Tỷ phú Bill Gates: Rút tài trợ cho WHO là quyết định nguy hiểm

Nhà đồng sáng lập Microsoft, tỷ phú Bill Gates nói việc Nhà Trắng cắt khoản tiền tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới trong một cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu là rất nguy hiểm.
Tỷ phú Bill Gates: Rút tài trợ cho WHO là quyết định nguy hiểm ảnh 1Nhà đồng sáng lập Microsoft, tỷ phú Bill Gates. (Nguồn: Getty Images)

Nhà đồng sáng lập Microsoft, tỷ phú Bill Gates nói Nhà Trắng không nên rút tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong đại dịch toàn cầu, vài giờ sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố tạm thời đình chỉ tài trợ cho tổ chức y tế lớn nhất hành tinh.

Tổng thống Trump chỉ trích WHO đã "thất bại trong chính nhiệm vụ cơ bản của mình và cần phải chịu trách nhiệm."

"Việc cắt khoản tiền tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới trong một cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu là rất nguy hiểm. Công việc của họ đang làm là làm chậm sự lây lan của COVID-19 và nếu công việc đó bị dừng lại thì không có tổ chức nào khác có thể thay thế họ. Thế giới cần WHO hơn bao giờ hết," ông Gates cho biết trên một tweet đăng trên toàn khoản Twitter cá nhân tối 25/4 (giờ Hà Nội).

Vợ của ông Gates, bà Melinda cũng đã đăng một tweet tương tự cùng ngày.

[Dư luận quốc tế về việc Mỹ tạm ngừng tài trợ cho WHO]

Tỷ phú Bill Gates từ lâu đã tập trung trí lực và tài lực của mình vào lĩnh vực sức khỏe thông qua Quỹ phi lợi nhuận Bill và Melinda Gates, cũng như thường tránh đi sâu vào các vấn đề chính trị. Tuy nhiên, ông đã lên tiếng về đại dịch COVID-19. Vào cuối tháng 3, ông nói rằng nước Mỹ đã bỏ lỡ cơ hội của mình để tránh phải đóng cửa đất nước bởi vì "họ đã không hành động đủ nhanh với đại dịch."

Kể từ khi xuất hiện hơn ba tháng trước tại Vũ Hán (Trung Quốc), SARS-CoV-2 đã lây nhiễm tới hơn 1,9 triệu người trên toàn thế giới và cướp đi sinh mạng của ít nhất 125.678 người (theo dữ liệu tổng hợp của Đại học Johns Hopkins).

WHO đã tuyên bố COVID-19 là một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu vào ngày 30/1, khi có ít hơn 10.000 ca nhiễm được xác nhận trên toàn cầu.

Hiện không rõ chính xác cơ chế mà Tổng thống Trump dự định sử dụng để từ chối tài trợ WHO, khi phần lớn số tiền tài trợ trong số đó nằm trong quyền kiểm soát của Quốc hội. Tổng thống Mỹ thường không có thẩm quyền đơn phương chuyển hướng ngân sách tài trợ thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Một lựa chọn có thể là ông Trump sử dụng quyền hạn được trao cho tổng thống theo Đạo luật kiểm soát ngăn chặn năm 1974. Theo đạo luật này, Tổng thống Mỹ có thể đề nghị giữ lại các quỹ của quốc hội và thực sự tạm dừng chúng trong tối đa 45 ngày.

Trong thời gian 45 ngày đó, Tổng thống có thể tìm kiếm sự chấp thuận của quốc hội để chuyển hướng các quỹ cho mục đích khác. Không có sự chấp thuận này, các khoản tiền phải được trả lại cho mục đích ban đầu, bắt buộc sau 45 ngày./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục