UBTV Quốc hội cho ý kiến lần 2 về Dự án Luật Phòng thủ dân sự

Qua thảo luận, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành Luật nhằm cụ thể hóa các nghị quyết của Bộ Chính trị về phòng thủ dân sự.
UBTV Quốc hội cho ý kiến lần 2 về Dự án Luật Phòng thủ dân sự ảnh 1Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang trình bày Tờ trình. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chiều 22/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến (lần 2) về dự án Luật Phòng thủ dân sự.

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, mục đích xây dựng Luật nhằm tạo khung pháp lý chung nhất cho việc phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh, phòng, chống, khắc phục thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh nhằm bảo vệ cao nhất tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân, nâng cao hiệu quả pháp lý của hệ thống pháp luật về phòng thủ dân sự.

Bên cạnh đó, tăng cường các biện pháp phòng ngừa và bảo đảm tính chủ động trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ người dân, cơ quan, tổ chức, bảo vệ môi trường; nâng cao năng lực về phòng thủ dân sự, góp phần làm giảm thiểu thiệt hại do thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh gây ra; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước gắn với củng cố quốc phòng, an ninh, từng bước hội nhập quốc tế trong tình hình mới. Dự thảo Luật gồm 7 Chương, 71 Điều.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, Tờ trình của Chính phủ đã nêu rõ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn để thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng liên quan đến phòng thủ dân sự; khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong thực hiện chính sách, pháp luật về phòng thủ dân sự.

Việc xây dựng Luật này đã được Quốc hội quyết định. Ngày 30/8/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW “Về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo” xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là: “Xây dựng Luật Phòng thủ dân sự.” Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh tán thành sự cần thiết ban hành Luật.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhận thấy, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật rộng, liên quan đến hoạt động, chính sách, biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh đã có tại nhiều luật chuyên ngành.

Vì vậy, dự thảo Luật cần quy định những nguyên tắc, xác định những vấn đề chung, bao quát để thực hiện đồng bộ, hiệu quả hoạt động phòng thủ dân sự; nghiên cứu xác định đầy đủ những quy định khác nhau giữa dự thảo Luật và các luật liên quan hoặc dẫn chiếu, đề xuất sửa đổi, bổ sung những nội dung cụ thể tại các luật khác.

[Chương trình Công tác của Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự Quốc gia]

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho rằng, việc phân loại cấp độ phòng thủ dân sự là nội dung quan trọng, nhưng quy định này chưa rõ mối quan hệ với các cấp độ, sự cố, rủi ro cụ thể tại các luật chuyên ngành. Việc quy định căn cứ xác định cấp độ phòng thủ dân sự chưa có cơ sở, tiêu chí cụ thể, khó áp dụng; quy định mức độ gây thiệt hại chưa cụ thể. Do vậy, ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ để khi có tình huống xảy ra sẽ kích hoạt ngay các biện pháp phòng thủ dân sự tương ứng.

Qua thảo luận, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành Luật nhằm cụ thể hóa các nghị quyết của Bộ Chính trị về phòng thủ dân sự.

UBTV Quốc hội cho ý kiến lần 2 về Dự án Luật Phòng thủ dân sự ảnh 2Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Góp ý vào những nội dung cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đánh giá, dự án Luật này liên quan đến nhiều luật khác cũng điều chỉnh phạm vi về phòng thủ dân sự, phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, sự cố, hỏa hoạn hay cứu trợ khẩn cấp...

Do đó, yêu cầu đặt ra là ban soạn thảo cần rà soát kỹ và xác định rõ xem luật này có phạm vi quy định đến đâu nhằm bảo đảm không chồng chéo, không lặp lại và bảo đảm tính thống nhất khi ban hành.

Ngoài ra, bố cục của dự thảo Luật được xây dựng cơ bản hợp lý, nhưng đề nghị cần bám sát khái niệm “phòng thủ dân sự” để thiết kế thêm một số nội dung cho phù hợp, thống nhất, bảo đảm cân đối giữa các nội dung lớn, giữa các chương, mục và nghiên cứu bổ sung, làm rõ thêm các quy định về phân công, quan hệ phối hợp.

Quan tâm đến trang thiết bị cho các lực lượng chuyên trách, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, trong luật còn thiếu những chính sách này. Dẫn chứng lại những vụ chữa cháy, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, công cụ chữa cháy còn rất thô sơ, thiếu thốn, trong khi nước ta đông dân, rủi ro thiên tai, dịch bệnh cao, ảnh hưởng do biến đổi khí hậu lớn...

“Trong luật cần bổ sung những quy định về chính sách đầu tư, mua sắm cho lực lượng phòng thủ dân sự, bảo đảm tính chuyên nghiệp, chuyên trách của lực lượng,” Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các cơ quan phối hợp chặt chẽ để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 4, trong đó bổ sung đánh giá tác động đối với các chính sách và một số quy định mới của dự thảo Luật, nhất là tác động về nguồn lực, kinh phí, ngân sách; rà soát, thể chế đầy đủ các quan điểm tại Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị, chuẩn hóa nguyên tắc phòng thủ dân sự, làm rõ phạm vi điều chỉnh…, quy định đảm bảo khả thi, không chồng chéo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục