Tuấn Anh: Bố muốn tôi làm bác sỹ nhưng tôi muốn trở thành Zidane

Mới đây, tạp chí danh tiếng FourFourTwo đã có bài viết dài về Tuấn Anh - cái tên đang lên của tuyển Việt Nam.
Tuấn Anh: Bố muốn tôi làm bác sỹ nhưng tôi muốn trở thành Zidane ảnh 1Tuấn Anh (số 8) và Công Phượng là những hy vọng mới của bóng đá Việt Nam. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)

Xuân Trường, Tuấn Anh, Công Phượng đang trở thành những ngôi sao được săn đón của tuyển Việt Nam trước thềm AFF Cup 2016. Mới đây, tạp chí danh tiếng FourFourTwo đã có bài viết dài về Tuấn Anh - cái tên đang lên của tuyển Việt Nam.

Cầu thủ 21 tuổi đã chia sẻ rất nhiều chi tiết thú vị về thần tượng bóng đá của anh, ước mơ ngày niên thiếu, những gì anh đã học được trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp tại J-League và tham vọng tuyển Việt Nam ở AFF Cup 2016.

Nói về thách thức ở AFF Cup sắp tới - giải đấu mà Tuấn Anh lần đầu tiên tham dự, tiền vệ này tiết lộ: “Malaysia đang gặp nhiều vấn đề trong thời gian gần đây. Vì thế, Myanmar mới là đối thủ nguy hiểm nhất tại bảng B. Họ đã có một giai đoạn chuẩn bị hoàn hảo. Hệ thống đào tạo trẻ của Myanmar cũng rất tốt. Họ đã chứng minh điều đó bằng việc giành quyền tham dự U20 World Cup hồi năm ngoái.”

“Với rất nhiều cầu thủ trẻ kỹ thuật, Myanmar còn có thêm lợi thế sân nhà. Họ là đối thủ khiến chúng tôi lo ngại nhất.”

Bản thân Tuấn Anh cũng là một cầu thủ kỹ thuật. Tiền vệ ​21 tuổi vẫn đang trong giai đoạn hồi phục sau chấn thương gặp phải khi thi đấu cho Yokohama. Anh cũng là một trong ba cầu thủ Việt Nam đã thi đấu ở nước ngoài trong mùa giải 2016.

Tuấn Anh sang Nhật Bản theo bản hợp đồng cho mượn có thời hạn một năm từ Hoàng Anh Gia Lai. Sau những khó khăn ban đầu, anh đã phần nào gây được ấn tượng tại Cúp Hoàng đế, ghi một bàn vào lưới Nagano hồi tháng Chín. Dù hiếm khi được ra sân, Tuấn Anh vẫn tin rằng thời gian ở Nhật Bản đã giúp anh có những tiến bộ vượt bậc.

Tuấn Anh: Bố muốn tôi làm bác sỹ nhưng tôi muốn trở thành Zidane ảnh 2Tuấn Anh đã tiến bộ rất nhiều sau một năm "du học" ở Nhật Bản. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)

Tuấn Anh tiết lộ: “Người Nhật dành sự chú ý đặc biệt cho các chi tiết nhỏ ở mọi khía cạnh. Điều đó được thể hiện trong cách họ khởi động, cách họ thực hiện các bài tập khác nhau. Đặc biệt, cầu thủ Nhật Bản có điều kiện thể chất rất hoàn hảo.”

“Bạn cũng có thể thấy nhiều cầu thủ Việt Nam với kỹ thuật hảo hạng như cầu thủ Nhật Bản. Nhưng sự khác biệt thực sự là thể lực và các lợi thế tập luyện khác ở Nhật Bản. Không có những điều đó, sẽ rất khó để một cầu thủ Việt Nam chơi bóng ở đẳng cấp cao. Cơ sở vật chất tại Nhật Bản luôn ở đẳng cấp cao hơn. Các sân vận động và hệ thống phục hồi thể lực ở đây từng khiến tôi vô cùng ngỡ ngàng khi lần đầu tới đây.”

Ở tuổi 21, Tuấn Anh đã có tròn 10 năm bước chân theo con đường bóng đá chuyên nghiệp. Chàng trai quê Thái Bình hồi tưởng lại những ký ức xa xăm: “Bố tôi là một bác sỹ. Ông ấy muốn tôi theo nghề nhưng giấc mơ của tôi là trở thành cầu thủ bóng đá.”

“Tôi luôn ngưỡng mộ Zidane và bây giờ là Mesut Oezil. Giấc mơ của tôi là cố gắng thật nhiều để một ngày nào đó đứng ngang hàng với họ.”

“Ngay từ khi còn là một đứa trẻ, có lẽ lúc bốn hay năm tuổi gì đấy, tôi đã mơ về điều đó. Nhưng tôi nhớ rằng mình còn chơi bóng sớm hơn thế, có thể từ lúc hai hay ba tuổi. Tôi nhớ rằng ba tôi đã luôn ở bên cạnh và ủng hộ tôi. Từ ngày ấy, tôi đã nghĩ trở thành một cầu thủ bóng đá là điều gì đấy thật đáng tự hào.”

Tuấn Anh: Bố muốn tôi làm bác sỹ nhưng tôi muốn trở thành Zidane ảnh 3Hành trình của Tuấn Anh là câu chuyện về một đứa trẻ suýt đã trở thành bác sỹ chứ không phải cầu thủ. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)

11 tuổi, Tuấn Anh bước chân vào học viện Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG và dành năm tới sáu tiếng mỗi ngày, sáu ngày một tuần cho việc tập luyện bóng đá. Trước đó, Tuấn Anh đã chiến thắng hàng nghìn đứa trẻ khác trong cuộc tuyển chọn tài năng nhí khó khăn nhất Việt Nam.

Anh tiếp tục: “Buổi sáng, chúng tôi bắt đầu đến trường lúc 7 giờ và trở về lúc 10 giờ 30. Đó là thời điểm cả đội ra sân tập và bắt đầu chơi bóng. Đến 12 giờ, chúng tôi kết thúc tập luyện, trở về phòng học tới ba giờ rồi sau đó tập luyện tiếp đến khi mặt trời lặn.”

“Tôi đã ở đó từ lúc 11 tới 19 tuổi. Tôi chỉ về thăm nhà một hay hai lần mỗi năm. Xa nhà như thế thật khó khăn nhưng rõ ràng, học viện đã giúp tôi tiến bộ rất nhiều.”

Mười năm sau ngày đó, cậu bé Thái Bình giờ đã là tuyển thủ quốc gia, niềm hy vọng của Việt Nam cho mục tiêu lật đổ đội tuyển Thái Lan. Tuấn Anh nói: “Tôi nghĩ Thái Lan ở đẳng cấp cao hơn các nước khác trong khu vực. Ở Thái Lan, người ta yêu bóng đá. Họ có một giải vô địch quốc gia tốt với rất nhiều học viện không ngừng đào tạo các cầu thủ trẻ chất lượng. Như một lẽ tất yếu, người Thái có đội tuyển quốc gia hùng mạnh.”

“Hiện tại, tuyển Việt Nam có vài vấn đề ở hàng thủ. Chúng tôi cũng có quá nhiều cầu thủ trẻ và cần thêm thời gian. Có thể từ hai tới ba năm nữa, chúng tôi sẽ tích lũy thêm kinh nghiệm và thực sự đạt tới đỉnh cao phong độ.”

“Nhưng dù vậy, hãy nhớ rằng Việt Nam luôn là một đội tuyển lớn trong lịch sử AFF Cup. Chúng tôi vẫn có đầy cơ hội lọt vào bán kết và có thể hy vọng xa hơn nữa.”

Cùng với Tuấn Anh, tuyển Việt Nam của huấn luyện viên Hữu Thắng cũng vừa công bố danh sách tối qua (13/11). Với hàng loạt cầu thủ 20, 21 tuổi trong đội hình, tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2016 là một trong những đội tuyển trẻ nhất lịch sử. Sau AFF Cup, đoạt vé Asian Cup 2019 và vòng loại World Cup 2022 là những mục tiêu xa hơn của thế hệ non trẻ nhưng đầy tiềm năng này./.

Tuấn Anh ghi bàn tuyệt đẹp vào lưới Triều Tiên (9/2016)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục