Tổ chức hội viên Hiệp hội Ngân hàng đi đầu trong tái cơ cấu

Trong thời gian qua, các tổ chức hội viên của Hiệp hội đã đi đầu trong công tác tái cơ cấu ngân hàng như tự tái cơ cấu, sáp nhập vào ngân hàng khác.
Tổ chức hội viên Hiệp hội Ngân hàng đi đầu trong tái cơ cấu ảnh 1Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh (giữa) cùng lãnh đạo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam. (Ảnh: VNBA)

Tại buổi tọa đàm “Vai trò cầu nối của Hiệp hội ngân hàng Việt Nam trong thực thi chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước và hỗ trợ hoạt động của các ngân hàng thương mại Việt Nam" tổ chức ngày 6/10 tại Hà Nội, các đại biểu đều đánh giá tổ chức hội viên của Hiệp hội đã đi đầu trong công tác tái cơ cấu ngân hàng trong thời gian qua.

Theo đó, tính đến nay đã có 5 tổ chức hội viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) sáp nhập vào ngân hàng khác; 8 tổ chức hội viên hợp nhất và 3 tổ chức hội viên tự cơ cấu; 3 tổ chức hội viên đã được Ngân hàng Nhà nước mua lại toàn bộ cổ phần với giá 0 đồng và chuyển đổi thành ngân hàng trách nhiệm hữu hạn Một thành viên do Ngân hàng Nhà nước quản lý; 2 công ty tài chính được hợp nhất, giải thể.

Ngoài vai trò thực thi chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, theo Tổng thư ký VNBA - bà Trần Thị Hồng Hạnh - Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng đã làm tốt vai trò cầu nối giữa các tổ chức hội viên với cơ quan quản lý Nhà nước nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức hội viên; liên kết, hợp tác, hỗ trợ các tổ chức hội viên cùng phát triển.

Tổ chức hội viên Hiệp hội Ngân hàng đi đầu trong tái cơ cấu ảnh 2Buổi tọa đàm về vai trò cầu nối của VNBA trong thực thi chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. (Ảnh: VNBA)

Dẫn chứng cho điều này, bà Trần Thị Hồng Hạnh cho biết, chỉ tính riêng trong hơn 3 năm trở lại đây, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã tổ chức hàng trăm cuộc hội thảo, tạo đàm, các văn bản góp ý… nhằm trao đổi, phổ biến các chủ trương, chính sách của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tới các tổ chức hội viên, cũng như tham mưu, phản biện một số các cơ chế chính sách, luật…

Ngoài ra, Hiệp hội Ngân hàng cũng đã phối hợp với các tổ chức quốc tế như IFC, Hiệp hội Ngân hàng ASEAN, IDG, các tổ chức hội viên liên kết là ngân hàng nước ngoài như ANZ, Standard Chartered Bank… tổ chức các khóa đào tạo phòng chống rửa tiền, rủi ro trong hoạt động thanh toán, Basel (1, 2, 3), giao dịch bảo đảm… Những khóa đào tạo này đã thu hút được hàng nghìn lượt học viên là lãnh đạo, chuyên viên cao cấp của các ngân hàng thương mại, các công ty tài chính tham gia.

Đánh giá về những kết quả đạt được của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh khẳng định: “Với vai trò là đại diện cho tổ chức hội viên, làm cầu nối giữa tổ chức hội viên với cơ quan Nhà nước, thời gian qua Hiệp hội Ngân hàng đã có nhiều nỗ lực triển khai các cơ chế, giải pháp điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước."

Tổ chức hội viên Hiệp hội Ngân hàng đi đầu trong tái cơ cấu ảnh 3Tổng thư ký VNBA - bà Trần Thị Hồng Hạnh phát biểu trong cuộc tọa đàm. (Ảnh: VNBA)

"Qua đó có những đóng góp cho thành công của chính sách tiền tệ đạt mục tiêu kiềm chế và kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý, bảo đảm thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng, giảm mặt bằng lãi suất,” ​Phó Thống đốc khẳng định.

Tính đến 30/6/2015, tổng tài sản của các tổ chức hội viên tăng 1,6% so với cuối năm 2014 xấp xỉ mức tăng của toàn hệ thống, chiếm tỷ trọng 84,26% tổng tài sản toàn hệ thống; vốn chủ sở hữu tăng 1,21%, thấp hơn tỷ lệ tăng 1,34% của toàn hệ thống), chiếm tỷ trọng 72,81% so với vốn chủ sở hữu toàn hệ thống; trong đó vốn điều lệ, tăng 3,82% so với 31/12/2014, cao hơn tỷ lệ tăng 2,98% của toàn hệ thống), chiếm tỷ trọng 75,32% so với toàn hệ thống; vốn huy động từ tổ chức kinh tế và cá nhân tăng 5,88%, so với 31/12/2014 cao hơn tỷ lệ tăng 5,05% của toàn hệ thống, chiếm tỷ trọng 88,91% so với toàn hệ thống… 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục