Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về Hội nhập Quốc tế” vừa ký Quyết định ban hành Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo.
Kế hoạch nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ Bộ Chính trị giao, xác định rõ trách nhiệm và tiến độ hoàn thành các nội dung, nhiệm vụ nhằm bảo đảm việc xây dựng Đề án "Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về Hội nhập Quốc tế" (Nghị quyết 22) chất lượng, hiệu quả.
Theo đó, nội dung Kế hoạch gồm hoàn thành dự thảo lần 2 Đề án trình Bộ Chính trị về việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22, dự thảo lần 1 Tờ trình Thủ tướng Chính phủ và Tờ trình của Ban cán sự đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị về Đề án, Văn bản chỉ đạo mới của Bộ Chính trị về Hội nhập Quốc tế (nếu có); trong tháng Chín này, tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22; trình Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo dự thảo 3 văn bản: Đề án trình Bộ Chính trị về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22; Tờ trình của Ban cán sự đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị về Đề án; Văn bản chỉ đạo mới của Bộ Chính trị (nếu có).
Đầu tháng 10 tới, họp Thường trực Chính phủ xem xét thông qua các văn bản: Đề án trình Bộ Chính trị về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22, Tờ trình của Ban cán sự đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị về Đề án, Văn bản chỉ đạo mới của Bộ Chính trị (nếu có).
[Thủ tướng: Hội nhập trên tinh thần tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc]
Ban cán sự đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị các văn bản: Đề án trình Bộ Chính trị về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22, Tờ trình của Ban cán sự đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị về Đề án và dự thảo Văn bản chỉ đạo mới của Bộ Chính trị (nếu có). Bộ Chính trị cho ý kiến đối với Đề án và các văn bản liên quan (trong tháng 11/2023).
Cách đây 10 năm (ngày 10/4/2013), Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Nghị quyết 22-NQ/TW về Hội nhập Quốc tế. Đây là văn bản có ý nghĩa định hướng chiến lược, đánh dấu bước chuyển quan trọng trong tư duy hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước ta; thống nhất nhận thức và hành động trong giai đoạn nước ta bắt đầu chuyển mạnh từ "Hội nhập Kinh tế Quốc tế" sang "chủ động, tích cực Hội nhập Quốc tế" toàn diện, sâu rộng và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, quốc phòng, an ninh đến văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo…
Thực tiễn triển khai Nghị quyết số 22 trong 10 năm qua đã đạt nhiều kết quả quan trọng, cho thấy đây là một định hướng chiến lược hết sức đúng đắn và kịp thời của Đảng và Nhà nước, góp phần đưa đất nước đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, góp phần khẳng định rõ đánh giá của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là "chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay."
Từ năm 2013 đến nay, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ với 7 nước lên Đối tác Chiến lược hoặc Đối tác Chiến lược Toàn diện và 7 nước lên Đối tác Toàn diện, góp phần tạo ra mạng lưới Đối tác Chiến lược/Đối tác Toàn diện với 33 nước, trong đó có tất cả các nước lớn; chính thức tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình cũng như tham gia sâu rộng vào nhiều Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) và liên kết thương mại thế hệ mới, tiêu chuẩn cao như CPTPP, EVFTA…, góp phần củng cố và tăng cường cục diện đối ngoại thuận lợi, rộng mở cho phát triển đất nước./.