Thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam và Italy

Chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Italy Matteo Renzi là cơ hội để hai bên trao đổi các biện pháp thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam-Italy.
Thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam và Italy ảnh 1Thủ tướng Matteo Renzi. (Ảnh: THX/TTXVN)

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Cộng hòa Italy Matteo Renzi sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 9-10/6 tới.

Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của một Thủ tướng Italy kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973.

Nằm ở phía Nam châu Âu, Cộng hòa Italy là một quốc gia có lịch sử La Mã cổ đại. Hiện nay nền kinh tế Italy đứng thứ chín trên thế giới với nhiều ngành công nghiệp. Các ngành công nghiệp Italy cần rất nhiều nguồn nguyên liệu thô nhưng tiềm năng trong nước không đáp ứng đủ, vì vậy phải nhập đến 75% nguyên liệu từ nước ngoài.

Italy có mô hình phát triển kinh tế khá gần gũi với Việt Nam, đó là hệ thống các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất năng động và hiệu quả, đóng góp tới gần 2/3 GDP. Suốt một thập kỷ qua, Italy theo đuổi một chính sách chặt chẽ về tài chính để đáp ứng yêu cầu của Liên minh Tiền tệ và Kinh tế châu Âu nhưng tăng trưởng còn chậm từ sau năm 2000 với thâm hụt ngân sách luôn vượt mức trần 3% của Liên minh châu Âu (EU) quy định.

Do là một nước sản xuất chủ yếu phục vụ xuất khẩu và phụ thuộc lớn vào nguồn cung cấp nguyên, nhiên liệu từ bên ngoài nên Italy chịu hậu quả nặng nề hơn so với một số nước châu Âu khác trong cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới và nợ công châu Âu.

Với các ngành kinh tế mũi nhọn gồm: du lịch, thương mại, công nghiệp (cơ khí chế tạo, quốc phòng, hóa chất, đồ gia dụng, đóng tàu…), viễn thông, may mặc, da giày, gốm sứ, nông nghiệp (ôliu, rượu vang, rau quả…), chính sách thương mại của Italy hiện nay gắn với chính sách kinh tế chung của EU.

Italy có quan hệ thương mại chủ yếu với các nước EU, Mỹ và các nước khu vực Địa Trung Hải. Hiện nay Italy đang đẩy mạnh ngoại thương với các nước châu Á, trong đó có các nước ASEAN.

Việt Nam và Italy chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23/3/1973. Quan hệ chính trị giữa hai nước từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước được củng cố và phát triển rõ nét. Italy là nước Tây Âu đầu tiên tích cực ủng hộ việc tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, trên các diễn đàn quốc tế lớn cũng như việc bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và các tổ chức tài chính, thương mại, tiền tệ quốc tế đầu những năm 90.

Sau chuyến thăm chính thức Việt Nam của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Italy G.De Michelis vào tháng 12/1989, hai nước duy trì thường xuyên việc trao đổi đoàn ở cấp cao. Trong các cuộc tiếp xúc, lãnh đạo cấp cao Italy khẳng định quyết tâm thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, coi Việt Nam là nước ưu tiên phát triển quan hệ ở khu vực Đông Nam Á và là điểm đến của các doanh nghiệp Italy từ nay đến năm 2020.

Ngày 21/1/2013, Việt Nam và Italy đã ký Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược nhân chuyến thăm Italy cấp Nhà nước của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hai bên đã ký Kế hoạch hành động triển khai Đối tác chiến lược giai đoạn 2013-2014 nhân chuyến thăm chính thức Italy của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải vào tháng 9/2013.

Hai nước đã phối hợp tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2013), tổ chức Năm Việt Nam tại Italy và Năm Italy tại Việt Nam.

Về quan hệ hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại hai chiều tăng nhanh trong những năm qua, năm 2013 đạt 3,5 tỷ USD (so với 2,8 tỷ USD năm 2012). Những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam vào thị trường Italy như giày dép, thủy sản, càphê, hàng dệt may.

Việt Nam nhập từ Italy chủ yếu là máy móc thiết bị cơ khí, phương tiện vận tải, nguyên liệu da. Chính phủ Italy đưa Việt Nam vào danh sách 10 thị trường mới nổi ưu tiên phát triển thương mại và đầu tư.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối năm 2013, Italy đứng thứ 29 trên tổng số 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 53 dự án đầu tư với tổng số vốn trên 294 triệu USD chủ yếu trong các ngành: công nghiệp chế biến, chế tạo, giày da, xây dựng, thiết bị vệ sinh, bình nóng lạnh, chế biến thép.

Italy bắt đầu cung cấp ODA cho Việt Nam vào những năm 80 của thế kỷ trước dưới các hình thức. Các lĩnh vực hợp tác ưu tiên giữa Italy và Việt Nam gồm: cấp thoát nước, bảo vệ môi trường, phát triển nguồn nhân lực, y tế…

Italy hiện đang cam kết tiếp tục hỗ trợ ODA cho Việt Nam trong giai đoạn 2014-2016.

Chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Italy Matteo Renzi là cơ hội để hai bên trao đổi các biện pháp thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam-Italy trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, năng lượng, du lịch cũng như trao đổi các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục