Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, giải thưởng Người hùng Đa dạng sinh học ASEAN năm 2022 vừa được trao cho 9 cá nhân có những nỗ lực và đóng góp tích cực, tạo nên ảnh hưởng lớn trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Được ra mắt lần đầu tiên vào năm 2017, giải thưởng Người hùng Đa dạng sinh học ASEAN là chương trình hàng đầu của hiệp hội, nhằm giới thiệu những hành động có tầm ảnh hưởng lớn của các nhà hoạt động vì môi trường, đồng thời truyền cảm hứng cho cộng đồng trong sự nghiệp bảo vệ đa dạng sinh học.
[Hội nghị cấp cao ASEAN 40, 41: Cùng hành động ứng phó các thách thức]
Những cá nhân nhận được giải thưởng này năm nay có bà Liaw Lin Ji - nhà sáng lập Hiệp hội Đa dạng sinh học và lịch sử tự nhiên (BruWILD) kiêm Giám đốc công ty tư vấn DHI Water & Environment tại Brunei; ông Chak Sokhavicheaboth - Phó Cục trưởng Cục Đa dạng sinh học thuộc Bộ Môi trường Campuchia; Tiến sỹ Anhar Lubis - điều phối viên Nhóm cứu hộ động vật hoang dã và bác sỹ thú y Leuser thuộc Diễn đàn bảo tồn Leuser của Indonesia; ông Khamphay Xayyalad - Giám đốc Khu bảo tồn nai cà tông của Lào; ông Ibrahim Bin Komoo - Giáo sư danh dự trường Đại học Kebangsaan Malaysia; ông Nay Win Swe thuộc Khu bảo tồn động vật hoang dã hồ Inlay ở Myanmar; Thượng nghị sỹ Loren Legarda - Chủ tịch Thượng viện lâm thời Philippines; ông Chou Loke Ming - Giáo sư danh dự thuộc Khoa Khoa học sinh học, Đại học Quốc gia Singapore; và bà Suchana Chavanich - Giáo sư Đại học Chulalongkorn của Thái Lan.
Những người đoạt giải được lựa chọn dựa trên những đóng góp của họ cho các nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học và tác động của những đóng góp này đối với công cuộc bảo tồn đa dạng sinh học ở các quốc gia và khu vực tương ứng, khả năng nhân rộng hành động và sự công nhận dành cho họ ở nơi sinh sống.
Mỗi giải bao gồm 5.000 euro (tương đương 5.009 USD) tiền mặt, cúp và giấy chứng nhận.
Được tổ chức tại Bogor (Indonesia), lễ trao giải Người hùng Đa dạng sinh học ASEAN năm 2022 là một trong những điểm nhấn của Hội nghị các công viên di sản ASEAN lần thứ 7, do Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN (ACB) phối hợp với Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia tổ chức.
Kể từ khi ra đời, giải thưởng này đã được Liên minh châu Âu (EU) hỗ trợ thông qua Dự án Bảo tồn và quản lý đa dạng sinh học tại các khu bảo tồn ở ASEAN.
Ngoài ra, năm nay ASEAN cũng hợp tác với tập đoàn MPIC của Philippines để tổ chức giải thưởng này./.