Tranh cãi về lệnh đóng cửa phố đèn đỏ lớn nhất ASEAN

Thị trưởng Surabaya thuộc Indonesia Tri Rismaharini đã trở nên nổi tiếng trên báo chí trong nước và quốc tế khi đưa ra quyết định đóng cửa Dolly, phố đèn đỏ lớn nhất Đông Nam Á.
Tranh cãi về lệnh đóng cửa phố đèn đỏ lớn nhất ASEAN ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: bradenton.com)

Thị trưởng thành phố Surabaya, Indonesia Tri Rismaharini, thường được biết đến là Risma, đã trở nên nổi tiếng trên báo chí trong nước và quốc tế khi đưa ra quyết định đóng cửa Dolly, phố đèn đỏ lớn nhất Đông Nam Á.

Quyết định đóng cửa Dolly cho đến nay vẫn là chủ đề được đề cập khá nhiều tại Indonesia, chủ yếu xoay quanh các tác động của nó đối với các cư dân sinh sống dựa vào ngành công nghiệp tình dục và những đợt di cư mới tới các khu vực khác trên đất nước quần đảo rộng lớn này.

Xung quanh vấn đề này, báo Bưu điện Jakarta số ra mới đây có bài “Khả năng Dolly tái định cư tại đảo du lịch thiên đường Bali” của Rita A.Widiadana thuộc Mạng lưới báo chí phụ nữ châu Á-Thái Bình Dương, Chương trình Hợp tác chung Liên hợp quốc chống HIV/AIDS (UNAIDS).

Vietnam+ xin giới thiệu bài viết này:

Bà Risma có lý do cao cả để đóng cửa địa điểm nổi tiếng này - “vì sự tiến bộ” của nhân dân thủ phủ tỉnh Đông Java. Tuy nhiên, bà Thị trưởng cũng đã nhận thức rõ rằng các cư dân Dolly không phải là những cư dân bình thường.

Tọa lạc trên khu đất trước kia là khu nghĩa trang của người Trung Quốc, trong những năm qua Dolly đã trở thành nhà và địa điểm kinh doanh cho 1.187 gái mại dâm và 311 chủ chứa (số liệu chính thức của Sở các vấn đề xã hội Surabaya).

Báo cáo không chính thức cho thấy không dưới 9.000 người, bao gồm những người kinh doanh nhà nghỉ, quán càphê, karaoke, massage, các cửa hàng cung ứng thực phẩm… tham gia hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp vào ngành công nghiệp tình dục đem lại nhiều tỷ rupiah tại Dolly.

"Thượng đế" đến Dolly rất đa dạng, phần lớn là khách du lịch trong nước (Jakarta, Bali, Batam, Singapore), quốc tế (Malaysia, Nhật Bản, Đài Loan) và thậm chí từ các nước Trung Đông.

Kiểm soát chặt chẽ ngành công nghiệp tình dục đang phát triển trên cả nước, bao gồm Dolly, là nhiệm vụ không đơn giản như giải pháp chữa cháy trợ cấp tiền cho những người bị ảnh hưởng của chính quyền Surabaya vừa qua.

Kế hoạch đóng cửa khu đèn đỏ đòi hỏi phải tính toán kỹ, có sự chuẩn bị từng bước một, không nên đánh giá kế hoạch "hoán cải" gái mại dâm, đưa họ trở lại xã hội như một chương trình qua đêm.

Hợp tác với các chuyên gia pháp lý, giới tính, y tế, nhân khẩu học, văn hóa cùng với hoạt động thực thi pháp luật rất quan trọng trong quá trình đóng cửa Dolly, chuẩn bị cho các “cư dân đặc biệt” này về thể chất, tinh thần và tâm lý trước những thay đổi đang chờ đón họ.

Risma dường như hiểu rằng trong xã hội gia trưởng này, người bán dâm là một trong những nhóm dễ bị tổn thương nhất, bị hiểu lầm, thiệt thòi và phải sống làm việc trong sự sợ hãi kể cả tại "vùng an toàn" như Dolly.

Ma túy, buôn người với các hoạt động phạm pháp khác của các băng đảng tội phạm có tổ chức đã trở thành cố hữu tại Dolly.

Nếu không có sự chuẩn bị đầy đủ, vận động liên tục và tất nhiên cả pháp luật, không thể mong đợi người bán dâm và chủ chứa ở Dolly rời khỏi khu phố đèn đỏ với số tiền bồi thường chỉ 5 triệu rupiah (417 USD)/người, sẵn sàng tìm việc làm mới, sống trong xã hội thường xuyên phán xét.

Việc hình sự hóa các lao động tình dục gây ra sự kỳ thị, phân biệt đối xử đã gần như gạt họ ra bên lề cuộc sống, từ kinh tế, luật pháp, văn hóa xã hội đến tôn giáo khiến các cư dân này khó có "cuộc sống bình thường" khi trở về xã hội sau khi rời khỏi Dolly. Có rất nhiều bằng chứng tình trạng bạo lực đối với người bán dâm, người được xem là kẻ có tội.

Phần lớn các lao động tình dục Dolly phải đối mặt với sự quấy rối công cộng và các hình thức lạm dụng về thể chất và tinh thần khi họ tham gia vào cộng đồng mới và nơi làm việc mới.

Một số can đảm, sức chịu đựng tốt có thể tồn tại trong một không gian sống mới đầy thù địch, nhưng các lao động tình dục khác, những người thiếu những đặc điểm này có thể sẽ quay trở lại nghề cũ.

Đóng cửa Dolly cũng có khả năng gây ra các vấn đề đối với các khu vực lân cận ở Đông Java tới Bali, Jakarta, Batam, Balikpapan và khu vực xa như Papua. Có thể xảy ra cuộc di cư lớn của các “cựu cư dân” Dolly, gây ra mối quan tâm lớn đối với chính quyền địa phương cũng như các nhà hoạt động y tế, đặc biệt là tại Bali, nơi được coi là "miền đất hứa" và điểm đến hoàn hảo cho du lịch tình dục.

Trước tình hình này, Thống đốc Bali Made Mangku Pastika đã chỉ thị cấp dưới sử dụng mọi nguồn lực sẵn có để đối phó với bất kỳ sự di cư nào có thể từ Dolly.

Bali hiện có khoảng 8.100 người sống chung với HIV, trung bình có 100 trường hợp nhiễm HIV mới mỗi tháng (50% trong số đó là phụ nữ). Gái mại dâm từ Dolly nếu dạt về đây sẽ là một gánh nặng cho hòn đảo nghỉ mát nhỏ bé này.

Lao động tình dục Dolly có nền tảng học vấn khác nhau khiến mức độ di cư sẽ khác nhau, gái mại dâm ít học, luống tuổi có thể chọn bãi đáp là các thị trấn ven biển Đông Java, từ Tuban, Probolinggo đến Banyuwangi hay các khu vực giàu có như Badung.

Bằng việc sử dụng điện thoại di động, email, Facebook và các mạng xã hội khác, gái mại dâm Dolly có học vấn hơn, trẻ hơn, có thể dễ dàng tham gia vào hoạt động du lịch tình dục quốc tế tại các điểm du lịch cao cấp của Bali như Kuta, Nusa Dua, Sanur và Jimbaran.

Cư dân cũ của Dolly sẽ khiến gái mại dâm được đăng ký ở Bali lên đến 3.000 người. Theo dữ liệu mới nhất cho thấy rằng 20% trong số gái mại dâm đăng ký bị nhiễm HIV.

Ông Nyoman Mangku Karmaya, giáo sư y khoa, công tác tại Ủy ban Phòng chống HIV/AIDS Bali (KPA), cho rằng gái mại dâm ở Bali là những người dễ bị lây nhiễm HIV/AIDS nhất ở Indonesia.

Tại Bali, có khoảng 100.000 người trả tiền cho quan hệ tình dục mỗi năm, trong đó 64% khách hàng là nam giới đã lập gia đình, một số người chắc chắn bị nhiễm HIV hoặc nhiễm trùng qua đường tình dục và truyền lại cho vợ.

Tác giả bài báo kết luận rằng tất cả các bên liên quan tại Bali đang đề cao cảnh giác trước dự đoán đợt “di cư” của các cư dân Dolly. Người Bali vốn nổi tiếng về tính cách cởi mở và khoan dung, thậm chí học giả Hà Lan Henk Schulte Nordholt còn miêu tả Bali là "một pháo đài mở." Tuy nhiên, trong việc đối phó với vấn đề này, Bali có thể không được khoan dung như vậy và họ có thể bảo vệ pháo đài của họ trong vùng an toàn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục