Trung Quốc đẩy cải cách cơ chế tỉ giá nhân dân tệ

Ngân hàng Trung Quốc thúc đẩy hơn việc cải cách cơ chế tỉ giá hối đoái đồng NDT nhằm tăng tính linh hoạt về tỉ giá đồng tiền này.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc ngày 19/6 tuyên bố sẽ thúc đẩy hơn nữa cải cách cơ chế tỉ giá hối đoái của đồng Nhân dân tệ nhằm tăng tính linh hoạt về tỉ giá đồng tiền này.

Theo người phát ngôn ngân hàng trên, quyết định này được đưa ra trên cơ sở đánh giá tình hình kinh tế hiện tại và những diễn biến trên thị trường tài chính trong và ngoài nước, cũng như tính tới cán cân thanh toán tại Trung Quốc.

Trong quá trình thúc đẩy cải cách cơ chế tỉ giá đồng Nhân dân tệ, ngân hàng trung ương Trung Quốc tiếp tục chú trọng quan hệ giữa cung và cầu của thị trường.

Ngân hàng này sẽ giám sát thả nổi tỉ giá trong phạm vi đã được công bố trước đây đối với thị trường ngoại hối liên ngân hàng.

Người phát ngôn ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng nhấn mạnh sự ổn định tỉ giá đồng Nhân dân tệ đã đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tác động của khủng hoảng tài chính, góp phần đáng kể vào sự hồi phục kinh tế châu Á và thế giới, cũng như thể hiện nỗ lực của Trung Quốc trong việc tái cân bằng toàn cầu.

Trong khi đó, Ủy ban quản lý chứng khoán Trung Quốc (CSRC) ngày 18/6 cho biết Trung Quốc đã trở thành thị trường chứng khoán lớn thứ ba thế giới, với tổng giá trị của thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến đạt 20,96 nghìn tỉ Nhân dân tệ (tương đương 3,07 nghìn tỉ USD) vào cuối tháng Năm.

Theo CSRC, tổng giá trị thị trường chứng khoán nói trên đã tăng 393,76% so với năm 2003.

Cùng ngày, tại hội thảo tài chính và đầu tư ở Thượng Hải, ông Hạ Bân - một nhà kinh tế nổi tiếng của Trung Quốc đồng thời là thành viên Ủy ban chính sách tiền tệ của Ngân hàng trung ương Trung Quốc cho biết, kinh tế Trung Quốc có thể sẽ tăng trưởng chậm lại trong nửa cuối năm nay, sau khi đạt mức tăng trưởng 11,9% trong quý I.

Theo ông Hạ Bân, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong nửa cuối năm có thể giảm từ 2-3% so với quý I.

Các yếu tố chủ yếu tác động đến sự phát triển kinh tế Trung Quốc là sự quản lý vĩ mô trong lĩnh vực bất động sản, quản lí rủi ro tín dụng đối với các khoản cho vay thực hiện các dự án ở các địa phương, việc thắt chặt cho vay đối với các ngành có sản lượng quá dư thừa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục