"Việt Nam là nơi thú vị để tới thăm"

Tổng Giám đốc UNDP: Việt Nam là nơi thú vị để tới thăm

Theo Tổng Giám đốc UNDP Helen Clark, có nhiều điều tích cực để nói về sự phát triển của Việt Nam và điều đó khiến Việt Nam thành nơi thú vị để tới thăm.

Hội nghị thường niên các trưởng đại diện Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Hội nghị quản lý của Chương trình phát triển Liên hợp quốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang diễn ra tại Hà Nội.

Sự kiện này thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội trong và ngoài nước trong bối cảnh Việt Nam đã đạt được những thành công đáng ghi nhận trong quá trình thực hiện sáng kiến thống nhất hành động, Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG).

Nhân dịp sang Việt Nam tham dự sự kiện, bà Helen Clark - Tổng Giám đốc Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã dành cho phóng viên Thông tấn xã Việt Nam cuộc phỏng vấn.

- Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu phát triển đáng kể với sự hợp tác của các tổ chức quốc tế, trong đó có Chương trình phát triển Liêp hợp quốc. Điều này có ý nghĩa như thế nào, thưa bà?

- Bà Helen Clark: Chương trình phát triển Liên hợp quốc đã có mặt tại Việt Nam được khoảng 35 năm. Đó là một quãng thời gian dài và chúng tôi đã được chứng kiến những sự tăng trưởng ấn tượng ở Việt Nam. Thật đáng ngạc nhiên nếu bạn nhìn vào các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, Việt Nam đã thực hiện rất tốt hầu hết các mục tiêu này, giảm rõ rệt tỷ lệ nghèo đói, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, hệ thống chăm sóc y tế đã tốt hơn nhiều. Bình đẳng giới, phụ nữ đã tiến gần hơn tới các vị trí quan trọng trong việc ra quyết định. Có rất nhiều điều tích cực mà chúng ta có thể nói về sự phát triển của Việt Nam và một lần nữa, điều đó khiến Việt Nam trở thành một nơi thú vị để tới thăm.

Việt Nam từng là một quốc gia nghèo và bây giờ đã trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình. Điều đó có nghĩa là Việt Nam đang đạt được rất nhiều thành công. Nhưng để tiến lên một mức độ phát triển cao hơn, Việt Nam cần nhiều nỗ lực hơn nữa. Đó cũng là những gì chúng tôi thảo luận ở hội nghị lần này.

- Việt Nam đã đạt được các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ trước thời hạn vào năm 2015, nhưng vẫn còn nhiều thách thức để duy trì sự phát triển bền vững trong thời gian tới. Bà nghĩ sao về điều này?

- Bà Helen Clark: Các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ hướng tới giảm một nửa số người đói nghèo cùng cực và Việt Nam đã hoàn thành tốt hơn mục tiêu đó. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn những người đói nghèo cùng cực. Vấn đề là Việt Nam cần tìm kiếm những mô hình tăng trưởng và phát triển sao cho thành quả phát triển được phân phối công bằng cho tất cả mọi người và đưa các tiêu chuẩn sống lên mức cao hơn.

Đầu năm tới, Chính phủ Việt Nam sẽ tham khảo ý kiến từ phía Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Hội nghị các nhà tài trợ nhằm nỗ lực đưa Việt Nam lên một mức độ phát triển cao hơn, bởi mức thu nhập trung bình có thể là một cái bẫy khiến Việt Nam tụt hậu.

Trong cuộc họp lần này giữa UNDP và Chính phủ Việt Nam, tất cả các ý tưởng về sự phát triển trong tương lai cũng sẽ được đặt lên bàn thảo luận và xem xét giải pháp nào sẽ giúp Việt Nam phát triển nhanh và xa hơn nữa.

- Liên hợp quốc đang xây dựng chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015, khi chúng ta kết thúc thời hạn cho các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, theo bà, Việt Nam có thể đóng góp gì cho quá trình này?

- Bà Helen Clark: Việt Nam đang đóng góp vào quá trình thảo luận về những công việc cần làm sau năm 2015. Việt Nam là một trong những quốc gia triển khai sự tham vấn, thảo luận ở tầm quốc gia về chủ đề chương trình nghị sự tương lai.

Chúng tôi trông đợi sự tham gia nhiều hơn của các tổ chức phi Chính phủ, khối tư nhân, các tổ chức xã hội dân sự và cả truyền thông để đưa ra một nghị trình tương lai. Những vấn đề lớn được mọi người quan tâm là chất lượng giáo dục và y tế đáp ứng tốt hơn nhu cầu của đông đảo người dân; người dân mong muốn một công việc ổn định, cung cấp đủ sinh kế, tiếp đến là một Chính phủ với khả năng quản trị mạnh mẽ.

Trong cuộc họp về kiểm điểm việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ mà Thủ tướng Việt Nam từng tham gia, các nước đều thống nhất là chương trình nghị sự tương lai cần phải thúc đẩy hòa bình và an ninh, bởi đó là những yếu tố quyết định, giúp chúng ta có thể phát triển. Việt Nam cũng như các nước đều ý thức sâu sắc điều này vì vậy, các nước thành viên Liên hợp quốc cũng sẽ thảo luận tất cả các vấn đề phát triển.

- Trân trọng cảm ơn bà./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục