Bốn năm trước, trong kỳ Olympic được tổ chức ngay tại sân nhà Bắc Kinh, Trung Quốc đã giành ngôi nhất toàn đoàn với 51 huy chương vàng. Song tại Olympic London 2012, đất nước đông dân nhất thế giới này đã bị tụt lại phía sau Mỹ trên bảng tổng sắp huy chương chung cuộc với 38 huy chương vàng. Tuy nhiên, trong một diễn biến bất ngờ, trưởng đoàn thể thao Trung Quốc Liu Peng đã không đề cao tầm quan trọng của việc giành huy chương mà nhấn mạnh về “tinh thần Olympic.” Ông Liu Peng cho biết kết quả cuối cùng là “đáng hài lòng” đồng thời ngợi ca những vận động viên Trung Quốc đã không đạt được huy chương bởi họ đã thể hiện tinh thần thi đấu cao thượng của Olympic và thể thao: “Điều đó cũng vinh quang tương tự như đoạt huy chương vàng vậy.” Thành công của Trung Quốc về thể thao là điều không phải bàn cãi, song đã có nhiều chỉ trích từ dư luận nước này cũng như cộng đồng quốc tế về những câu chuyện đằng sau tấm huy chương. Nhà vô địch nhảy cầu Wu Mingxia đã không được gia đình thông báo về cái chết của ông bà cô cũng như việc mẹ cô đang phải chống chọi với căn bệnh ung thư - tất cả chỉ vì lo sợ vận động viên tài năng này sẽ xao nhãng luyện tập và ảnh hưởng về tâm lý. Liu Xiang, niềm hy vọng vàng của điền kinh Trung Quốc song đã thất bại ngay từ vòng loại 110m do chấn thương được cho là hậu quả của việc tập luyện quá sức.
Liu Xiang gây thất vọng. (Nguồn: AFP)
Ông Liu Peng thừa nhận rằng Trung Quốc có thể học hỏi việc đào tạo thể thao từ các nước khác: “Chúng tôi cần phải học hỏi thêm về quản lý cũng như tập luyện, cũng như phát triển thêm về khía cạnh khoa học.” “Chúng tôi cần tiếp tục thể hiện tinh thần thể thao của Thế vận hội để biến Olympic thành một sự kiện của cả quốc gia, làm mạnh mẽ hơn sức khỏe của toàn dân Trung Quốc.” Trung Quốc đã thống trị ở môn cầu lông và bóng bàn, đoạt hầu hết huy chương ở môn nhảy cầu, trong khi các vận động viên cử tạ của họ cũng có 5 lần đứng lên bục vinh quang. Song những đột phá trong các môn bơi lội, chèo thuyền và đi bộ đã cho thấy Trung Quốc đang dần mở rộng các thế mạnh thể thao truyền thống. Một thế hệ nhà vô địch mới cũng đã được sản sinh, khi Trung Quốc có tới 23 người lần đầu đoạt huy chương vàng tại Olympic lần này. “Chúng tôi đang cố gắng trở thành một cường quốc về thể thao. Chúng tôi đã có những thành tựu lớn về phát triển thể thao ở Trung Quốc,” ông Liu nhận định. Tuy nhiên không phải không có vết gợn trong thành tích của Trung Quốc tại Olympic 2012, khi hai tuyển thủ cầu lông nữ Yu Yang và Wang Xioli của nước này đã bị loại do cố tình thua trận đấu cuối vòng bảng để đảm bảo một đối thủ dễ thở ở tứ kết. Ông Liu tỏ ra nghiêm khắc: “Chúng tôi đã chỉ trích việc trên rất gay gắt, và cho tất cả các vận động viên biết rằng đây chính là lời cảnh cáo.” Trung Quốc chỉ giành được 2 huy chương ở môn thế mạnh bắn súng, còn thể dục dụng cụ đã chứng kiến một bước lùi lớn khi tụt từ 7 huy chương vàng ở Bắc Kinh 2008 xuống còn chỉ 3 chiếc tại London 2012. Song hai niềm tự hào lớn của Trung Quốc lần này phải kể đến những kình ngư Sun Yang và Ye Shiwen, khi họ đã đoạt hai huy chương vàng (tổng cộng 5 huy chương cho đoàn Trung Quốc) và hai kỷ lục thế giới.
Kình ngư 16 tuổi, Ye Shiwen. (Nguồn: AFP)
Ye Shiwen năm nay mới chỉ 16 tuổi, song màn bơi thần tốc ở cự ly 400m của cô đã làm sững sờ mọi khán giả tại nhà thi đấu Aquatics. Chính vì quá xuất sắc mà Ye đã phải chịu sự nghi ngờ của những nước phương Tây. Tờ Nhật Báo Nhân Dân viết rằng: “Những nhà báo phương Tây đã thể hiện thái độ kiêu ngạo và đầy định kiến với các vận động viên Trung Quốc.” Ông Liu thì nhận xét rằng các vận động viên quê nhà đã phải trải qua nhiều nỗi đau, song họ luôn thể hiện tinh thần fair-play một cách cao nhất: “Khi họ thắng họ không tỏ ra quá tự hào, và khi thua họ cũng không quá thất vọng.” “Họ tuân thủ đúng luật, tôn trọng người xem và trọng tài. Họ đến từ một đất nước văn minh, lịch sự và tràn đầy quyết tâm.”/.
Quốc Thịnh (Vietnam+)