Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã ra đi trong niềm tiếc thương vô hạn của nhân dân cả nước.
Chia sẻ cảm xúc trong ngày diễn ra Lễ viếng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nhiều tầng lớp nhân dân bày tỏ sự kính trọng, biết ơn vị lãnh đạo tâm huyết, đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Người lãnh đạo luôn lắng nghe nhân dân
Ra Hà Nội từ sáng sớm, ông Nguyễn Văn Thiệu (huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) đứng lặng rất lâu bên ngoài cổng Nhà Tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông) để tưởng nhớ nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.
Ông Thiệu cho biết, tuy chưa bao giờ được gặp trực tiếp, nhưng qua các phương tiện thông tin đại chúng, được hiểu về quá trình hoạt động cách mạng của vị lãnh đạo này, ông vô cùng khâm phục.
"Nguyên Tổng Bí thư luôn quan tâm đến vấn đề dân sinh và tư tưởng “lấy dân làm gốc” luôn được đề cao. Khi còn làm việc, ông thường xuyên về cơ sở, lắng nghe những tâm tư, nguyên vọng của nhân dân để từ đó đưa ra những quyết định có lợi cho nhân dân," ông Nguyễn Văn Thiệu chia sẻ.
Nhiều người dân cho rằng Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là người rất quyết liệt trong phòng, chống tham nhũng khi đang ở vị trí cao nhất của Đảng.
Bà Chu Thị Mùi (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) cho rằng sau khi chiến tranh kết thúc, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới - hội nhập kinh tế thì một số cán bộ lãnh đạo, quản lý có những biểu hiện tha hóa, biến chất, tham nhũng.
Với vai trò là Tổng Bí thư, ông đã thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá đúng thực tế và thể hiện quyết tâm chấn chỉnh đội ngũ thông qua việc quyết liệt đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhằm làm trong sạch bộ máy, giữ gìn sức chiến đấu của tổ chức đảng, củng cố niềm tin của nhân dân.
Theo bà Mùi, kể cả khi đã nghỉ công tác, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu rất quan tâm đến lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội, đời sống nhân dân, nhất là ở khu vực còn nhiều khó khăn.
Không xa rời thực tiễn, ông thường xuyên cập nhật thông tin, theo dõi hoạt động trên các lĩnh vực và có nhiều ý kiến tâm huyết giúp cải thiện đời sống cho nhân dân.
Từng nhiều năm là chỉ huy trong quân đội, ông luôn thể hiện bản lĩnh của người lính Cụ Hồ, với tấm lòng trung với Đảng, hiếu với dân nhằm vượt qua được mọi thử thách khó khăn, gian khổ.
Bởi vậy cho nên dù ở cương vị nào, trong hoàn cảnh nào, ông cũng kiên định, nhiệt huyết với sự nghiệp của Đảng và nhân dân.
Đồng tình với quan điểm đó, Bí thư Chi bộ tổ dân phố Xuân Lộc 1, phường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm) Nguyễn Kinh Bảng cho rằng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là người luôn truyền đi những thông điệp mạnh mẽ về tinh thần thẳng thắn, đi sâu vào thực tiễn.
Ông Bảng cho biết, một trong những câu nói mà ông ấn tượng nhất về vị lãnh đạo đáng kính, đó là cần cụ thể hóa hơn nữa, làm sao cho Đảng thật trong sạch, vững mạnh, sát dân. Nhất là đội ngũ cán bộ của Đảng, làm sao những cán bộ đó tận tụy vì nước vì dân, nói và làm vì người dân. Nhất là những thực tiễn của đất nước phải sát. Như thế mới tránh được yếu kém, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, cửa quyền, xa dân.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Quốc Sơn (cán bộ đã nghỉ hưu của Bộ Ngoại giao) là người có nhiều ký ức đẹp về nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.
Ông nêu rõ, cuộc sống của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu từ khi còn là người lính đến khi là Tổng Bí thư luôn rất gần gũi với dân chúng. Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu luôn xông xáo, lặn lội từ những vùng hải đảo xa xôi, rừng núi, thậm chí cả những khi bão lũ ở miền Tây, ông cũng “xắn quần” để cùng đoàn các tỉnh An Giang, Đồng Tháp... lội dưới nước vào vùng sâu, vùng xa để thăm người bị lũ lụt.
"Trong khi đó, Quân đội luôn xem nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là một người anh, nên sự ra đi của Đồng chí là mất mát lớn cho gia đình, người thân nói riêng, cả nước nói chung. Tôi luôn thấy nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là một người bình dị, chân chất, trung thực," ông Lê Quốc Sơn tưởng nhớ.
Tuy chưa từng gặp nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nhưng ông Huỳnh Văn Hồng Ngọc, Trưởng ban Ban Dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh, hiểu khá rõ về đồng chí Lê Khả Phiêu qua những câu chuyện, những tài liệu liên quan về những đóng góp của nguyên Tổng Bí thư.
[Quê nhà xứ Thanh thương nhớ Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu]
Ông Huỳnh Văn Hồng Ngọc rất khâm phục về cuộc đời, sự nghiệp của đồng chí nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu vì có rất nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân; là người hết sức trách nhiệm với công việc, với những nhiệm vụ được giao.
“Trong vai trò Tổng Bí thư, đồng chí Lê Khả Phiêu cùng tập thể Đảng, Nhà nước và nhân dân xây dựng, bảo vệ và đưa đất nước ngày càng phát triển. Ở đồng chí có rất nhiều bài học quý giá, từ cách sống giản dị, bình dân, gần gũi, đến cách làm việc hăng say, thẳng thắn, trung thực. Đồng chí luôn gương mẫu về đạo đức, lối sống và là tấm gương cho thế hệ hôm nay noi theo," ông Huỳnh Văn Hồng Ngọc chia sẻ.
Tấm gương cho đội ngũ lãnh đạo trẻ
Từng là Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa, rồi Chủ tịch Hội Khuyến học của tỉnh, ông Vương Văn Việt đã nhiều lần được gặp nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.
Trong trí nhớ của ông, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là người có tấm lòng cao cả, một lãnh tụ có lối sống dung dị, khiêm tốn, gần gũi, luôn tâm huyết với công tác giáo dục, khuyến học, khuyến tài vì thế hệ trẻ.
Ông Vương Văn Việt cho biết, Quỹ Khuyến học, khuyến tài Lê Khả Phiêu ra đời năm 2015 đã tiếp thêm nguồn lực cho công tác xã hội hóa học tập ở xứ Thanh. Đặc biệt là khuyến khích các em học sinh, sinh viên vươn lên cố gắng, đạt thành tích cao trong học tập.
Mặc dù nguyên Tổng Bí thư đã ra đi nhưng Quỹ khuyến học, khuyến tài mang tên ông sẽ tồn tại mãi mãi. Quỹ khuyến học, khuyến tài Lê Khả Phiêu với tôn chỉ, mục đích và những hoạt động thiết thực, nhân văn, sẽ như một sợi dây bền chặt, nối liền tình cảm của xứ Thanh với một người con ưu tú đã trọn đời vì đất nước, quê hương.
Hội khuyến học Thanh Hóa sẽ cố gắng tiếp tục duy trì hoạt động của Quỹ Khuyến học khuyến tài Lê Khả Phiêu một cách hiệu quả và ý nghĩa thiết thực nhất như sinh thời nguyên Tổng Bí thư mong muốn.”
Em Hoàng Văn Hùng, là sinh viên lớp K21 Sư phạm Toán, Trường Đại học Hồng Đức (tỉnh Thanh Hóa), từng đoạt giải Nhì trong cuộc thi Olympic Toán học sinh sinh viên toàn quốc và được nhận học bổng từ quỹ Khuyến học khuyến tài Lê Khả Phiêu.
Em cho biết: "Bác Lê Khả Phiêu đã ra đi vào cõi vĩnh hằng nhưng cuộc đời, sự nghiệp của bác mãi là niềm tự hào của quê hương Thanh Hóa và bản thân em sẽ không ngừng cố gắng phấn đấu học tập, rèn luyện để không phụ lòng mong mỏi của Bác Lê Khả Phiêu về thế hệ tương lại của quê hương, đất nước," em Hoàng Văn Hùng tâm sự.
Là lãnh đạo trẻ, chưa từng tiếp xúc với nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nhưng qua tìm hiểu và nghiên cứu các tài liệu, văn bản và qua các tư liệu và hoạt động của ông, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm Đặng Văn Sơn cảm nhận đây là một lãnh đạo có nhân cách lớn, sống chân thành, giản dị, cởi mở, gần gũi với cuộc sống đời thường.
Là một người lãnh đạo có đức, có tài, trí tuệ, có tầm nhìn xa, trông rộng, luôn vì nước, vì dân. Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu luôn quan tâm đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực như: lĩnh vực khoa học, giáo dục đào tạo, văn hóa thể thao, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, công tác giáo dục thế hệ trẻ,…
Phó Bí thư Đảng ủy phường Xuân Tảo Đặng Văn Sơn cho biết, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là một người luôn hết lòng với công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Chính vì thế, tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) với cương vị là Tổng Bí thư, ông đã dành nhiều thời gian và tâm huyết của mình cho công tác xây dựng Đảng để Đảng xứng đáng là đội tiên phong chiến đấu lãnh đạo đất nước trong sự nghiệp đổi mới.
Cá nhân anh Sơn luôn khâm phục đạo đức và trí tuệ của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu - một người lãnh đạo trưởng thành từ cơ sở, tác phong gần gũi quần chúng, sâu sát cơ sở, tôn trọng và lắng nghe cấp dưới; phát huy trí tuệ tập thể trong lãnh đạo, chỉ đạo, tận tình giúp đỡ, truyền đạt kinh nghiệm cho lớp người đi sau..../.