Trung Quốc phát hiện hệ thống trị thủy cách đây 5.100 năm

Theo các nhà khảo cổ học, nằm ở phía Đông Bắc của quần thể Di chỉ, đập nước Hùng Gia Lĩnh bao gồm các yếu tố cấu thành như đập ngăn nước, khu vực chứa nước, khu vực tưới tiêu và đường xả lũ.

Ảnh minh họa.(Nguồn: DailyChina)
Ảnh minh họa.(Nguồn: DailyChina)

Sau gần 3 năm khảo sát và khai quật, các nhà khảo cổ Trung Quốc mới đây đã phát hiện tại Di chỉ Khuất Gia Lĩnh nhiều hệ thống thủy lợi quy mô lớn được xây dựng với mục đích trị thủy.

Phát hiện này cung cấp chứng cứ quan trọng cho việc nghiên cứu, khảo sát sự hình thành và phát triển của xã hội thời tiền sử.

Di chỉ Khuất Gia Lĩnh là nơi phát hiện và đặt tên cho văn hóa Khuất Gia Lĩnh, phân bố tại bình nguyên Giang Hán ở trung du Trường Giang, là di chỉ lớn quan trọng chứng minh nguồn gốc văn minh trung du Trường Giang.

Sau 3 lần khai quật khảo cổ kể từ thập niên 1950, từ năm 2015 đến nay, sau khi được Cục Văn vật Nhà nước Trung Quốc phê chuẩn, Viện Nghiên cứu Khảo cổ văn vật tỉnh Hồ Bắc và các đơn vị liên quan đã duy trì công tác khảo cổ tại đây.

Theo các nhà khảo cổ học Trung Quốc, nằm ở phía Đông Bắc của quần thể Di chỉ, đập nước Hùng Gia Lĩnh bao gồm các yếu tố cấu thành như đập ngăn nước, khu vực chứa nước, khu vực tưới tiêu và đường xả lũ.

Đập nước Hùng Gia Lĩnh được xây dựng trên nhánh phía Đông Tây của sông Thanh Mộc Đương (Qing Mudang).

Đập nước này được xây dựng bằng đất, đỉnh đập cao khoảng 2m, rộng khoảng 13m, chân đập rộng khoảng 27m, dài 180m. Phía Đông đập nước là khu tích trữ nước, diện tích trữ nước khoảng 190.000m2; phía Tây là khu vực tưới tiêu, rộng khoảng 85.000m2, nơi khảo cổ thực vật cho thấy sự có sự tồn tại của các cánh đồng lúa thời tiền sử.

Đường xả lũ nằm ở phía Bắc của khu tích trữ nước, rộng khoảng 26m, có địa thế là phía Nam cao, phía Bắc thấp.

Ông Đào Dương, nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Khảo cổ văn vật tỉnh Hồ Bắc, Trưởng nhóm nghiên cứu khảo cổ Di chỉ Khuất Gia Lĩnh cho biết, thông qua các di vật được khai quật và dữ liệu niên đại cho thấy niên đại của đập nước này sớm nhất là 5.100-4.900 năm trước đây, là hệ thống thủy lợi sớm nhất và rõ ràng nhất được phát hiện ở Trung Quốc cho đến nay.

Các nhà khảo cổ cho biết phát hiện này đánh dấu quan niệm trị thủy của người dân tiền sử từ trị thủy bị động chuyển sang trị thủy chủ động, một phần thực hiện bước nhảy vọt từ thích ứng với thiên nhiên đến cải tạo thiên nhiên.

Cùng ngày, các nhà khảo cổ Trung Quốc cũng công bố nhiều phát hiện khảo cổ mới, trong đó có khu định cư văn hóa Du Tử Lĩnh có niên đại khoảng 5.500 - 5.100 năm trước đây.

Di chỉ này có diện tích 1,05 triệu m2, là khu định cư có diện tích lớn nhất cùng thời kỳ ở khu vực trung du sông Trường Giang được phát hiện cho đến nay.

Khu định cư này ghi nhận có sự tồn tại của hệ thống thủy lợi, khu mộ táng, khu dân cư và khu sản xuất đồ gốm…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục