Nhận lời mời của Tổng Giám đốc Hãng thông tấn Italy (AGI) Gianni Di Giovanni, đoàn đại biểu Thông tấn xã Việt Nam do Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Lợi dẫn đầu đã có chuyến thăm và làm việc tại Italy và tham dự Hội thảo Á-Âu về chiến lược và chính sách nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại và kinh tế giữa Italy và các nước châu Á, được tổ chức tại Phòng Thuơng mại Italy tại Rome trong các ngày 9 và 10/6/2014.
Hội thảo do Phòng Thương mại Italy tại Hong Kong và Dự án thương mại châu Á, Hãng thông tấn quốc tế AGI, Đại học Sapienza, Rome và quỹ Rome - Địa Trung Hải, Bộ Ngoại giao và cơ quan xúc tiến thương mại (ICE) Italy phối hợp tổ chức ngay trước nhiệm kỳ chủ tịch EU luân phiên của Italy và Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu diễn ra tại Milan vào tháng 10 sắp tới.
Nhiều chuyên gia về kinh tế, ngân hàng của Italy và một số nước châu Á, một số hãng đánh giá tín nhiệm, chủ tịch tập đoàn kinh tế lớn, đại diện diễn đàn kinh tế Á-Âu, Lãnh đạo các Cơ quan truyền thông quốc tế, các học giả... đã tham dự và có các bài tham luận tại Hội thảo.
Với mục tiêu tạo nên mạng lưới quốc tế ổn định với sự tham gia của các học giả, nhà kinh tế trên thế giới cho phát triển hợp tác về kinh tế, văn hóa giữa Italy và các nước vùng Viễn Đông, Hội thảo đã trở thành diễn đàn trao đổi về vẫn đề liên quan đến lĩnh vực kinh tế, kêu gọi đầu tư, quảng bá hình ảnh đất nước của nhiều quốc gia.
Theo đó, các chuyên gia, học giả đã tập trung thảo luận các vấn đề về các xu hướng tăng trưởng của các quốc gia châu Á, triển vọng kinh tế và các cơ hội hợp tác giữa Italy và các nước nói trên, chia sẻ chiến lược phát triển với các tổ chức, doanh nghiệp cũng như tạo nên mạng lưới chung về thông tin kinh tế, xã hội giữa hai bên...
Trong giai đoạn 2014 – 2017, Italy xuất khẩu tới châu Á dự tính tăng 8,6%, vai trò gia tăng về ngoại giao của Italy nhằm thúc đẩy quan hệ giữa các nước châu Âu và châu Á. Năm 2015, với sự dỡ bỏ hàng rào thuế quan, các nước Đông Nam Á sẽ trở thành một thị trường thống nhất với trên 600 triệu khách hàng và tổng GDP trên 2300 tỷ USD.
Do đó, việc thúc đẩy hợp tác giữa Italy và các nước châu Á sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn cho thương mại và kinh doanh trong khu vực châu Á trong đó có các nước Viễn Đông và Đông Nam Á mà Italy đang hướng tới giành được sự tăng trưởng trong xuất khẩu vào khu vực này với mục tiêu 8,6% trong giai đoạn 3 năm 2014-2017.
Trong bài tham luận tại Hội thảo, Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Nguyễn Đức Lợi cho biết sự hợp tác, liên kết là một xu thế chủ đạo trong thế kỷ 21 nhưng không phải là một quá trình thuận lợi cho tất cả các bên.
Châu Âu và châu Á không chỉ xa cách về địa lý mà còn có những khác biệt về cách nhìn nhận và đánh giá về thế giới xung quanh, khác biệt về trình độ phát triển kinh tế, phương thức tư duy và văn hóa ứng xử. Tuy nhiên sự khác biệt đó lại là động lực của sự hợp tác trong đó truyển thông có vai trò quan trọng trong việc gia tăng các động lực hợp tác phát triển và xóa bỏ các rào cản trong quá trình hợp tác Á- Âu.
Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh, nhiệm vụ của truyền thông không chỉ là sản xuất và phổ biến thông tin của mỗi cơ quan truyền thông mà còn cần phải tăng cường hợp tác nhiều hơn. Mặc dù mỗi hãng có bản sắc thông tin riêng tuy nhiên việc hợp tác, chia sẻ thông tin giữa các hãng thông tấn sẽ mang lại cái nhìn toàn diện, sâu sắc hơn hơn về cùng một vấn đề. Qua đó các bên dễ dàng tìm ra các giải pháp cân bằng và làm hài hòa lợi ích của các bên, giảm thiểu các bất đồng cũng như các xung đột lợi ích. Thêm nữa sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin trong điều kiện hiện nay đã giúp quá trình hợp tác của các bên trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn rất nhiều. Truyền thông đã xóa bỏ được khoảng cách về mặt địa lý và thời gian, điều mà trước kia gần như là “không tưởng.” Trên mạng Internet, tin tức đa phương tiện tích hợp cả báo hình, báo nói và báo viết, được cập nhật từng giờ, từng phút. Do đó, thông tin đã trở thành nguồn lực và các hãng thông tấn đã trở thành một yếu tố giúp gia tăng sức mạnh của quốc gia.
Chia sẻ về xu hướng trong việc hợp tác và hội nhập quốc tế ngày nay, Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Lợi cho biết, Thông tấn xã Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với các hãng thông tấn bè bạn. Từ khi thành lập năm 1945 đến nay, Thông tấn xã Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác và là đối tác của hơn 40 hãng thông tấn trên thế giới, trong đó có các hãng lớn như ITAR- TASS, Tân Hoa Xã, Kyodo News, PTI, PL, NOTIMEX, AFP, AP, Reuter, YONHAP, ANSA... và mới đây nhất là ký kết Thoả thuận hợp tác về trao đổi thông tin với hãng thông tấn AGI. Nhờ các kênh thông tin của Thông tấn xã Việt Nam và thông qua việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác đó, các sản phẩm thông tin của Thông tấn xã Việt Nam đã vươn tới tất cả các châu lục, tạo ra sự gắn kết giữa Viêt Nam với các nước.
Bên cạnh đó, Thông tấn xã Việt Nam còn tich cực tham gia các tổ chức báo chí quốc tế lớn của khu vực và thế giới trong đó có Tổ chức các hãng thông tấn châu Á- Thái Bình Dương (OANA), và thể hiện vai trò của một cơ quan báo chí quốc gia trong việc giảm thiểu khoảng cách nhận thức giữa các nước, tăng cường sự hiểu biết và cảm thông lẫn nhau. Điều này là không thể thiếu để các quốc gia, các dân tộc xích lại gần nhau hơn.
Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Lợi đã đề nghị các hãng thông tấn hãy cùng nhau thúc đẩy sự hợp tác hữu hiệu để truyền thông thực hiện tốt hơn vai trò cầu nối gắn kết giữa hai châu lục, biến sự khác biệt thành cơ hội phát triển, góp phần vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung.
Cùng với Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Lợi, Viện trưởng viện Biển Đông, Bộ ngoại giao Việt Nam Nguyễn Vũ Tùng trình bày tham luận của mình về mô hình phát triển của Việt Nam trong giai đoạn mở cửa, hội nhập như hiện nay. Việt Nam cũng như các nước trong khu vực rất cần sự ổn định, hòa bình cũng như sự hợp tác, đặc biệt là việc hợp tác của ASEAN, trong đó có vấn đề quản lý các tranh chấp biển đảo.
Đại biểu Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các nước có giữ được động lực đổi mới, ổn định, động lực đổi bên trong, tuy nhiên phải phụ thuộc vào khả năng giữ được môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực. Hiện nay cũng nổi lên một số vấn đề về tranh chấp, do đó Việt Nam cùng với ASEAN sẽ quan tâm đồng thời cũng mong muốn bạn bè quốc tế nhất là châu Âu ủng hộ Việt Nam, ASEAN trong vấn đề nói trên.
Trước đó, Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Lợi đã đến thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Italy.
Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Lợi cảm ơn sự hợp tác, hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Italy đối với Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Rome thời gian qua và đề nghị Đại sứ quán tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để Thông tấn xã Việt Nam có thể thực hiện tốt vai trò là hãng thông tấn quốc gia của Việt Nam tại Rome, Italy./.