Ngày 17/5, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo sẽ kiện Đức, Pháp, Anh, Italy, Hungary và Romania lên Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) vì không đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng không khí của Liên minh châu Âu (EU).
Quyết định trên được đưa ra sau khi EC đã tạo cơ hội cuối cùng cho 6 nước trên là đến tháng 1/2018 phải áp dụng các biện pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí, nếu không sẽ bị kiện ra tòa.
EC từng kêu gọi các nước trên áp dụng các biện pháp khuyến khích trong lĩnh vực giao thông, năng lượng và nông nghiệp cũng như cải thiện quy hoạch đô thị và kiến thiết xây dựng nhằm cải thiện tình trạng ô nhiễm.
Tuy nhiên, đến hạn chót, các quốc gia này vẫn để vượt quá mức giới hạn về hạt mịn gây ô nhiễm và khí thải NO2 mà EU đặt ra. Cụ thể, Đức, Pháp, Anh không đạt tiêu chuẩn về NO2 trong khi Italy, Hungary và Romania vượt qua giới hạn về hạt mịn.
Phát biểu với báo giới tại Brussels, Đại diện cấp cao của EU về môi trường Karmenu Vella cho biết các nước trên đã không hành động kịp thời.
[Kêu gọi Đức đầu tư hiệu quả hơn cho chính sách chống biến đổi khí hậu]
Quan chức này thông báo: "EC đã kết luận rằng các biện pháp bổ sung được đề xuất không đủ để kịp thời đáp ứng các tiêu chuẩn không khí. Vì vậy, EC quyết định kiện 6 nước thành viên ra ECJ."
Ông Vella nhấn mạnh vấn đề ô nhiễm đã "đến mức khẩn cấp" và "đe dọa cuộc sống." Theo luật, ECJ có thể áp đặt các trừng phạt nặng.
Ngoài các nước trên, EC cũng đã đặt hạn chót để 3 nước Tây Ban Nha, CH Séc và Slovakia phải tuân thủ các tiêu chuẩn của EU. Tuy nhiên theo ông Vella, 3 nước đang thực hiện các biện pháp theo yêu cầu và EC vẫn theo dõi đánh giá 3 nước này.
Theo số liệu chính thức, trên khắp EU, các loại hạt mịn - tức các hạt nhỏ gây ô nhiễm - là nguyên nhân dẫn tới 3/4 số ca chết sớm vì ô nhiễm (399.000 trong tổng số 487.600 ca) trong năm 2014.
EU ước tính ô nhiễm không khí sẽ ngốn của các nước này 20 tỷ euro/năm để chi phí cho sức khỏe, nhưng con số này sẽ giảm nếu các nước thành viên tuân thủ các giới hạn khí thải đã thỏa thuận.
Văn phòng Môi trường EU - nhóm các nhà hoạt động môi trường - đã gọi 9 nước trên là "khối độc hại," và hoan nghênh hành động của EC./.