Tòa án Hiến pháp Đức "bật đèn xanh" cho quỹ phục hồi kinh tế của EU

Đây là một phần trong gói ngân sách đến năm 2027 với tổng trị giá 1.800 tỷ (khoảng 2.190 tỷ USD) nhằm giải quyết những hậu quả về kinh tế-xã hội do đại dịch COVID-19 gây ra.
Tòa án Hiến pháp Đức "bật đèn xanh" cho quỹ phục hồi kinh tế của EU ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Berlin, Đức, ngày 12/4/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 21/4, Tòa án Hiến pháp Đức đã "bật đèn xanh" để Tổng thống liên bang Frank-Walter Steinmeier ký phê chuẩn quỹ hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, trị giá 750 tỷ euro (885 tỷ USD), của Liên minh châu Âu (EU).

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, các thẩm phán Tòa án Tối cao ở Karlsruhe đã bác đơn kiện khẩn cấp chống lại việc Đức phải cùng EU gánh khoản nợ chung theo quỹ trên.

Theo phán quyết của tòa, đơn kiện là không có cơ sở và sau khi kiểm tra, tòa không nhận thấy việc này có khả năng vi phạm Luật cơ bản (Hiến pháp) của Đức.

Trước đó, cuối tháng 3 vừa qua, Quốc hội và sau đó là Hội đồng Liên bang Đức đã phê chuẩn quỹ hỗ trợ phục hồi kinh tế trên của EU.

[Gói phục hồi kinh tế của EU bất ngờ vấp rào cản pháp lý tại Đức]

Đây là một phần trong gói ngân sách đến năm 2027 với tổng trị giá 1.800 tỷ (khoảng 2.190 tỷ USD) nhằm giải quyết những hậu quả về kinh tế-xã hội do đại dịch COVID-19 gây ra.

Gói ngân sách đã được 27 nước thành viên EU nhất trí hồi tháng 12 năm ngoái. Ngoài việc hỗ trợ các nước phục hồi từ hậu quả của đại dịch COVID-19, gói ngân sách trên sẽ giúp các quốc gia thành viên EU thực hiện chuyển đổi thông qua nhiều chính sách lớn, cụ thể là Thỏa thuận Xanh, cách mạng số và phát triển bền vững.

Tuy nhiên, ngay sau khi Hội đồng Liên bang phê chuẩn gói hỗ trợ trên, Tòa án Hiến pháp Đức đã bất ngờ ra phán quyết đề nghị Tổng thống Steinmeier tạm thời chưa phê chuẩn do có đơn kiện của một số cá nhân và tổ chức cáo buộc việc thông qua gói hỗ trợ có nguy cơ vi phạm Hiến pháp Đức.

Các nguyên đơn cũng cho rằng các hiệp ước của EU cấm vay mượn chung. Tuy nhiên, Chính phủ Liên bang Đức và Ủy ban châu Âu đã chiểu theo Khoản 2 Điều 122 của Hiệp ước Về phương thức làm việc của EU (AEUV) để đi tới quỹ trên, trong đó quy định trong trường hợp một quốc gia thành viên lâm vào khó khăn hoặc bị đe dọa gặp khó khăn nghiêm trọng do thiên tai hoặc các sự vụ bất thường vượt tầm kiểm soát, theo đề nghị của Ủy ban châu Âu, Hội đồng EU có thể đảm bảo hỗ trợ tài chính cho quốc gia đó theo các điều kiện nhất định.

Với việc Tòa án Hiến pháp "bật đèn xanh" cho gói hỗ trợ trên, Tổng thống Steinmeier dự kiến sẽ sớm ký phê chuẩn để hoàn tất tiến trình thông qua gói cứu trợ tại Đức./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục