Tỉnh Ninh Thuận tăng hiệu quả kinh doanh trên lĩnh vực thương mại điện tử

Tỉnh Ninh Thuận đặt mục tiêu năm 2024 kinh tế số chiếm khoảng 12% GRDP; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt 30%; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 7%.

Quán càphê tại thành phố Phan Rang-Tháp Chàm (Ninh Thuận) ứng dụng mã QR code giúp khách hàng thanh toán tiện lợi. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)
Quán càphê tại thành phố Phan Rang-Tháp Chàm (Ninh Thuận) ứng dụng mã QR code giúp khách hàng thanh toán tiện lợi. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Xác định thương mại điện tử là lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, tỉnh Ninh Thuận đang đẩy mạnh triển khai các giải pháp hỗ trợ thúc đẩy ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp và cộng đồng để tăng hiệu quả kinh doanh, góp phần hiện đại hóa hệ thống phân phối, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa.

Đẩy mạnh bán hàng trên “chợ mạng”

Thương mại điện tử đang trở thành xu hướng tất yếu trong kinh doanh hiện đại, thu hút đông đảo doanh nghiệp và người tiêu dùng tham gia. Nhờ những ưu thế vượt trội như: tiết kiệm thời gian, chi phí giao dịch, sản xuất, tiếp thị, tìm kiếm đối tác và nâng cao năng lực cạnh tranh, thương mại điện tử mở ra cơ hội to lớn cho việc quảng bá và tiêu thụ sản phẩm địa phương.

Nắm bắt xu hướng này, nhiều cơ sở, doanh nghiệp tại Ninh Thuận đang tích cực tham gia vào "chợ mạng" - các sàn thương mại điện tử như Sendo, Lazada, Tiki, Shopee, Postmart và các nền tảng mạng xã hội.

TTXVN_1806Ninhthuanthuongmaidientu2.jpg
Sản phẩm của Ninh Thuận được bán trên Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Ninh Thuận tại địa chỉ: http://sanphamninhthuan.vn. (Ảnh: TTXVN phát)

Nơi đây trở thành kênh bán hàng hiệu quả cho các sản phẩm đặc trưng của địa phương như nho, táo, nha đam, nước mắm, hải sản khô, măng tây xanh, trà măng tây, hành tím, tỏi, mật nho, yến sào, tỏi, mủ trôm khô, mứt rong sụn, thịt dê, cừu sấy.

Anh Trịnh Nguyễn Đoàn, quản lý Cơ sở sản xuất nước mắm Quang Minh (thôn Lạc Sơn 2, xã Cà Ná, huyện Thuận Nam) cho biết cơ sở có 3 sản phẩm nước mắm cá cơm truyền thống loại thượng hạng, đặc biệt đã được tỉnh Ninh Thuận công nhận đạt chứng nhận OCOP 3 sao.

Cùng với bán hàng qua kênh truyền thống, cơ sở đẩy mạnh bán các sản phẩm nước mắm trên các sàn thương mại điện tử của Ninh Thuận (sanphamninhthuan.vn), trên các sàn thương mại lazada, shopee, bán hàng trên các trang mạng xã hội facebook, zalo, cửa hàng OCOP.

Anh Trịnh Nguyễn Đoàn cho hay: “Thông qua các kênh thương mại điện tử, mạng xã hội, sản phẩm nước mắm Quang Minh được quảng bá rộng rãi, tiếp cận với nhiều khách hàng hơn. Nhờ đó, mỗi tháng cơ sở tiêu thụ được từ 6.000-10.000 lít nước mắm cá cơm truyền thống các loại, mang lại nguồn thu nhập ổn định.”

Theo Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận, đến nay, có hơn 90 đơn vị tham gia sàn thương mại điện tử của tỉnh (sanphamninhthuan.vn) với 350 sản phẩm; trong đó, 100% sản phẩm OCOP từ 3 sao đưa lên tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử của tỉnh.

Bên cạnh đó, Sở đã hỗ trợ xây dựng 14 bộ thương hiệu trực tuyến gồm website, hệ thống email, fanpage trên facebook, landing page và 18 website thương mại điện tử các cho cơ sở, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sản phẩm đặc thù; hỗ trợ 18 phần mềm bán lẻ; hỗ trợ 224 đơn vị ứng dụng, sử dụng hợp đồng điện tử trong giao dịch thương mại.

Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh cũng tích cực đẩy mạnh các giải pháp thanh toán điện tử hiện đại như Internet banking, mobile banking, ngân hàng số, thanh toán QR code, thanh toán thẻ qua POS,... nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp thực hiện giao dịch trực tuyến.

Với mục tiêu trở thành một trong những địa phương tiên phong trong ứng dụng thương mại điện tử, tỉnh Ninh Thuận đã xác định 4 trụ cột chính để phát triển kinh tế số bao gồm thương mại điện tử - thanh toán không dùng tiền mặt; số hóa các ngành kinh tế; quản trị số và dữ liệu số.

Tỉnh đặt mục tiêu năm 2024 kinh tế số chiếm khoảng 12% GRDP; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt 30%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 7% và 100% sản phẩm OCOP của tỉnh được đưa lên các sàn thương mại điện tử.

Mở rộng quy mô thị trường

Ông Trần Quốc Sanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận, cho biết các nền tảng phục vụ cho thương mại điện tử được khai thác hiệu quả. Từ đó, giúp các doanh nghiệp tiếp cận phương thức phân phối mới trong thời đại công nghệ số, nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc tiết giảm chi phí so với phương thức kinh doanh truyền thống, có thêm nhiều cơ hội tiếp cận thị trường trong nước và hướng tới thương mại điện tử xuyên biên giới.

TTXVN_1806Ninhthuanthuongmaidientu3.jpg
Siêu thị trên địa bàn thành phố Phan Rang-Tháp Chàm (Ninh Thuận) chấp nhận thanh toán bằng hình thức chuyển khoản qua thẻ ATM hoặc quét mã QR. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Năm 2024, tỉnh Ninh Thuận dành trên 606 triệu đồng để triển khai các nội dung, giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng.

Ủy ban Nhân dân tỉnh giao Sở Công Thương phối hợp các sở, ngành, đơn vị, địa phương tập trung triển khai ba nhóm nhiệm vụ chính bao gồm đào tạo phát triển nguồn nhân lực về thương mại điện tử; phát triển các sản phẩm, giải pháp thương mại điện tử; nghiên cứu xây dựng giải pháp thúc đẩy tăng tỷ lệ thanh toán điện tử, giảm tỷ lệ sử dụng tiền mặt tại các chợ.

Để thúc đẩy chuyển đổi sang thanh toán số, Ninh Thuận sẽ tập trung triển khai hướng dẫn đăng ký để mỗi người dân trưởng thành có một tài khoản thanh toán số; phối hợp với các ngân hàng, tổ chức tín dụng tiếp tục làm thẻ, ví điện tử cho người dân; tuyên truyền, khuyến khích các cửa hàng, cửa hiệu, bệnh viện, trường học,...thanh toán không dùng tiền mặt.

Song song với đó, đẩy mạnh triển khai phong trào phường, xã, khu phố, ấp số không dùng tiền mặt và các sáng kiến thúc đẩy thanh toán số khác.

Theo lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Ninh thuận, thời gian tới để thúc đẩy ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động sản xuất kinh doanh, đơn vị tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn về thương mại điện tử; tư vấn triển khai quy trình bán hàng trực tuyến; kinh doanh theo các mô hình B2B (hình thức kinh doanh, giao dịch giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp) và B2C (mô hình kinh doanh giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng). Đồng thời, tư vấn cách thức tích hợp công cụ thanh toán trực tuyến, cách thức quảng bá, marketing hiệu quả cho website và tăng sự tiếp cận tới khách hàng trên mạng xã hội.

Cùng với đó, Sở phối hợp với Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tổ chức các hoạt động kết nối giữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh với các sàn thương mại điện tử để thúc đẩy hơn nữa các sản phẩm địa phương tiêu thụ qua các sàn thương mại điện tử.

Đồng thời, tăng cường hoạt động quản lý, giám sát hàng hóa trên môi trường mạng, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động mua sắm trực tuyến, bảo vệ các doanh nghiệp và thúc đẩy thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ.

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, tỉnh Ninh Thuận đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển quy mô thị trường thương mại điện tử với khoảng 55% dân số của tỉnh tham gia mua sắm trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội.

Doanh số thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với khách hàng bao gồm cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến tăng 25%/năm, chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục