Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kết lại Hội nghị thượng đỉnh G20 đầu tiên của quốc gia này bằng lời kêu gọi hàng nghìn nhà báo nước ngoài tới miền Đông Trung Quốc để đưa tin về sự kiện này hãy giành một vị trí đặc biệt trong trái tim họ cho thành phố chủ nhà.
Trong những ngày gần đây, các nhà báo nước ngoài đã không khỏi ngạc nhiên và hoang mang trước cách các nhà quản lý Trung Quốc biến một đô thị nhộn nhịp với 6 triệu dân trở thành một "thị trấn ma" để đảm bảo không có rắc rối nào trong thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh.
Hơn 1/3 dân số Hàng Châu được cho là đã được "thuyết phục" để rời khỏi thành phố như một phần của cái mà các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc gọi là "cuộc di cư lớn," trong đó các nhà chức trách đã tiến hành lệnh cấm xe hơi lưu thông trên đường phố và tuyên bố tổ chức kỳ nghỉ lễ kéo dài bảy ngày.
Hàng nghìn cư dân đã được lệnh rời khỏi các khu căn hộ cao tầng bao quanh trung tâm hội nghị nơi tập trung các nhà lãnh đạo thế giới nhằm ngăn chặn tấn công từ trên cao.
Những người có bất đồng chính kiến đã bị quản thúc tại gia hoặc bị lực lượng an ninh buộc phải rời khỏi thành phố.
Thậm chí đã có những khu dân cư bị bỏ hoang hoàn toàn sau khi những công nhân nhập cư bị đẩy ra khỏi thành phố khi các nhà máy và công trường nơi họ làm việc được lệnh phải đóng cửa trong nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm.
Các nhà báo nước ngoài đã dành nhiều ngày trên những con phố trống trải và có phần rờn rợn của Hàng Châu với nhiệm vụ tìm kiếm người trả lời phỏng vấn mà không thu được nhiều kết quả.
Wu Yuhua, một chủ cửa hàng 43 tuổi cho biết anh đã quyết định rời bỏ thành phố sau khi các khách hàng của anh, trong đó phần lớn là các công nhân nhập cư, dừng tìm tới cửa hàng của anh trong những ngày trước thềm G20. "Chẳng có hoạt động kinh doanh nào," anh phàn nàn. "Nhưng tôi vẫn phải trả tiền thuê nhà."
Li Yindeng, một chủ nhà hàng mỳ nói với tờ New York Times rằng chị đã nhận được lệnh đóng cửa hàng. "Họ nói với chúng tôi rằng đây là dịp có một không hai và nếu có bất cứ điều gì xảy ra khi Obama đang ở đây, thì các quan chức có thể sẽ bị sa thải, do đó họ nói với tôi rằng "Xin hãy đóng cửa."
Buộc dân chúng rời khỏi thành phố không phải là chiến thuật duy nhất được sử dụng để đảm bảo cho lần tổ chức hội nghị thượng đỉnh G20 đầu tiên của Trung Quốc diễn ra suôn sẻ. Đối với Bắc Kinh, G20 là một cơ hội để Trung Quốc củng cố vị thế của mình với tư cách một cường quốc.
Một chiến dịch an ninh lớn cũng đã được triển khai, trong đó các lực lượng vũ trang đặc biệt đã được phân công bảo vệ các lối vào thành phố, còn các đội cảnh sát đặc biệt được bố trí tại các nút giao thông trong thành phố.
Khoảng 760.000 tình nguyện viên nhân dân - trong đó có rất nhiều người cao tuổi đeo băng tay màu đỏ - đã được triển khai để theo dõi tình hình trong thành phố.
Thậm chí ở Bắc Kinh - thành phố cách Hàng Châu 1.200km về phía Bắc, cũng có thể bắt gặp các nhóm "tình nguyện viên an ninh" cao tuổi tại các nhà chờ xe buýt hay dưới các tán cây. Kể từ khi các nhà lãnh đạo thế giới bắt đầu tụ hội tại Trung Quốc vào tuần trước, họ đã dành thời gian rỗi vừa tán gẫu với bạn bè và người thân, vừa giám sát tình hình an ninh để phát hiện các phần tử khủng bố và gián điệp.
Vào tối 5/9, ông Tập Cận Bình đã đưa ra tuyên bố về thành công vang dội nhờ những nỗ lực khổng lồ của chính quyền Trung Quốc.
"Các bạn đã ghi lại những khoảnh khắc hào hứng của G20 được tổ chức tại Trung Quốc," ông Tập phát biểu trước các phóng viên có mặt tại siêu đô thị vắng vẻ này. "Các bạn đã truyền đạt tới thế giới về thành công của hội nghị thượng đỉnh... [và] chính nỗ lực của các bạn đã giúp Trung Quốc để lại dấu ấn trong G20 lần này."
Sau những lời phát biểu này, các phóng viên nước ngoài vẫn chưa hết bối rối và khó hiểu trước những gì họ đã chứng kiến tại Hàng Châu./.