Phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 40 Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh khóa X diễn ra chiều 16/4, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Thành phố không được chủ quan trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Tuy Thành phố đã ngăn chặn được tình hình lây lan của dịch bệnh, nhưng trên thế giới dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp.
Phân tích diễn biến dịch bệnh một số nước cũng như tại Việt Nam nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng với những mô hình phòng, chống dịch bệnh đã áp dụng mang lại kết quả thời gian qua, Thành phố tiếp tục thực hiện kiểm soát người vào chặt chẽ, nhất là những khu vực có nguy cơ cao như cửa ngõ, sân bay, ga xe lửa…
Cùng với đó, Thành phố thực hiện tốt việc xác định ca bệnh, khoanh vùng, cách ly kịp thời và thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên…
[Khai mạc Hội nghị lần thứ 40 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa X]
Đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh khi trở lại bình thường, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, cần phải có quy tắc ứng xử an toàn với dịch bệnh của từng ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp…
Đến hết tháng 4/2020, các lĩnh vực cần hoàn thành bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn khi đi vào hoạt động, nhất là các lĩnh vực tập trung đông người như giáo dục, giao thông vận tải, khách sạn, nhà hàng, siêu thị…
Về hỗ trợ sản xuất kinh doanh, từ nay đến giữa tháng 5/2020, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp triển khai, áp dụng đến được với doanh nghiệp; đồng thời cần có lộ trình cụ thể để hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp tục sản xuất, có các tiêu chí để vận dụng chính sách hỗ trợ về tín dụng, kết nối doanh nghiệp với ngân hàng…
Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân lưu ý các sở, ngành, địa phương đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo tiến độ triển khai các dự án trọng điểm về giao thông, xử lý rác...; đồng thời đảm bảo công tác an sinh xã hội, an ninh trật tự trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng người dân cùng cực dẫn đến làm sai, công tác phòng, chống tội phạm cần làm quyết liệt hơn nữa.
Tại hội nghị, lãnh đạo các sở, ngành, UBND Thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm khôi phục kinh tế, nhất là hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp trên tinh thần tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép" vừa hạn chế những tác động tiêu cực của dịch COVID-19, phấn đấu ngăn chặn, xử lý tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn, đồng thời thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội Thành phố năm 2020.
Theo Ban cán sự Đảng UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố tiếp tục triển khai các biện pháp kịp thời, quyết liệt, linh hoạt, phù hợp trong từng giai đoạn, diễn biến dịch COVID-19, kiên quyết không để dịch bệnh bùng phát, hạn chế tối đa mức độ lây lan ra cộng đồng; trang bị thêm 110.000 bộ xét nghiệm có độ nhạy cao để sàng lọc, tầm soát rộng những trường hợp nghi ngờ, tiếp xúc gần; thành lập Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch đặt tại trụ sở UBND Thành phố.
Thường trực UBND Thành phố chỉ đạo trực 24/24h để điều hành công tác chống dịch.
Bên cạnh đó, Thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tạo sức lan tỏa đến từng khu phố, từng nhà và từng người dân.
Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Thành phố sẽ tổ chức nghiên cứu, xây dựng kịch bản dự báo tăng trưởng kinh tế từng quý và cả năm 2020, dự báo đánh giá chỉ số từng ngành, lĩnh vực, qua đó có giải pháp thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực ưu tiên, tiềm năng, có giá trị gia tăng cao, đóng góp lớn vào Tổng sản phẩm trên địa bàn Thành phố nhằm đạt mức tăng trưởng cao nhất có thể.
Từng ngành, địa phương rà soát lại kế hoạch năm, bổ sung các giải pháp phù hợp, khả thi để duy trì phát triển kinh tế-xã hội, phấn đấu thực hiện đạt kết quả cao nhất các chi tiêu kế hoạch đã đề ra.
Đồng thời, Thành phố nâng cao hiệu quả hoạt động Tổ Công tác hỗ trợ các doanh nghiệp trong tình hình dịch COVID-19; tổng hợp ý kiến, nguyện vọng của doanh nghiệp để tiếp tục để xuất chính sách hỗ trợ cụ thể, phù hợp từ Trung ương và từ ngân sách Thành phố cho doanh nghiệp, người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa; xây dựng kế hoạch hỗ trợ về vốn, chính sách để doanh nghiệp dự trữ nguồn hàng, nguyên vật liệu tại chỗ; đảm bảo hoạt động sản xuất, cung ứng hàng hóa liên tục, không gián đoạn; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay theo hợp đồng tín dụng đã ký kết và xem xét cho vay mới để khôi phục, duy trì sản xuất, kinh doanh.
Thành phố tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong điều kiện dịch bệnh, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, phát triển dịch vụ công trực tuyến, y tế số, giáo dục số, thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử và kinh tế số.
Thành phố kiểm soát chặt chẽ tình hình thị trường, bảo đảm cân đối nguồn hàng phòng, chống dịch và phục vụ nhu cầu người dân; chuẩn bị nguồn cung hàng hóa vượt 50-100% so với bình thường, đảm bảo cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu cho người dân trong mọi tình huống.
Trong thu ngân sách nhà nước, ông Lê Thanh Liêm cho biết Thành phố tăng cường các giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu, thực hiện chi ngân sách theo đúng dự toán, định mức, tăng cường tiết kiệm chi và hạn chế những khoản chi phát sinh mới ngoài dự toán; tạo điều kiện hỗ trợ, chăm lo người dân, doanh nghiệp, chủ động chuẩn bị các phương án tốt nhất khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian sớm nhất.
Về các hoạt động triển khai thực hiện chủ đề “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị," ông Lê Thanh Liêm cho biết, Thành phố duy trì tổ chức tốt các hoạt động văn hóa quan trọng trên tinh thần tuân thủ nghiêm các yêu cầu của Trung ương, Bộ Y tế trong công tác phòng chống dịch COVID-19; tạm dừng các hoạt động văn hóa, thể thao chưa cần thiết.
Bên cạnh đó, Thành phố khảo sát, xây dựng danh mục các cơ sở di tích văn hóa lịch sử đã xuống cấp, cần sửa chữa, trùng tu nhằm bảo tồn di sản văn hóa; đẩy nhanh thủ tục đầu tư các công trình văn hóa trọng điểm.
Cùng với đó, Thành phố tổ chức sơ kết đợt 1 (từ ngày 6/3-30/4) và tiếp tục thực hiện 10 nội dung trọng tâm trong các đợt thi đua tiếp theo trong Kế hoạch phát động phong trào thi đua đợt thi đua 200 ngày chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp./.
Đến thời điểm này tại Việt Nam đã có 268 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 177 trường hợp mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh, chưa có ca bệnh nào tử vong. Trong khi đó, tính tới chiều 16/4 theo giờ Việt Nam, thế giới đã ghi nhận 2.094.839 ca mắc COVID-19, với 135.569 trường hợp đã tử vong, 520.930 trường hợp đang hồi phục. |