Ukraine hủy bỏ dự luật gây tranh cãi về chống tham nhũng

Các nhà lập pháp Ukraine ngày 17/5 đã chịu nhượng bộ trước sức ép từ Qũy Tiền tệ quốc tế (IMF) và đồng ý hủy bỏ một dự luật gây nhiều tranh cãi liên quan việc chống tham nhũng.
Ukraine hủy bỏ dự luật gây tranh cãi về chống tham nhũng ảnh 1Toàn cảnh phiên họp Quốc hội Ukraine tại Kiev ngày 14/4. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Các nhà lập pháp Ukraine ngày 17/5 đã chịu nhượng bộ trước sức ép từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và đồng ý hủy bỏ một dự luật gây nhiều tranh cãi liên quan việc chống tham nhũng, vốn khiến những người chỉ trích lo ngại có thể làm suy yếu cuộc chiến chống tham nhũng có tầm quan trọng sống còn tại nước này.

Quyết định gác lại dự luật nêu trên được đưa ra khi một phái đoàn IMF tới Kiev gặp Thủ tướng Volodymyr Groysman​ trong bối cảnh các đồng minh phương Tây của Ukraine lo ngại dự luật sẽ giúp bảo vệ các chính trị gia hàng đầu cũng như các nhà tài phiệt của nước này.

Hãng tin Interfax dẫn lời Chủ tịch Ủy ban thực thi pháp luật Quốc hội Ukraine, ông Andriy Kozhemyakin thừa nhận rằng trước những yêu cầu đẩy mạnh chống tham nhũng từ các nước đồng minh, trong đó có các thể chế quốc tế, ông đã đề nghị các nghị sỹ Ukraine hủy bỏ dự luật này.

Ủy ban của ông Kozhemyakin dự kiến sẽ thành lập một nhóm đặc trách với mục đích cuối cùng là hủy bỏ dự luật đã được trình lên cơ quan lập pháp.

Cục chống tham nhũng quốc gia Ukraine (NABU) vốn được IMF ca ngợi là một mô hình tích cực cho cam kết của chính quyền Kiev trong việc theo đuổi những thay đổi nền tảng của nước này.

Tuy nhiên, NABU đã phải đối mặt với sự phản đối quyết liệt kể từ khi cơ quan này đi vào hoạt động cuối năm 2015 với các thành phần từ các tổ chức như Văn phòng Tổng công tố và Cơ quan An ninh Ukraine (SBU).

Các nhà phân tích cho rằng trên cơ sở như vậy, hai đơn vị sẽ bị các lợi ích kiểm soát và không thể tiến hành điều tra độc lập các sai phạm tài chính ở cấp cao nhất.

Dự luật nêu trên bị nhiều ý kiến phản đối, trong đó có Nhóm Các nước công nghiệp phát triển (G7), bởi có thể cho phép các công tố viên hoặc các nhân viên SBU giành lấy các vụ điều tra từ NABU và sau đó có thể dập đi các vụ điều tra.

Trong một phát biểu, Đại sứ Italy Davide La Cecilia​ hôm 15/5 nhấn mạnh G7 bày tỏ lo ngại về bản chất của dự luật được đề xuất và "nguy cơ chống tham nhũng" của Ukraine.

Trong khi đó, Trưởng phái đoàn IMF tại Ukraine, ông Ron van Rooden đã yêu cầu Thủ tướng Groysman phải đảm bảo cho NABU hoạt động độc lập và hiệu quả.

Quan chức IMF này nêu rõ nếu dự luật gây tranh cãi nêu trên được thông qua, quyết định đó sẽ đi ngược lại với cam kết của các cơ quan chức năng Ukraine trong nỗ lực duy trì quyền hạn độc lập của NABU trong hoạt động điều tra tham nhũng nhằm vào các quan chức cấp cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục