Tranh cãi về những ảnh hưởng không tốt của dòng thời trang bình dân

Những sản phẩm thời trang "ăn liền" thường có độ bền không cao, và sẽ nhanh chóng được chở đến bãi rác thay vì tới các xưởng tái chế, gây ảnh hưởng đến môi trường.
Tranh cãi về những ảnh hưởng không tốt của dòng thời trang bình dân ảnh 1Quần áo cũ bị vứt bỏ. (Nguồn: JustStyle/Getty Images)

A Coruma, một thành phố bên bờ Đại Tây Dương thuộc Tây Ban Nha, là nơi đang tồn tại hai mô hình kinh doanh đối lập trong ngành thời trang, vốn từ lâu đã là tâm điểm của những tranh cãi về việc phát triển bền vững hay chạy theo doanh số quan trọng hơn.

Inditex, đặt trụ sở tại A Coruna, là công ty sở hữu thương hiệu thời trang Zara, nhà bán lẻ thời trang với các sản phẩm sao chép các xu hướng sàn catwalk và các thiết kế thời trang cao cấp lớn nhất thế giới.

Zara luôn được ưa chuộng với những sản phẩm giá rẻ "na ná" những thương hiệu thời trang lớn. Do đó, doanh thu mà những sản phẩm này mang lại cho Inditex lên tới 28 tỷ euro (30 tỷ USD) hàng năm.

Thậm chí, Zara còn "lấn lướt" cả những cửa hàng nhỏ bày bán những sản phẩm thời trang chất lượng cao tại thành phố này.

Tuy nhiên, việc sản xuất hàng loạt của Inditex lại mang lại một vấn đề khác, sự lãng phí và ảnh hưởng tới môi trường.

Giá rẻ và mẫu mã đẹp khiến người tiêu dùng không tiếc tay mua những sản phẩm của Zara, dù chỉ sử dụng trong một thời gian ngắn do chất lượng trung bình và do hãng này liên tục đưa ra những sản phẩm mới hấp dẫn hơn,

Vào năm 2021, Inditex đã đưa ra thị trường 565.027 tấn trang phục, nhiều hơn so với 528.797 tấn vào năm 2018. Con số này có thể con tiếp tục tăng trong năm 2022 sau khi hãng này công bố báo cáo thường niên trong tháng tới.

EU công bố số liệu cho thấy khoảng 5,8 triệu tấn sản phẩm dệt may bị vứt bỏ mỗi năm tại khối này, tương đương 11 kg/người. Trung bình cứ mỗi giây lại có một xe tải sản phẩm dệt may được đổ bỏ trên thế giới.

Kinh doanh quần áo cũ là một ngành nghề khá phổ biến. Tuy nhiên, quần áo phải đảm bảo chất lượng trước khi được tái chế hoặc làm mới để bán lại.

Những sản phẩm thời trang "ăn liền" thường có độ bền không cao, và sẽ nhanh chóng được chở đến bãi rác thay vì tới các xưởng tái chế. Một số cửa hàng kinh doanh quần áo cũ thậm chí còn từ chối sản phẩm của các hãng bình dân như Zara, H&M, F21... bởi chất lượng kém, giá trị hàng hóa thấp.

Nhận thức được vấn đề này, một số hãng thời trang như H&M cho phép khách hàng mang chính sản phẩm H&M cũ đến để đổi lấy những voucher giảm giá khi mua hàng. Những sản phẩm này sẽ được chính H&M tái chế lại để tránh cho quần áo phải đi tới bãi rác.

Hoạt động sản xuất hàng loạt của Inditex thậm chí còn dẫn tới việc Liên minh châu Âu (EU) trong năm ngoái đã phải cam kết hạn chế tình trạng sản xuất quá mức và tiêu thụ quá mức quần áo. Khối này đặt mục tiêu đến năm 2030 quần áo bán ra tại đây phải bền và có thể tái chế.

Cao ủy EU về Môi trường, Đại dương và Nghề cá của EU, Virginijus Sinkevičius, cho biết khối này sẽ công bố các đề xuất có ý nghĩa nhất đối với ngành thời trang vào cuối tháng 3/2023.

Ủy ban châu Âu muốn đảm bảo rằng các công ty chỉ sản xuất số lượng sản phẩm cần thiết để phát triển bền vững.

Cho đến nay, Inditex vẫn chưa có dấu hiệu giảm tốc. Nhưng hãng này đã bắt đầu điều chỉnh một số quy trình nhằm giảm tác động đến môi trường./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục