân sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư công.
[Chính phủ thống nhất thông qua đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo]
Tại phiên họp, Chính phủ nghe giới thiệu nội dung cơ bản của các đề nghị xây dựng pháp luật, dự án luật; ý kiến của cơ quan thẩm định, rà soát; quá trình tiếp thu ý kiến hoàn thiện các dự thảo luật; đồng thời thảo luận sôi nổi về trình tự, thủ tục, sự cần thiết ban hành luật, nguyên tắc, yêu cầu xây dựng luật, đặc biệt thảo luận kỹ các nội dung của các luật.
Đối với đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo, Chính phủ thảo luận tập trung 5 nhóm chính sách. Trong đó, làm rõ khái niệm nhà giáo, vị trí, vai trò, quyền và nghĩa vụ của nhà giáo; tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; quản lý nhà nước về nhà giáo.
Với dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi), Chính phủ thảo luận về: Số hóa tài liệu lưu trữ và quản lý tài liệu lưu trữ số; quản lý tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt; lưu trữ tư; cấp chứng chỉ hành nghề lưu trữ; quản lý hoạt động dịch vụ lưu trữ.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hóa chất, Chính phủ thảo luận các nội dung liên quan: Phát triển bền vững ngành công nghiệp hóa chất thành ngành công nghiệp nền tảng, hiện đại; quản lý hóa chất đồng bộ trong toàn bộ vòng đời; quản lý hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm; nâng cao hiệu quả đảm bảo an toàn hóa chất.
Về việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến đầu tư, ngân sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư công, Chính phủ thảo luận các quy định liên quan đến đầu tư, ngân sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư công; tạo thuận lợi trong tổ chức thực hiện các dự án đầu tư công, nhất là các dự án đầu tư về hạ tầng, giao thông.
Điều hành thảo luận, cho ý kiến vào từng nội dung của các dự án luật, kết luận giao nhiệm vụ hoàn thiện các dự thảo các luật, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ; tiếp tục tổ chức các cuộc hội thảo; tham khảo ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và đối tượng tác động; tham khảo quy định của quốc tế để hoàn thiện dự thảo luật, sớm trình Quốc hội xem xét, quyết định nhằm tháo gỡ vướng mắc, khơi thông cho phát triển. Đối với các nội dung liên quan được quy định tại các luật khác chưa phù hợp, cần điều chỉnh, sửa đổi thì đưa vào luật chuyên ngành để xử lý.
Thủ tướng yêu cầu các luật, quy định phải sát tình hình thực tế và khả thi; đảm bảo thông thoáng; tôn trọng quy luật thị trường, cung cầu, cạnh tranh; phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đất nước, truyền thống văn hóa, lịch sử; tháo gỡ được vướng mắc, tạo cơ sở pháp lý mới khơi thông nguồn lực cho sự phát triển; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tăng cường giám sát, kiểm tra, khen thưởng, xử lý kỷ luật kịp thời...
Bên cạnh đó, đẩy mạnh truyền thông chính sách để tạo sự đồng thuận; các bộ, ngành, cơ quan liên quan tích cực phối hợp xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật thực sự hiệu quả.
Riêng về việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến đầu tư, ngân sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết việc xây dựng luật hoặc nghị quyết để điều chỉnh nhiều luật liên quan đầu tư, ngân sách là yêu cầu thực tiễn, đã chín muồi, được nhiều ngành, địa phương đề xuất.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng, trên cơ sở rà soát các chính sách đang làm có hiệu quả để áp dụng. Trong đó, cần làm rõ các nội hàm, nhất là liên quan đến xây dựng các dự án đường bộ, tách giải phóng mặt bằng khỏi dự án đầu tư, xây dựng; ngân sách cấp này không được dùng ngân sách của cấp kia... Việc xây dựng luật hoặc nghị quyết phải kỹ càng, phân tích tác động, căn cứ cơ sở pháp lý, thực tiễn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi trong tổ chức thực hiện các dự án đầu tư công, nhất là các dự án đầu tư về hạ tầng, giao thông./.