Tranh cãi tàu ngầm và nguy cơ "bom hẹn giờ chính trị" tại Thái Lan

Cư dân mạng Thái Lan đang tranh luận gay gắt về việc liệu nước này có cần các tàu ngầm vào thời điểm khủng hoảng kinh tế này hay không.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha tại cuộc họp nội các ở Bangkok. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha tại cuộc họp nội các ở Bangkok. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trước những lo ngại của công chúng Thái Lan về tình hình kinh tế ảm đạm trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới gây ra (COVID-19), Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã quyết định hoãn thỏa thuận mua các tàu ngầm của Trung Quốc sang năm 2021.

Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Anucha Burapachaisri ngày 31/8 cho biết Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã hoãn các khoản thanh toán đầu tiên để mua thêm 2 tàu ngầm nữa từ Trung Quốc, nhưng kế hoạch mua sắm vẫn còn nguyên vẹn.

Theo ông Anucha, kế hoạch mua thêm 2 tàu ngầm nữa vẫn không thay đổi, chỉ có các khoản thanh toán sẽ bị trì hoãn, chờ đàm phán với Trung Quốc. Số tiền bị giữ lại sẽ được chuyển sang phục vụ công tác phòng chống đại dịch COVID-19.

Tranh luận về việc liệu Thái Lan có cần tàu ngầm hay không bùng phát trở lại sau khi Tiểu ban mua sắm, công nghệ thông tin, doanh nghiệp nhà nước và các quỹ luân lưu của Hạ viện bỏ phiếu ủng hộ kế hoạch chi 22,5 tỷ baht (khoảng 724 triệu USD) của Hải quân để mua thêm hai tàu ngầm do Trung Quốc sản xuất.

Hải quân Thái Lan hiện đang chờ bàn giao chiếc tàu ngầm S26T lớp Yuan đầu tiên mà họ đặt hàng từ Trung Quốc vào năm 2017 với giá thành 13,5 tỷ baht và dự kiến nhận vào năm 2023 hoặc 2024.

Ủy ban ngân sách đã phê duyệt đề xuất mua sắm thêm 2 chiếc nữa và tổng chi phí của 3 tàu là 36 tỷ baht.

Được chấp thuận bởi chính phủ hình thành sau cuộc đảo chính của Đại tướng Prayut vào tháng 4/2017, thỏa thuận mua các tàu ngầm nói trên đã khiến người dân bất bình.

Trong bài phân tích mang tựa đề “Tranh cãi tàu ngầm có nguy cơ trở thành quả bom hẹn giờ chính trị,” trang tin điện tử tiếng Anh “Thai PBS World” nhận định lời chỉ trích nặng nề giờ đây cũng đang nhắm vào chính phủ vì đã cho phép đầu tư vào các loại vũ khí chiến tranh đắt tiền vào thời điểm nền kinh tế đang sa lầy trong cuộc khủng hoảng COVID-19.

Theo trang tin này, cùng với sự phản đối ngày càng tăng về thỏa thuận tàu ngầm, vấn đề này có nguy cơ trở thành "một quả bom hẹn giờ chính trị" đối với chính phủ của ông Prayut.

Trong khi đó, Thủ tướng Prayut, người kiêm nhiệm chức Bộ trưởng Quốc phòng, không tỏ ra hào hứng với việc gỡ quả bom hẹn giờ chính trị này.

Hôm 26/8, ông Prayut vẫn kiên quyết rằng tàu ngầm là cần thiết để bảo vệ tài nguyên biển của đất nước.

Ông Prayut nói: “(Tàu ngầm) không dùng để chiến đấu với bất kỳ quốc gia nào. Chúng là vũ khí chiến lược để bảo vệ chủ quyền” đồng thời nhấn mạnh rằng “mọi người sẽ phải chịu trách nhiệm về những hậu quả” của việc không mua được “vũ khí chiến lược” đó.

Những người chỉ trích đặt câu hỏi liệu có nên chi hàng tỷ baht cho khí tài quân sự vào thời điểm rất cần tiền để giải quyết các vấn đề kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra hay không.

Mặc dù COVID-19 phần lớn đã được kiểm soát trong nước, song những hậu quả bao gồm tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và giảm doanh thu từ xuất khẩu và du lịch, hai lĩnh vực chính mang lại nguồn thu cho đất nước, thì vẫn chưa được khắc phục.

Cư dân mạng Thái Lan tranh luận gay gắt về việc liệu nước này có cần các tàu ngầm vào thời điểm khủng hoảng kinh tế này hay không.

Chuỗi ký tự (Hashtag) “Người dân không muốn các tàu ngầm” (CitizensDoNotWantSubmarines) bắt đầu thịnh hành trên Twitter Thái Lan vào đầu tuần trước.

Tranh cãi tàu ngầm và nguy cơ "bom hẹn giờ chính trị" tại Thái Lan ảnh 1Thái Lan hoãn mua thêm hai tàu ngầm S-26T từ Trung Quốc. (Ảnh: Handout)

Cựu Bộ trưởng Tài chính Korn Chatikavanij, người hiện lãnh đạo đảng Kla, coi tàu ngầm là "không cần thiết" vào thời điểm khi khủng hoảng kinh tế chứng kiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm tới 12% so với năm 2019.

Ông Korn viết trên Facebook hôm 23/8: “Tôi hiểu có những nhu cầu về an ninh. Nhưng tại thời điểm này, chính phủ nên dành số tiền mà họ có để giúp đỡ những người đang hứng chịu thiệt hại nặng nề nhất, bao gồm các doanh nghiệp nhỏ và người bán hàng.”

[Chính phủ Thái Lan tạm dừng dự án mua tàu ngầm Trung Quốc]

Ông Korn cho biết số tiền dành cho hai chiếc tàu ngầm mua bổ sung đủ để trợ cấp cho hơn 200.000 doanh nghiệp nhỏ với mức 100.000 baht mỗi doanh nghiệp.

Để bảo vệ thỏa thuận mua tàu ngầm, Hải quân đã tổ chức một cuộc họp báo hôm 24/8, nói rằng việc mua 3 tàu ngầm là một phần trong chiến lược bảo vệ các lợi ích biển của Vương quốc Thái Lan, ước tính có giá trị khoảng 24.000 tỷ baht mỗi năm.

Hải quân cho biết Thái Lan từng có hạm đội gồm 4 tàu ngầm - tất cả đều được đóng tại Nhật Bản - nhưng chúng đã ngừng hoạt động vào năm 1951.

Trưởng Ban Tài chính Hải quân, Phó Đô đốc Tirakul Kanchana, nói với báo chí rằng hai tàu ngầm mua bổ sung đã nằm trong thỏa thuận mua chiếc đầu tiên và không phải là thỏa thuận mua sắm mới.

Thái Lan đang trả 13,5 tỷ baht theo các đợt từ năm 2017 đến năm 2023 cho chiếc tàu ngầm đầu tiên. Khoản thanh toán 22,5 tỷ baht cho hai tàu ngầm mua thêm sẽ được chia thành 7 đợt hàng năm, từ 2,5 tỷ baht đến 3,5 tỷ baht, sử dụng ngân sách thường xuyên hàng năm của Hải quân, không phải tiền bổ sung.

Liên quan đến cuộc họp báo này, Thủ tướng Prayut hôm 25/8 nói: “Hải quân có lý do và sự cần thiết của họ” trong việc mua các tàu ngầm.

Ông Prayut kêu gọi Ủy ban Giám sát Ngân sách Hạ viện "đảm bảo sự công bằng" khi xem xét đề xuất ngân sách của Hải quân.

Vào tháng 7/2019, Thủ tướng Prayut đã ám chỉ rằng một tàu ngầm không đủ cho các nhiệm vụ hải quân. Ông Prayut đặt câu hỏi: “Bạn nghĩ chỉ mua một chiếc tàu ngầm là đủ? Nếu nó cần sửa chữa hoặc bảo dưỡng thì sao?”

Các lực lượng vũ trang Thái Lan đã yêu cầu tổng ngân sách là 196 tỷ baht cho năm tài khóa 2021, ít hơn một chút so với mức 204 tỷ baht được phân bổ trong năm 2020.

Trong số đó, 48,2 tỷ baht được dành cho Hải quân, 107,6 tỷ baht cho Lục quân và 40,1 tỷ baht cho Không quân. Một phần lớn ngân sách của Hải quân được dành để mua 2 tàu ngầm và 900 triệu baht nữa để xây dựng một cảng tàu ngầm.

Danh sách mua sắm của Lục quân cho năm tài chính tiếp theo bao gồm 50 xe bọc thép Stryker với giá 4,5 tỷ baht, pháo 155mm với giá 2 tỷ baht, pháo 105mm với giá 900 triệu baht, máy bay trị giá 1,3 tỷ baht và xe tăng VT-4 với giá ghi trên nhãn mác là 1,6 tỷ baht.

Không quân có kế hoạch mua 12 máy bay huấn luyện trị giá 5,2 tỷ baht và 2 máy bay phản lực huấn luyện T-50 trị giá 2,4 tỷ baht.

Trong khi đó, kết quả thăm dò dư luận do Đại học Suan Dusit Rajabhat thực hiện và công bố ngày 30/8 cho thấy nguyên nhân lớn nhất khiến người dân Thái Lan lo lắng là xung đột chính trị đang tiếp diễn và kế hoạch mua hai tàu ngầm.

Cuộc thăm dò được thực hiện trực tuyến vào ngày 25-28/8 đối với 1.727 người trên khắp đất nước để đánh giá những quan tâm của họ về điều kiện "chính trị, kinh tế và xã hội" hiện tại.

Người trả lời được phép chọn nhiều hơn một câu trả lời cho mọi câu hỏi.

Về "các điều kiện chính trị," 75% số người được hỏi cho biết họ lo ngại về những xung đột chính trị đang diễn ra; 66,24% cho biết họ lo ngại về việc mua tàu ngầm; 59,81% lo ngại về sự đe dọa người dân; 58,89% lo ngại về cuộc biểu tình chính trị; và 54,37% quan ngại về sửa đổi Hiến pháp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục