Bắc Kạn phải giữ rừng, coi đây là động lực phát triển kinh tế

Thường trực Ban Bí thư làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn

Thường trực Ban Bí thư nêu rõ Bắc Kạn có độ che phủ rừng cao nhất nước, đó là lợi thế rất lớn nhưng cần thận trọng, không hy sinh tài nguyên thiên nhiên, hy sinh rừng để phát triển bằng mọi giá.
Thường trực Ban Bí thư làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn ảnh 1Quang cảnh buổi làm việc của Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn. (Ảnh: Vũ Hoàng Giang/TTXVN)

Ngày 14/10, Đoàn công tác Trung ương do Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai làm Trưởng đoàn đã có cuộc làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Cùng dự có ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Kạn Phương Thị Thanh đã báo cáo tóm tắt với Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai và Đoàn công tác tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn đã ban hành 36 nghị quyết, 27 chỉ thị, 6 đề án, 23 chương trình, 178 kế hoạch, 227 kết luận… để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ.

Qua kiểm điểm, đánh giá và dự báo đến cuối nhiệm kỳ có 54/66 chỉ tiêu có khả năng đạt và vượt mục tiêu đề ra; còn 11 chỉ tiêu khó đạt và 1 chỉ tiêu khả năng không đạt.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bắc Kạn đạt 5,02%/năm. Cơ cấu kinh tế dịch chuyển dần từ sản xuất nông nghiệp sang công nghiệp; xây dựng và dịch vụ-du lịch phát triển ổn định; nông lâm nghiệp từng bước phát triển theo hướng hàng hóa.

[Thủ tướng chỉ ra 2 đột phá trong phát triển kinh tế của Bắc Kạn]

Toàn tỉnh có 1 huyện, 23 xã và 63 thôn bản đạt nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo của Bắc Kạn giảm từ 28,85% (năm 2020) xuống còn 24,7% (năm 2022) theo chuẩn nghèo đa chiều mới. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 73,35%, cao nhất cả nước.

Trong công tác xây dựng Đảng, từ đầu nhiệm kỳ đến nay Bắc Kạn đã kết nạp mới hơn 2.500 đảng viên, nâng tổng số đảng viên toàn tỉnh lên hơn 37.000, các tổ chức Đảng ngày được củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Thường trực Ban Bí thư làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn ảnh 2Ông Hoàng Duy Chinh, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Vũ Hoàng Giang/TTXVN)

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các cấp ủy đã tiến hành kiểm tra hơn 700 tổ chức Đảng, hơn 3.600 đảng viên, qua đó kỷ luật một tổ chức Đảng và 145 đảng viên vi phạm. Đặc biệt, Bắc Kạn đã có đến 96% thôn bản có chi bộ độc lập, không còn thôn trắng đảng viên...

Đời sống nhân dân được nâng lên, an ninh trật tự được giữ vững, Bắc Kạn đã xóa bỏ thành công tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, tỉnh Bắc Kạn còn gặp không ít khó khăn như quy mô kinh tế còn hạn chế, sản xuất nông lâm nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, giải ngân vốn đầu tư nhất là với Chương trình Mục tiêu quốc gia còn chậm…

Tỉnh Bắc Kạn đề nghị Trung ương quan tâm nghiên cứu xây dựng, bổ sung quy định ưu tiên, đặc thù trong tuyển dụng cho đối tượng là dân tộc thiểu số ít người tại các địa phương. Sửa đổi Quy chế cán bộ Đoàn theo hướng nâng tuổi cán bộ Đoàn các cấp. Cho phép tỉnh Bắc Kạn cộng dồn kết quả tinh giản biên chế đã thực hiện vượt chỉ tiêu giai đoạn 2016-2021 vào kết quả thực hiện giai đoạn 2022 - 2026 theo Kết luận số 40-KL/TW, ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị để đảm bảo số lượng công chức, viên chức theo yêu cầu vị trí việc làm. Quan tâm bổ sung biên chế công chức cho tỉnh, nhất là biên chế giáo viên.

Tỉnh cũng đề nghị Trung ương quan tâm, chỉ đạo sớm ban hành các chính sách đặc thù cho vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, đặc biệt là đối với tỉnh có tỷ lệ che phủ rừng cao; có địa bàn là vùng ATK, vùng CT 229 như Bắc Kạn để làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững.

Cùng với đó, hỗ trợ các nguồn lực để hoàn thiện hạ tầng giao thông trong tỉnh và liên vùng; nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ, thu hút các nhà đầu tư đến với Bắc Kạn….

Tại buổi làm việc, Đoàn công tác Trung ương đã có nhiều ý kiến đóng góp cho việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh. Trong số đó, đề nghị Bắc Kạn tiếp tục phát huy tiềm năng thế mạnh về rừng, đất rừng, trong đó cần lưu ý nâng cao giá trị, chất lượng rừng; tiếp tục phát huy lợi thế du lịch để phát triển kinh tế địa phương.

Thường trực Ban Bí thư làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn ảnh 3Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai phát biểu.  (Ảnh: Vũ Hoàng Giang/TTXVN)

Phát biểu tại buổi làm việc, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai ghi nhận kết quả trên các mặt kinh tế-xã hội và xây dựng Đảng tỉnh Bắc Kạn đã đạt được trong thời gian qua.

Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, Bắc Kạn có độ che phủ rừng cao nhất cả nước, đó là lợi thế rất lớn tỉnh cần phát huy, tỉnh cần thận trọng, không hy sinh tài nguyên thiên nhiên, hy sinh rừng để phát triển bằng mọi giá.

Bắc Kạn phải giữ được rừng, coi đây là lợi thế đặc trưng lớn nhất làm động lực để phát triển kinh tế; thay đổi sinh kế để người dân nâng cao chất lượng cuộc sống. Tỉnh quan tâm đến đầu tư công, kết cấu hạ tầng giao thông hợp lý; tiếp tục làm tốt công tác tổ chức cán bộ, duy trì tỷ lệ cán bộ nữ hài hòa.

Để tăng tốc hơn nữa trong những năm tiếp theo, Bắc Kạn sẽ gặp nhiều thách thức lớn. Tỷ lệ hộ nghèo tuy giảm nhưng còn cao, số hộ nghèo còn lại rất khó khăn để thoát nghèo. Nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo cần được tỉnh tính kỹ, đầu tư có trọng tâm trọng điểm.

Phát triển du lịch là hướng đi phù hợp, nhưng tỉnh phải bảo vệ tốt danh thắng hồ Ba Bể. Tỉnh nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục đào tạo, coi đó là giải pháp lâu dài để nâng cao dân trí, giảm nghèo bền vững.

Thay mặt Ban Bí thư, đồng chí Trương Thị Mai chúc Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn tiếp tục đoàn kết, nỗ lực vượt khó vươn lên, hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết nhiệm kỳ đã đề ra.

Trước đó, ngày 13/10, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai và Đoàn công tác của Trung ương đã đi thăm, tặng nhiều suất quà cho học sinh nghèo vượt khó, hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Cường Lợi, huyện Na Rì./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục