Theo tin từ Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), tính đến 30/12/2022, VLA đã kết nạp thêm được 128 hội viên, nâng tổng số 659 hội viên trong hiệp hội.
Năm 2022, mặc dù các doanh nghiệp thuộc ngành này luôn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức do những biến động của tình hình kinh tế trong nước và thế giới, nhưng các thành viên Hiệp hội VLA đã nỗ lực khắc phục khó khăn, từng bước ổn định, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh và đạt được nhiều thành tích tăng trưởng đáng ghi nhận.
Năm 2022, tốc độ tăng trưởng hoạt động dịch vụ logistics của các hội viên đạt khoảng 15%, góp phần tích cực vào việc khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch COVID-19 và thúc đẩy kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt con số kỷ lục là 732 tỷ đô la Mỹ (USD).
Năm 2022, Hiệp hội VLA cũng đã dự thảo và ban hành hơn 20 văn bản gửi các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan với nội dung tập trung phản biện, góp ý nhiều nội dung quan trọng như đề xuất miễn giảm phí hạ tầng cảng biển tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hải Phòng. Kết quả, hai địa phương này đã nghiên cứu và áp dụng chính sách miễn, giảm phù hợp cho từng trường hợp.
Việc điều chỉnh phí hạ tầng cảng biển có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy hình thức vận tải thủy nội địa, từng bước xanh hóa hoạt động logistics.
[Nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam]
Cùng với đó, Hiệp hội kiên trì kiến nghị nhiều lần tại diễn đàn Ủy Ban 1899 về việc cần có một cơ quan đầu mối quản lý hoạt động dịch vụ logistics và được Chính phủ công nhận dịch vụ logistics đã lớn mạnh và trở thành ngành dịch vụ cần có đầu mối quản lý Nhà nước để định hướng phát triển để trở thành lợi thế cạnh tranh quốc gia.
Ngoài ra, trong năm 2022, Hiệp hội còn phát triển đội tàu container quốc tế. Hiện nay, khoảng 90% khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam là thông qua đường biển và khoảng trên 90% khối lượng hàng hóa đó là do hãng tàu nước ngoài vận chuyển. Vì vậy, giá cước vận chuyển hàng container phụ thuộc hoàn toàn vào các chủ tàu nước ngoài. Việc này gây khó khăn cho các doanh nghiệp có hàng hóa xuất nhập khẩu trong nước. Trước thực trạng đó, VLA đã chủ động đưa ra đề xuất Đề án phát triển đội tàu container chở hàng của Việt Nam.
Mới đây, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cùng Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam vừa tổ chức thành công “Lễ đón chuyến tàu Container Tan Cang Foudation vào cụm cảng Cần Thơ” vào ngày 29/12 đã đánh dấu những nỗ lực của doanh nghiệp trong việc triển khai thường xuyên tuyến dịch vụ tàu container đi thẳng từ thành phố Hải Phòng đến thành phố Cần Thơ, góp phần giảm chi phí logistics, mở ra hướng phát triển mới cho hoạt động xuất nhập khẩu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Cũng trong năm nay, lần đầu tiên, Hiệp hội VLA tiến hành dự án nâng cao năng lực hoạt động logistics cấp tỉnh, thành phố. Qua đó, giúp cho các doanh nghiệp, các nhà hoạch định chính sách của từng địa phương và Trung ương, các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển ngành dịch vụ logistics một cách có hiệu quả.
Với vai trò là Hiệp hội Logistics quốc gia, VLA đã đại diện cho Việt Nam tham gia ứng cử và giành được quyền đăng cai Đại hội FIATA thế giới vào năm 2025, dự kiến, sự kiến sẽ được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội. Đây sẽ là cơ hội lớn để thúc đẩy phát triển ngành logistics Việt Nam.
Năm 2022, VLA cũng đã tích cực phối hợp tổ chức và tham gia nhiều diễn đàn về ngành logistics và các ngành khác có liên quan nhằm thúc đẩy ngành dịch vụ logistics khôi phục và phát triển mạnh mẽ sau Đại dịch COVID-19, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò trọng yếu của dịch vụ logistics trong nền kinh tế và đời sống xã hội.
Có diễn đàn “Hoàn thiện chuỗi dịch vụ Logistics cho nông sản Đồng bằng sông Cửu Long, hội thảo logistics tỉnh Sơn La với chủ đề “Định hướng phát triển logistics trong tiêu thụ nông sản tỉnh Sơn La”; diễn đàn “Logistics Việt Nam-Chuyển mình phát triển”; đặc biệt, còn có, diễn đàn Logistics Việt Nam 2022 do Bộ Công Thương tổ chức./.