Trẻ em trai là nhân tố thay đổi phân biệt đối xử giới

Các nghiên cứu chỉ ra rằng chấm dứt bạo lực phụ nữ và trẻ em gái không thể thành công nếu thiếu sự tham gia của nam giới và trẻ em trai.
Sáng ngày 17/12, Liên hợp quốc tại Việt Nam đã tổ chức hội thảo công bố Ba nghiên cứu về mối quan hệ giữa nam tính, phân biệt đối xử giới và bạo lực trên cơ sở giới tại Việt Nam.

Ba nghiên cứu được công bố gồm: Nghiên cứu về thái độ của trẻ em trai và trẻ em gái đối xử với giới, nam tính và bạo lực giới tại bốn tỉnh của Việt Nam; khảo sát về giới, nam tính và sự ưa thích con trai ở Việt Nam và nghiên cứu định tính về nam tính và bạo lực giới.

Nghiên cứu về thái độ của trẻ em trai và trẻ em gái đối xử với giới, nam tính và bạo lực giới  đã điều tra học sinh nam và nữ của các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Quảng Nam.

Nghiên cứu cho thấy nam giới được kỳ vọng có các ngoại hình nam tính, phẩm chất quyết đoán, tự tin và không bao giờ làm các công việc của phụ nữ như nội trợ và chăm sóc trẻ. Khi bàn về phẩm chất và hành vi được trông đợi đối với nam giới, đa số học sinh vẫn ủng hộ các khuôn mẫu đàn ông như những người quyết đoán, cứng rắn, mạnh mẽ và thậm chí vũ lực.

Khảo sát về giới, nam tính và sự ưa thích con trai ở Việt Nam ở Hưng Yên và Cần Thơ lại cho thấy về thái độ bạo lực đối với phụ nữ. Theo đó, 26% nam giới tán thành rằng phụ nữ đáng bị đánh và 90% nam giới nhất trí rằng đàn ông phải cứng rắn. Hình thức phổ biến nhất của bạo lực ở Việt Nam là bạo lực tinh thần và bạo lực thể chất.

Mặt khác, nghiên cứu định tính về nam tính và bạo lực giới cho thấy bạo lực hoàn toàn không được xã hội Việt Nam chấp nhận mặc dù quyền hành của nam giới đối với vợ vẫn được thừa nhận rộng rãi.

Phát biểu tại hội thảo, bà Trần Ánh Tuyết, Vụ trưởng Vụ Gia đình Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch cho rằng các nghiên cứu trên giúp hiểu rõ nguyên nhân của phân biệt đối xử giới và làm thế nào để chấm dứt bạo lực trước khi nó xảy ra. Các nghiên cứu khẳng định rằng chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái sẽ không thể thành công nếu thiếu sự tham gia của nam giới và trẻ em trai.

Bà Mandeep K. O’Nrien, quyền trưởng đại diện UNFPA ở Việt Nam cũng nhấn mạnh: “Nam giới đóng vai trò thiết yếu trong việc chấm dứt bạo lực và bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em gái. Chỉ có phụ nữ không thôi thì không thể chấm dứt được bạo lực giới. Các chiến lược và chương trình phòng chống phấn biệt đối xử giới và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái đều phải có sự tham gia của nam giới và trẻ em trai.”

Các nghiên cứu về nam tính và phân biệt đối xử giới cho thấy để thúc đẩy bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái cần phải có sự tham gia tích cực của nam giới và trẻ em trai với tư cách là tác nhân tạo ra sự thay đổi.

Việt Nam đã có nhiều chương trình can thiệp và sáng kiến thúc đẩy sự tham gia của nam giới và trẻ em trai trong cuộc chống lại bạo lực giới nhưng phạm vi còn nhỏ hẹp, cần hướng tới phạm vi rộng hơn để tại sự thay đổi lâu dài ở Việt Nam./.
Hồng Kiều (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục