Triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để phòng, chống dịch COVID-19

Các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Hậu Giang, Bình Phước, Bến Tre... đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để phòng chống COVID-19, đặc biệt là phòng, chống dịch tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để phòng, chống dịch COVID-19 ảnh 1Người dân thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang ùn ùn đi mua thực phẩm tối 17/7. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Hậu Giang, Bình Phước, Bến Tre... đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để phòng chống dịch COVID-19.

Hậu Giang đảm bảo luân chuyển hàng hóa kịp thời

 Sáng 18/7, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Hậu Giang tổ chức cuộc họp trực tuyến với các địa phương nhằm chuẩn bị triển khai việc thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh đề nghị, Sở Công Thương hướng dẫn cụ thể cho các địa phương về việc cung cấp sản phẩm, hàng hóa, hoạt động của các chợ đầu mối, chợ truyền thống, đảm bảo các chợ được phép hoạt động phải thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông Vận tải đảm bảo hàng hóa được luân chuyển kịp thời.

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quyết định, chịu trách nhiệm trong việc sắp xếp, bố trí cán bộ làm việc tại cơ quan đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao và các quy định về phòng, chống dịch.

Sở Giao thông Vận tải hướng dẫn chặt chẽ, dễ hiểu cho các chốt kiểm soát dịch COVID-19 về “luồng xanh” trên địa bàn tỉnh, đảm bảo không để ùn tắc giao thông, nhận diện xe liên tỉnh, nội tỉnh để quản lý chặt chẽ.

Thông tin về tình hình cung ứng hàng hóa trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 trên địa bàn tỉnh, ông Huỳnh Thanh Phong, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang cho biết sau khi có thông tin các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, đã xảy ra tình trạng "sốt hàng" cục bộ vào chiều, tối ngày 17/7.

Sáng 18/7, tình hình ổn định trở lại nhưng người dân vẫn đi mua hàng hóa để tích trữ. Do đó, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân về tình hình cung ứng hàng hóa, hoạt động của các chợ truyền thống.

Qua kiểm tra vào rạng sáng 18/7, hàng hóa tại các chợ, siêu thị trên địa bàn tỉnh vẫn được cung ứng, bổ sung đầy đủ. Sở đã triển khai kế hoạch chuẩn bị hàng hóa xuống các địa phương theo 3 tình huống và làm việc với siêu thị Co.opmart chuẩn bị 10 điểm bán hàng bình ổn trên địa bàn tỉnh để phục vụ người dân, Giám đốc Sở Công Thương thông tin thêm.

Tính đến 6 giờ, ngày 18/7, tỉnh Hậu Giang có 28 ca COVID-19 được Bộ Y tế công bố.

Bình Phước kêu gọi toàn dân cùng quyết tâm chống dịch

Bắt đầu từ 0 giờ ngày 19/7 toàn tỉnh Bình Phước sẽ thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

“Trong điều kiện vaccine COVID-19 có hạn, chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêm chủng rộng rãi cho nhân dân, thì ngay lúc này đây vaccine tốt nhất, hiệu quả nhất chính là sự đoàn kết, ý thức tự giác, trách nhiệm của mỗi người dân," Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước, bà Trần Tuệ Hiền gửi thư kêu gọi toàn dân cùng quyết tâm chống dịch.

[19 tỉnh, thành phía Nam triển khai '2 mũi giáp công' để chống dịch]

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và các lực lượng vũ trang tiếp tục đoàn kết, thống nhất trong ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả quy định phòng, chống dịch.

Mọi người dân ở nhà, chỉ ra khỏi nhà khi thật sự cần thiết và thực hiện nghiêm 5K; hạn chế tối đa việc ra khỏi tỉnh và trở về tỉnh từ lúc này; hãy bình tĩnh, yên tâm, tin tưởng vào cấp ủy, chính quyền các cấp đang nỗ lực chăm lo cho sự bình an của mỗi gia đình và xã hội.

“Thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ là trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của mỗi người dân, doanh nghiệp. Hãy chấp nhận hy sinh lợi ích trước mắt, vì lợi ích to lớn của cộng đồng xã hội, của tỉnh và đất nước. Việc cung ứng hàng hóa, các mặt hàng thiết yếu sẽ được các cấp chính quyền, cơ quan chức năng điều phối, đảm bảo cung cấp kịp thời, đầy đủ. Với tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy ý chí và nghị lực kiên cường, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng dịch bệnh, tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội, trở lại cuộc sống bình thường mới," bà Trần Tuệ Hiền chia sẻ.

Từ ngày 30/6/2021, khi có ca nhiễm đầu tiên tại địa bàn, đến 10 giờ ngày 18/7, toàn tỉnh Bình Phước đã có 86 ca dương tính phải đi điều trị, hàng chục nghìn lượt F1, F2 phải cách ly và dự báo số ca mắc mới ngày càng tăng lên.

Bến Tre: Đảm bảo tạo điều kiện cho người dân an tâm thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16

Ngày 18/7, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bến Tre tổ chức họp triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để chuẩn bị hiệu quả thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, bắt đầu áp dụng kể từ 0 giờ phút ngày 19/7/2021 trên phạm vi toàn tỉnh Bến Tre.

Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ đề nghị trong tổ chức thực hiện công tác phòng, chống dịch, các cấp, các ngành cần xác định đặt lợi ích chăm lo sức khỏe, tính mạng cho người dân lên trên hết; thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" (làm việc tại chỗ, ăn tại chỗ, ở tại chỗ, phòng, chống dịch tại chỗ).

Cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt và huy động sự tham gia tích cực của người dân từ tỉnh đến huyện, ấp, khu phố; công tác tác xử lý vi phạm phải thật sự nghiêm minh đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm…

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Trần Ngọc Tam nhấn mạnh các nhiệm vụ trước mắt được đặt ra là tiếp tục thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế; thực hiện tốt "4 tại chỗ," lấy cơ sở làm pháo đài trong công tác phòng, chống dịch; thực hiện tốt phương châm quản lý "ngoài chặt, trong cũng chặt."

Triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để phòng, chống dịch COVID-19 ảnh 2Người dân Bến Tre tập trung mua hàng thiết yếu dự trữ trong những ngày giãn cách. (Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN)

Bên cạnh đó, công tác đặc biệt quan trọng và xuyên suốt trong thời gian tới là tuyên truyền nội dung Chỉ thị 16, làm cho toàn dân hiểu, an tâm, tin tưởng chấp hành thực hiện, động viên, khuyến khích bà con thực hiện tốt đợt giãn cách này.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre thống nhất đề xuất số F1 cách ly tại nhà nhiều hơn nếu có đủ điều kiện; tập trung tách F0 nhanh đi điều trị, theo dõi, truy vết F1, F2. Các trường hợp cách ly tại nhà theo dõi chặt chẽ, theo dõi người ngoài tỉnh về.

Ngoài ra, Chủ tịch Trần Ngọc Tam yêu cầu các ngành chức năng, các tiểu ban trong ban chỉ đạo, trong thời gian giãn cách, dừng tất cả các cuộc họp, trừ họp Ban Chỉ đạo, họp tiểu ban và các cuộc họp đột xuất khác; tiểu ban hậu cần nhanh chóng vận hành có phương án để đảm bảo lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho người dân.

Ngành chức năng quan tâm vấn đề tiêu thụ hàng hóa cho người dân; kịp thời phát hàng hóa cứu trợ cho người nghèo, khó khăn; phát huy vai trò đơn vị, doanh nghiệp xung phong bình ổn giá.

Theo thông tin Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, đến 6 giờ sáng 18/7, tỉnh ghi nhận thêm 2 ca dương tính mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn tỉnh là 172 ca.

Bình Dương đưa vào hoạt động bệnh viện dã chiến quy mô 1.500 giường

Ngày 18/7, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương cùng các ngành chuyên môn đã chính thức đưa bệnh viện dã chiến quy mô 1.500 giường đi vào hoạt động (bệnh viện dã chiến số 1 trên đường Hùng Vương, phường Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương).

Bệnh viện dã chiến đặt tại Trung tâm Thương mại Thành phố mới Bình Dương (WTC EXPO) - một trong những trung tâm hội nghị triển lãm lớn nhất Việt Nam được vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế với diện tích lên đến 22.000m2, được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị cao cấp như hệ thống điện, nước, máy nén khí, bãi đậu xe, xử lý rác thải được trang bị hiện đại, đồng thời được thiết kế thuận lợi cho hầu hết mọi hoạt động.

Triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để phòng, chống dịch COVID-19 ảnh 3Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cùng lãnh đạo đi bên trong bệnh viện dã chiến quy mô 1.500 giường được hoàn thành sau 5 ngày triển khai. (Ảnh: Chí Tưởng/TTXVN)

Tổng Giám đốc Công ty Becamex IDC Phạm Ngọc Thuận - đơn vị hỗ trợ xây dựng bệnh viện, cho biết sau 5 ngày thi công, với sự nỗ lực của đội ngũ Becamex IDC, sự chung tay của các lực lượng trong tỉnh, Bệnh viện dã chiến Bình Dương số 1 được hoàn thành với quy mô 1.500 giường.

Bệnh viện được trang bị đầy đủ trang thiết bị y tế, ứng dụng hệ thống phần mềm quản lý đầy đủ như một bệnh viện thông thường với hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện, hệ thống trình ký văn phòng, website bệnh viện, hệ thống camera quan sát, nhằm tạo điều kiện cho việc xây dựng quy trình và vận hành bệnh viện một cách an toàn, chuyên nghiệp.

Đặc biệt, các mẫu xét nghiệm, chụp X-quang sẽ được chuyển đến hệ thống Bệnh viện quốc tế Becamex, được đội ngũ y bác sỹ phân tích kết quả và được số hóa, truyền về Bệnh viện dã chiến Bình Dương số 1, nhanh chóng, chính xác để phục vụ cho công tác điều trị.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh, cho biết trong những ngày gần đây, dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh có những diễn biến phức tạp, số ca dương tính trong cộng đồng tăng cao, ca bệnh đã xuất hiện ở 9/9 huyện, thị, thành phố và tại nhiều khu, cụm công nghiệp trong toàn tỉnh.

Thời gian qua, cả hệ thống chính trị của tỉnh đã cố gắng nỗ lực, thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp để ngăn chặn đợt bùng phát nhưng dự báo dịch còn diễn biến khó lường trong thời gian tới.

Trước tình hình đó, tỉnh đang khẩn trương triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, trong đó nâng cao năng lực cơ sở thu dung cách ly, điều trị với việc thành lập thêm các bệnh viện dã chiến có quy mô lớn, đáp ứng đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị để tăng cường năng lực điều trị, kịp thời ứng phó với tình huống có nhiều ca nhiễm bệnh.

Đồng Nai đề nghị bổ sung vaccine phòng COVID-19 cho người lao động

Ngày 18/7, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng đã ký Văn bản số 8261/UBND-KGVX về việc khẩn thiết đề nghị Bộ Y tế bổ sung vaccine phòng COVID-19.

Tỉnh Đồng Nai đã bắt đầu thực hiện giãn cách toàn xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong 15 ngày kể từ 00 giờ ngày 9/7/2021. Tỉnh đã thiết lập hơn 60 vùng cách ly y tế (phong tỏa) với 82.609 hộ và hơn 362.600 nhân khẩu.

Tỉnh tiến hành điều tra truy vết thần tốc các trường hợp F0 phát hiện qua khám sàn lọc tại các cơ sở y tế, quá xét nghiệm tầm soát diện rộng và tiến hành cách ly, khoanh vùng, xử lý các ổ dịch theo quy định.

Hiện, Đồng Nai đang cách ly điều trị 1.007 ca COVID-19, cách ly tập trung 2.902 người, cách ly tại nhà  8.436 người, theo dõi sức khỏe tại nhà 1.349 người. Tỉnh đang tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch tại các địa phương, đặc biệt là phòng, chống dịch tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong và ngoài khu công nghiệp.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, mặc dù tỉnh Đồng Nai đã tích cực triển khai công tác phòng, chống dịch nhưng với biến chủng Delta siêu lây nhiễm, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp với nhiều ổ dịch tại nhiều địa phương.

Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều ổ dịch lớn tại các chợ dân sinh, khu nhà trọ công nhân và một số công ty thuộc các Khu công nghiệp như Khu công nghiệp Long Bình, Sông Mây, Long Thành, Lộc An-Bình Sơn, Nhơn Trạch 2.

Một số doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp quy mô lớn với số công nhân lao động từ 10.000 đến 30.000 người như Công ty Pouchen, Công ty Changshin đã phát hiện nhiều ca mắc COVID-19.

Chỉ trong một tuần, từ ngày 10-17/7, toàn tỉnh đã có 379 ca mắc mới được Bộ Y tế công bố. Nguy cơ dịch bùng phát, lây lan rộng trong các khu nhà trọ công nhân, các cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh là rất cao.

Tỉnh Đồng Nai đã được Bộ Y tế quyết định phân bổ 226.520 liều vaccine trong 2 đợt gần đây. Tuy nhiên, số vaccine này vẫn chưa đủ tiêm cho các đối tượng ưu tiên và miễn phí theo quy định tại Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ. Đồng Nai hiện có trên 400.000 người thuộc nhóm đối tượng ưu tiên. Trong khi đó, gần 1,2 triệu lao động đang làm việc tại các cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài các khu công nghiệp đang bị đe dọa bởi dịch COVID-19 chưa có vaccine để tiêm phòng.

Với mong muốn có thêm vaccine để tiêm cho người lao động trong các cơ sở sản xuất kinh doanh  trong và ngoài các khu công nghiệp, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng khẩn thiết đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét, tạo điều kiện giúp đỡ, cấp bổ sung vaccine phòng COVID-19 cho tỉnh Đồng Nai để tiêm cho người lao động nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục