TP.HCM: Dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2024 tăng gần 10% so với năm nay

Trong năm 2024, tổng dự toán thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn Thành phố Hồ Chí minh là 482.851 tỷ đồng, tăng 2,8% dự toán năm nay và tăng 9,92% so với ước thực hiện năm nay.

Ngày 8/12, tại kỳ họp thứ 13, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa X đã thông qua Nghị quyết về dự toán thu ngân sách Nhà nước; thu, chi ngân sách thành phố năm 2024.

Theo đó, trong năm 2024, tổng dự toán thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn Thành phố Hồ Chí minh là 482.851 tỷ đồng, tăng 2,8% dự toán năm nay và tăng 9,92% so với ước thực hiện năm nay; trong đó, thu nội địa là 333.960 tỷ đồng, tăng gần 14% con số thực hiện trong năm nay; thu từ dầu thô là 17.900 tỷ đồng, giảm mạnh gần 28%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 130.800 tỷ đồng, tăng hơn 8% và phần còn lại là thu từ viện trợ 191 tỷ đồng.

Dự toán này được xây dựng dựa trên dự toán thu chi ngân sách Nhà nước năm nay của Bộ Tài chính. Trong năm nay, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh ước thực hiện 439.288 tỷ đồng, đạt 93,53% dự toán được giao và giảm 8,54% so với năm ngoái.

Trong năm 2024, Thanh phố Hồ Chí Minh cũng thông qua tổng thu ngân sách địa phương hơn 140.978 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với dự toán năm nay.

Về dự toán chi ngân sách địa phương, năm 2024 tổng chi ngân sách địa phương của Thành phố Hồ Chí Minh là 149.976 tỷ đồng.

Với dự toán thu chi như trên, Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến sẽ bội chi ngân sách địa phương là 8.998 tỷ đồng trong năm 2024.

Tại kỳ họp, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã thông qua tờ trình về kế hoạch vay, trả nợ chính quyền địa phương năm 2024. Để bù đắp việc bội chi ngân sách trên, Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến vay, trả nợ chính quyền địa phương với tổng mức vay 9.749 tỷ đồng; trong đó vay để bù đắp bội chi ngân sách là 8.998 tỷ đồng và vay để trả nợ gốc gần 751 tỷ đồng.

Về nguồn vay, Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến vay từ nguồn Chính phủ về cho vay lại là 4.749 tỷ đồng và vay trong nước hơn 5.000 tỷ đồng. Nguồn vay từ nguồn Chính phủ về cho vay lại để thực hiện các chương trình dự án như Dự án Vệ sinh môi trường Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2; dự án cải thiện môi trường nước Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2; dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến Bến Thành-Suối tiên. Việc giải ngân các khoản vay từ nguồn Chính phủ về cho vay lại được thực hiện theo tình hình thực tế và thỏa thuận vay đã ký kết.

Nguồn vay trong nước dự kiến sẽ được thực hiện từ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, với khối lượng 5.000 tỷ đồng. Mệnh giá trái phiếu là 100.000 đồng, với kỳ hạn phát hành có thể là 10 năm, 15 năm, 20 năm và 30 năm. Cơ cấu cụ thể của từng loại kỳ hạn tùy thuộc vào nhu cầu của các nhà đầu tư và tình hình thị trường tại thời điểm phát hành. Mức lãi suất cũng sẽ được căn cứ vào khung lãi suất do Bộ Tài chính thông báo và tình hình thị trường tại thời điểm phát hành.

Để tổ chức thực hiện tốt kế hoạch đề ra, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng giao Ủy ban Nhân dân Thành phố cần căn cứ kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021-2025 để triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của thành phố; làm cơ sở để cân đối, xem xét, định hướng cho công tác lập dự toán ngân sách Nhà nước hằng năm, kế hoạch tài chính-ngân sách Nhà nước 3 năm.

Trong điều hành ngân sách Nhà nước năm 2024 phải đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật về chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên; đảm bảo đủ nguồn để thực hiện cải cách tiền lương; đảm bảo thực hiện vay và chi trả nợ gốc, lãi vay đến hạn.

Phân bổ và giao kế hoạch vốn đầu tư công đảm bảo đúng quy định, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nâng cao hiệu quả việc bố trí và sử dụng vốn đầu tư công. Các khoản chi ngân sách chỉ được thực hiện khi có dự toán được giao và phải đảm bảo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi theo quy định…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục