Quả là "họa vô đơn chí" khi chỉ trong vòng chưa đầy 3 tuần, Thủ tướng Anh Theresa May phải trải qua những thời khắc khó khăn nhất kể từ khi bà lên nắm quyền.
Hàng loạt sự kiện chấn động đời sống chính trị, xã hội nước Anh xảy ra liên tiếp: 2 vụ tấn công khủng bố đẫm máu, một “quốc hội treo” sau thất bại khó lường của đảng Bảo thủ trong cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn, và thảm họa cháy chung cư cao tầng ngay tại trung tâm London gây thương vong lớn...
Sự thất bại của đảng Bảo thủ đang khiến tương lai của Thủ tướng May trở nên mờ mịt, trong khi nước Anh lâm vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan” khi chỉ còn vài ngày nữa là bắt đầu vòng đàm phán căng thẳng quyết định tương lai đất nước - đàm phán để Anh chính thức “chia tay” Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit.
Nước Anh hứng chịu nhiều rủi ro, Thủ tướng May cũng đang đối mặt với những chỉ trích và sức ép lớn. Các đảng đối lập cho rằng việc xảy ra khủng bố và tình hình đất nước trở nên bất ổn một phần do bà cắt giảm gần 20.000 cảnh sát trong thời kỳ còn là Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Hàng loạt ý kiến đòi Thủ tướng May từ chức. Thậm chí, bà còn chịu sự chỉ trích từ chính trong nội bộ đảng Bảo thủ khiến chiếc ghế thủ tướng của bà thực sự "lung lay".
[Số người chết trong vụ cháy chung cư ở Anh tăng lên 17 người]
Đảng Bảo thủ coi quyết định của bà đột ngột kêu gọi tổng tuyển cử sớm là một “canh bạc chính trị” thất bại, chẳng những khiến đảng này không giành thêm được ghế tại Hạ viện như kỳ vọng ban đầu mà còn để mất luôn ưu thế đa số ghế trước đó.
Để có thể thành lập được chính phủ thiểu số, bà May đã phải cầu viện tới sự hậu thuẫn của đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP), đảng chính trị lớn nhất tại Bắc Ireland, song là đảng nhỏ trong Hạ viện với chỉ 10 ghế.
Tuy nhiên, nhiều thành viên đảng Bảo thủ cũng không ủng hộ ý tưởng này vì cho rằng cái giá mà bà May phải trả để nhận được sự giúp đỡ của DUP sẽ dẫn đến sự suy yếu đảng Bảo thủ, bởi DUP kèm theo rất nhiều điều kiện về quyền lợi kinh tế.
DUP ủng hộ Brexit, song không hoàn toàn đồng tình với lộ trình và mục tiêu đàm phán mà chính phủ của bà May đề ra. Lo ngại lớn nhất của DUP là vấn đề biên giới giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland, hiện đang là biên giới mở và người dân được tự do đi lại. DUP muốn duy trì hiện trạng này, song khi Anh rời khỏi EU, đây sẽ là biên giới chung duy nhất của Anh với toàn bộ liên minh.
Thủ tướng May và những người ủng hộ Brexit trong đảng Bảo thủ muốn Anh rời khỏi thị trường chung châu Âu, đồng nghĩa với việc phải áp dụng các biện pháp kiểm soát hải quan tại khu vực này, điều mà DUP và Cộng hòa Ireland đều không hề mong muốn.
Vấn đề này có thể trở thành vật cản lớn trong liên minh mong manh giữa đảng Bảo thủ và DUP. Hơn thế nữa, trong lịch sử chính trị Anh, chính phủ thiểu số thường không đem lại sự ổn định dài lâu, khó mà có thể duy trì được hết nhiệm kỳ. Việc liên kết với DUP có thể cứu vãn được Thủ tướng May trước mắt, nhưng khó có thể nói được điều gì sẽ xảy ra với bà ở chặng đường 5 năm tới.
Một khi cuộc thương lượng thành lập chính phủ với DUP chưa thể ngã ngũ, tiến trình chuẩn bị của Chính phủ Anh cho vòng đàm phán Brexit với EU, dự kiến sẽ diễn ra vào đầu tuần tới, cũng bị ảnh hưởng. Khó khăn chồng chất khó khăn, bởi sau thất bại tại cuộc tổng tuyển cử sớm, vị thế của bà May tại bàn đàm phán với các nước EU cũng bị suy yếu đáng kể.
Quan điểm của bà May trước tổng tuyển cử là "thà không có thỏa thuận còn hơn là một thỏa thuận tồi cho nước Anh" trong đó bảo lưu những nguyên tắc "cứng rắn" là các cuộc đàm phán thỏa thuận thương mại với EU sẽ diễn ra đồng thời với những thỏa thuận đền bù tài chính của nước Anh với EU, nước Anh vẫn nhất định sẽ rời khỏi thị trường chung và liên minh thuế quan EU, sẽ nắm quyền kiểm soát đường biên giới, và nước Anh sẽ không còn phải chịu tuân theo phán quyết của tòa án châu Âu.
Tuy nhiên, với một chính phủ thiểu số hiện nay, bà May đang chịu sức ép từ các chính trị gia có uy tín tại đảng Bảo thủ, Công đảng, đảng Dân tộc Scotland và Dân chủ Tự do, giới chủ tại khu tài chính London về việc bà cần phải lắng nghe ý kiến đóng góp cũng như sự tham gia của các đảng chính trị vào tiến trình đàm phán Brexit sắp tới.
Điều này đồng nghĩa bà sẽ bị giảm bớt quyền quyết định trước những vấn đề liên quan đến Brexit, lộ trình Brexit của nước Anh hiện càng mờ mịt trước nhiều ý kiến trái chiều nhau.
Câu chuyện Brexit hiện đang là "trò chơi chính trị" phe nhóm tại Anh, thậm chí nước Anh đang có nguy cơ tan rã thành nhiều mảnh khi mới chỉ chuẩn bị bước ra khỏi mối quan hệ liên kết với EU.
Ngay cả Thị trưởng London cũng đòi một quy chế riêng cho thành phố này trong cuộc đàm phán Brexit. Những sức ép như vậy khiến bà May khó tìm kiếm sự đồng thuận đối với chủ trương đàm phán Brexit, trong bối cảnh để thực hiện Brexit, Hạ viện Anh sẽ phải thông qua 15 dự luật, điều này không thể chỉ dựa vào chính phủ thiểu số Bảo thủ và liên kết với DUP.
Liệu bà May có phải sửa đổi chiến lược đàm phán Brexit một cách mềm mỏng hơn và liệu bà có chịu chấp nhận những điều kiện về "hóa đơn ly dị" mà phía EU đưa ra?
Việc đồng ý các điều khoản để Anh rời khỏi EU luôn là một vấn đề hết sức khó khăn và đến giờ câu chuyện này càng trở nên phức tạp hơn bao giờ hết khi sức ép từ EU ngày một gia tăng. EU cho rằng thời gian đàm phán không còn nhiều, trong khi diễn biến chính trị nước Anh đang có nhiều biến động theo chiều hướng bất lợi cho đảng Bảo thủ và Thủ tướng May.
Những chia rẽ nội bộ đang khiến nước Anh có nguy cơ ngồi vào bàn đàm phán với một bản kế hoạch chắp vá và hoàn toàn yếu thế từ đủ mọi phía.
Rõ ràng, "cơn bão chính trị" vừa qua đã đẩy nước Anh vào tình cảnh rối ren và bấp bênh ngay trước thời điểm đàm phán mang tính quyết định.
Tình thế hiện nay khiến Thủ tướng May khó mà khư khư bảo vệ quan điểm "không có thỏa thuận còn hơn thỏa thuận tồi" vì nếu như không đạt được thỏa thuận, điều đó sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế Anh và có thể cả đến sinh mệnh chính trị của bà.
Áp lực đặt trên vai Thủ tướng May ngày càng lớn. Có lẽ việc bà May cần làm lúc này là tìm mọi cách cách duy trì sự ổn định trên mọi phương diện kinh tế và chính trị của nước Anh./.