Tiếp tục chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng

Các đại biểu cho rằng đến thời điểm hiện tại, dự thảo Luật đã được tiếp thu đầy đủ, toàn diện các ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội, các cơ quan liên quan với chất lượng tốt.
Tiếp tục chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng ảnh 1Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Thảo luận về dự án Luật Quản lý, Bảo vệ Công trình Quốc phòng và Khu Quân sự chiều 28/8, các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho rằng đến thời điểm hiện tại, dự thảo Luật đã được tiếp thu đầy đủ, toàn diện các ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội, các cơ quan liên quan với chất lượng tốt.

Trước đó, trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung lớn của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết về phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban đã phối hợp với cơ quan soạn thảo rà soát kỹ lưỡng để quy định cụ thể, rõ ràng, khoa học, dễ hiểu, dễ thực hiện.

Theo đó, đề nghị cho tách Điều 5 thành hai điều: Điều 5 quy định công trình quốc phòng và khu quân sự được phân loại theo chức năng nhiệm vụ, mục đích sử dụng; Điều 6 quy định công trình quốc phòng và khu quân sự được phân nhóm theo tính chất quan trọng, yêu cầu quản lý, bảo vệ.

Về chuyển mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng theo quy định của pháp luật về quy hoạch, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và Luật Đất đai năm 2013 cũng như Luật Đất đai đang sửa đổi, bổ sung trình Quốc hội, để Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quyết định việc chuyển mục đích sử dụng đối với đất quốc phòng sang mục đích khác thì khu đất quốc phòng đó phải thuộc danh mục đất quốc phòng chuyển mục đích sử dụng, bàn giao cho địa phương quản lý để phát triển kinh tế-xã hội trong quy hoạch sử dụng đất quốc phòng và phương án sắp xếp nhà đất đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

[Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách: Cho ý kiến về 8 dự án luật]

Vì vậy, quy định về thẩm quyền quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự sang mục đích khác tại dự thảo Luật là phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các bộ, ngành, địa phương triển khai các dự án phát triển kinh tế-xã hội có liên quan đến việc thu hồi đất quốc phòng đối với các trường hợp khu đất quốc phòng cần thu hồi chưa thuộc danh mục chuyển mục đích sử dụng trong Quy hoạch sử dụng đất quốc phòng và phương án sắp xếp lại, xử lý tài sản công đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhằm khắc phục một số bất cập hiện nay trong chuyển mục đích sử dụng và thu hồi đất quốc phòng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Tiếp tục chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng ảnh 2Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Hiện nay, Luật Đất đai đang được sửa đổi, bổ sung trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).

Thường trực Ủy ban đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi) phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu sửa đổi nội dung về chuyển mục đích sử dụng đất, trong đó có việc chuyển mục đích sử dụng đất quốc phòng sang mục đích khác để thống nhất với dự thảo Luật này, với hệ thống pháp luật hiện hành và các dự thảo Luật đang trình Quốc hội về thẩm quyền quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự sang mục đích khác (bao gồm cả chuyển mục đích sử dụng đất quốc phòng).

Đánh giá cao các cơ quan đã rất cầu thị, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) chỉ rõ, các cơ quan đã mạnh dạn loại bỏ một số nội dung có sự chồng chéo, trùng lắp trong hệ thống pháp luật.

Đặc biệt, dự thảo Luật đã bỏ hẳn cả nội dung của Điều 7 quy định về áp dụng pháp luật; lược bỏ một số nội dung liên quan đến quy trình bồi thường xây dựng các công trình thay thế khi chuyển đổi các khu vực đất quốc phòng cho các dự án phát triển kinh tế, góp phần giúp dự án Luật này tương thích với các các dự án Luật khác trong hệ thống pháp luật, đảm bảo tuân thủ Hiến pháp.

Góp ý vào dự án Luật, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đề nghị rà soát các luật có liên quan để tránh chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột; rà soát các quy định chuyển tiếp để bảo vệ các công trình quốc phòng và khu quân sự, tránh khoảng trống về mặt pháp lý khi triển khai thực hiện Luật.

Liên quan đến vấn đề thu hồi đất an ninh quốc phòng, đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị xem xét nội dung này với Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến được thông qua tại Kỳ họp thứ 6 tới, làm sao triển khai đồng bộ, tránh lọt lộ bí mật của Nhà nước về các công trình quốc phòng và khu quân sự.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao nỗ lực của cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã cầu thị trong tiếp thu, giải trình.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội có báo cáo đầy đủ các ý kiến thảo luận.

Trên cơ sở ý kiến tham gia của các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan liên quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan nghiêm túc tiếp thu, tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục