Chiều 24/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác Trung ương có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bắc Kạn.
Buổi làm việc diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm giải phóng tỉnh Bắc Kạn (24/8/1949-24/8/2019).
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng ghi nhận truyền thống cách mạng, tinh thần kiên trung, đoàn kết của đồng bào các dân tộc tỉnh Bắc Kạn.
Thủ tướng mong muốn chính quyền, nhân dân trong tỉnh phát huy truyền thống, tinh thần đoàn kết để đưa Bắc Kạn vươn lên trong thời gian tới.
Thủ tướng đánh giá kinh tế-xã hội của tỉnh Bắc Kạn có những bước phát triển tích cực; đảng bộ, chính quyền có nhiều nỗ lực, chuyển biến lớn.
Tăng trưởng kinh tế liên tục đạt mức cao, đồng thời các mặt đời sống người dân phát triển, xây dựng nông thôn mới được quan tâm, an ninh quốc phòng được đảm bảo.
Thủ tướng cũng đánh giá cao Bắc Kạn dù là tỉnh nghèo, nhưng "màu xanh" của rừng trên địa bàn được giữ gìn tốt; công tác trồng rừng, bảo vệ rừng được quan tâm, đầu tư; nhiều người dân đã giàu lên từ rừng.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, nhiều tiềm năng lợi thế của tỉnh chưa khai thác được do điều kiện về địa hình, cơ sở hạ tầng hạn chế, việc thu hút doanh nghiệp nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn.
[Khôi phục và phát triển chăn nuôi đại gia súc tại các tỉnh phía Bắc]
Nhấn mạnh chiến lược trong phát triển là quan tâm đến vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng còn khó khăn, Thủ tướng cho rằng nhiệm vụ lớn trong thời gian tới là các giải pháp để Bắc Kạn tiến bước, nâng cao thu nhập, đời sống của người dân trong tỉnh.
"Nhiệm vụ giảm đói nghèo là nhiệm vụ chính trị quan trọng, chúng ta phải nghiên cứu việc tái cơ cấu ngành, tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển cơ sở hạ tầng gắn với tầm nhìn trung hạn và dài hạn," Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng hoan nghênh Bắc Kạn vừa qua đã quan tâm xây dựng các thương hiệu sản phẩm của tỉnh như chè tuyết san, miến dong..., trong thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm; chú trọng hơn kinh tế nông lâm nghiệp, công nghiệp chế biến, nhất là chế biến gỗ trồng rừng.
Thủ tướng gợi ý Bắc Kạn cần tập trung 2 vấn đề quan trọng là phát triển cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Bắc Kạn là tỉnh nghèo nên phải đa dạng nguồn lực trong phát triển. Từ đó, chính quyền tỉnh cần tiếp tục chủ động, quan tâm thu hút đầu tư, các nguồn vốn ODA, xã hội hóa...
Theo báo cáo, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh Bắc Kạn trong những năm qua tiếp tục phát triển. Tốc độ phát triển kinh tế bình quân đạt tốc độ tăng trưởng 6,8%, trong đó nông, lâm nghiệp tăng 3,5%; công nghiệp-xây dựng tăng 9,5%; dịch vụ tăng 7,9%.
Tuy nhiên, thu nhập bình quân đầu người đến năm 2018 mới đạt 31,8 triệu đồng; dự kiến năm 2019 đạt 34,3 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo hiện nay là 21,88%.
Nguồn thu ngân sách của tỉnh còn hạn chế, chủ yếu là từ đất và khai thác khoáng sản, thiếu tính ổn định và bền vững. Thu ngân sách Nhà nước 7 tháng năm nay ước đạt 450 tỷ đồng; đạt 64,6% kế hoạch Trung ương giao.
Nguồn chi của tỉnh chủ yếu do Trung ương cấp (gần 90%), nhu cầu chi hằng năm tăng nên tỉnh gặp nhiều khó khăn trong quản lý điều hành ngân sách, bố trí và huy động nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội.
Thái Nguyên phấn đấu tự cân đối ngân sách
Trước đó, sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên.
Tháng 7/2018, tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư, với tinh thần đổi mới về tư duy, phương pháp, cách làm và mô hình tổ chức; kết quả đã có 44 nhà đầu tư, 62 dự án đăng ký đầu tư vào tỉnh, với số vốn đạt trên 115.000 tỷ đồng.
Các hoạt động sau Hội nghị xúc tiến đầu tư đã và đang được triển khai khẩn trương, đúng quy trình, quy định và có nhiều đổi mới, kết quả ban đầu khá tốt (24/62 dự án đã hoàn thành thủ tục về đầu tư; 12/62 dự án có tiến độ triển khai tích cực; 22/62 dự án triển khai theo đúng kế hoạch).
Tại cuộc làm việc, Thủ tướng ghi nhận những kết quả đạt được của tỉnh Thái Nguyên trong thời gian qua; đồng thời đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã đoàn kết, quyết tâm vượt khó khăn để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch nhiều năm qua.
Trong đó, Thủ tướng đặc biệt ghi nhận sự toàn diện trong chỉ đạo, quản lý của chính quyền tỉnh Thái Nguyên trong phát triển về kinh tế-xã hội, đồng thời đời sống xã hội của người dân, an ninh quốc phòng đều được đảm bảo tốt.
Thủ tướng đánh giá, Thái Nguyên đã quan tâm, chủ động, lăn lội để tìm các nguồn lực trong nước và nước ngoài để phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, việc xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhất là tại vùng dân tộc thiểu số.
Nhấn mạnh đến vị trí, vai trò quan trọng của tỉnh Thái Nguyên, Thủ tướng mong muốn trong thời gian tới, tỉnh cần quyết tâm hơn nữa triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội để Thái Nguyên vươn lên trở thành điểm sáng của khu vực này; nhân dân được hưởng cuộc sống tốt hơn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.
Tỉnh tiếp tục nỗ lực cân đối thu-chi ngân sách, nhất là chi thường xuyên, hướng tới là tỉnh thứ 17 trong cả nước tự cân đối ngân sách.
Nhân dịp công tác tại Thái Nguyên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác đã đến dâng hương, tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà Truyền thống Tỉnh ủy Thái Nguyên; dâng hương, tưởng niệm tại Khu di tích thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái./.