Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng Hai có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán trùng với đợt bùng phát dịch COVID-19 tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, do đó tiến độ thực hiện các dự án, công trình bị chậm lại.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư, nhà thầu chủ yếu tập trung thực hiện các dự án chuyển tiếp nên tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn ngân sách nhà nước 2 tháng đầu năm so với kế hoạch đạt không cao, bằng 9%.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 2/2021 ước tính đạt 17.700 tỷ đồng, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước; bao gồm vốn Trung ương quản lý 2.600 tỷ đồng, tăng 1,2%; vốn địa phương quản lý 15.200 tỷ đồng, giảm 3,7%.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 40.900 tỷ đồng, bằng 9% kế hoạch năm và tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 bằng 7,2% và tăng 17,9%).
Cụ thể, vốn Trung ương quản lý đạt 5.600 tỷ đồng, bằng 7,2% kế hoạch năm và tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, Bộ Giao thông Vận tải đạt 2.201 tỷ đồng, bằng 6,4% và tăng 49,4%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 311 tỷ đồng, bằng 7,3% và giảm 5,6%; Bộ Y tế 233 tỷ đồng, bằng 9,4% và giảm 45,2%; Bộ Giáo dục và Đào tạo 137 tỷ đồng, bằng 8,1% và giảm 29,8%; Bộ Tài nguyên và Môi trường 94 tỷ đồng, bằng 9,1% và tăng 13,4%; Bộ Xây dựng 69 tỷ đồng, bằng 10,2% và tăng 120%...
[Hà Nội đặt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công ở top khá của cả nước]
Vốn địa phương quản lý đạt 35.300 tỷ đồng, bằng 9,4% kế hoạch năm và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 23.700 tỷ đồng, bằng 8,9% và tăng 12,6%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 9.700 tỷ đồng, bằng 9,9% và tăng 6%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã đạt 1.900 tỷ đồng, bằng 13,4% và tăng 2,4%.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước 2 tháng đầu năm 2021 của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nội đạt 5.265 tỷ đồng, bằng 10,4% kế hoạch năm và tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước; Quảng Ninh 1.724 tỷ đồng, bằng 10,2% và tăng 77%; Bà Rịa-Vũng Tàu 1.394 tỷ đồng, bằng 13% và tăng 23,8%; Thanh Hóa 1.132 tỷ đồng, bằng 12,3% và tăng 0,9%; Thành phố Hồ Chí Minh 1.056 tỷ đồng, bằng 3% và tăng 10%...
Để thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát các khó khăn, vướng mắc liên quan đến pháp luật về ngân sách nhà nước, đầu tư công, xây dựng, quy hoạch... đồng thời kiến nghị hướng dẫn rõ hoặc sửa đổi, bổ sung bảo đảm đồng bộ, tránh chồng chéo, thuận lợi cho quá trình triển khai các chương trình, dự án đầu tư công.
Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chủ động kiểm tra, đánh giá việc thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu tư công để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền hoặc báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phục vụ kịp thời việc chỉ đạo điều hành đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công.
"Về dài hạn, cần tăng cường năng lực và trách nhiệm của đối tượng sử dụng vốn ở tất cả các khâu của dự án và kiên quyết cắt vốn đối với các dự án thực hiện không đảm bảo kế hoạch đề ra," Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đề nghị./.