Tiền Giang đầu tư trên 2,2 tỷ đồng phát triển các làng nghề

Năm 2014, Tiền Giang đầu tư trên 2,2 tỷ đồng giúp các làng nghề đổi mới công nghệ, cơ giới hóa dây chuyền sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Trong chương trình hỗ trợ làng nghề năm 2014, tỉnh Tiền Giang đầu tư trên 2,2 tỷ đồng giúp các làng nghề đổi mới công nghệ, máy móc, cơ giới hóa dây chuyền sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong ngoài nước.

Từ nguồn kinh phí trên, tỉnh trang bị thêm các phương tiện cần thiết: máy cắt, máy liên hợp, máy hơi, máy dệt chiếu, máy tráng bánh công nghệ mới, máy móc và thiết bị chạm khắc... cho các làng nghề trong tỉnh có nhu cầu nhập khẩu.

Ngoài ra, để giúp các làng nghề tháo gỡ khó khăn về vốn đầu tư phát triển sản xuất, Tiền Giang cũng dành khoản tín dụng ưu đãi trên 4,7 tỷ đồng phục vụ các nhu cầu thiết thực về mua sắm máy móc, thiết bị, mua vật tư nguyên liệu phục vụ sản xuất...

Tỉnh Tiền Giang hiện có 14 làng nghề, giải quyết việc làm cho trên 5.500 lao động nông thôn, góp phần thiết thực vào việc đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo nông thôn cũng như tạo nguồn hàng hóa tiêu dùng và xuất khẩu. Các làng nghề rất đa dạng về sản phẩm và ngành nghề như bàng buông, đan lát, dệt chiếu, bó chổi, làm bún, làm hủ tiếu, bánh phồng, bánh tráng, chế biến thủy sản, làm đồ mỹ nghệ, đóng tủ thờ truyền thống...

Để các làng nghề phát triển bền vững, địa phương đã có nhiều giải pháp tích cực hỗ trợ đầu tư, kiến thiết hạ tầng làng nghề, đào tạo nghề và dạy nghề nông thôn, quảng bá và xúc tiến thương mại, nâng cao chất lượng sản phẩm tham gia thị trường...

Đáng chú ý, trong năm 2014, Tiền Giang tập trung cho các nỗ lực xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề; đào tạo nghề và truyền nghề cho lao động nông thôn; đầu tư hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, cải tiến máy móc thiết bị nhằm hiện đại hóa sản xuất.

Trong đó, tỉnh tập trung đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải ở các làng nghề: Bánh phồng Cái Bè, bánh tráng Hậu Thành, bánh bún hủ tiếu Mỹ Tho với kinh phí khoảng 400 triệu đồng; mở 9 lớp truyền nghề nông thôn thu hút khoảng 285 lao động tại các làng nghề đan lát ở xã Tân Hội (huyện Cai Lậy), làng nghề bó chổi xã Hòa Định (Chợ Gạo), làng nghề dệt chiếu Long Định (Châu Thành) và làng nghề truyền thống thủ công mỹ nghệ xã Tân Lý Đông (Châu Thành) nhằm nâng cao tay nghề và tăng năng suất lao động cũng như chất lượng sản phẩm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục