Ủy ban Pháp luật thẩm tra dự án Luật Hải quan sửa đổi

Qua khảo sát, đoàn thẩm tra cho rằng có một số nội dung cần xem xét là hồ sơ hải quan; xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan.
Ngày 29/8, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 11 để thẩm tra Dự án Luật Hải quan (sửa đổi) tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại phiên họp, đại diện cho cơ quan trình Dự án Luật Hải quan (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã trình bày báo cáo tóm tắt về Dự án Luật Hải quan (sửa đổi) theo tờ trình số 278/TTr-CP ngày 2/8/2013 của Chính phủ.

Trong bản báo cáo nêu rõ bốn nhóm vấn đề, gồm nhóm vấn đề về cải cách thủ tục hải quan, hiện đại hóa quản lý hải quan, luật hóa các cam kết quốc tế đáp ứng yêu cầu hội nhập và tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu. Nhóm vấn đề về nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý hải quan; tăng cường công tác bảo vệ lợi ích, chủ quyền quốc gia và an ninh kinh tế nhằm phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại. Nhóm vấn đề về sửa đổi, bổ sung những quy định trong Luật hiện hành để bảo đảm tính thống nhất, khả thi của pháp luật hải quan, phù hợp với văn bản pháp luật có liên quan và thực tế hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu. Và cuối cùng là nhóm vấn đề liên quan đến kiện toàn hệ thống tổ chức hải quan.

Đại diện cho nhóm nghiên cứu Dự án Luật Hải quan (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Đình Long đã trình bày ý kiến về Dự án Luật Hải quan (sửa đổi) sau khi thực hiện khảo sát thực tế tại một số đơn vị hải quan cửa khẩu.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Đình Long, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã tổ chức đợt khảo sát nhanh hai cửa khẩu đường bộ, đường sông tại An Giang, qua đó có thêm thông tin thực tế để thẩm tra dự án Luật. Trong đó, đoàn thẩm tra cho rằng có một số nội dung cần xem xét là hồ sơ hải quan; xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan; trách nhiệm về kiểm tra hàng hóa, phương tiện vận tải trong địa bàn hải quan; kiểm tra sau thông quan…

Chủ trì phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho rằng, qua các cuộc họp, cơ bản các ý kiến thống nhất với những nội dung Dự án Luật Hải quan (sửa đổi). Tuy nhiên, để Dự án Luật Hải quan (sửa đổi) được chặt chẽ, Ban soạn thảo cần làm rõ thêm một số vấn đề như quy định để đảm bảo phát triển ngành hải quan hiện đại, tinh gọn hiệu quả, thực hiện tốt các công ước quốc tế và lường trước các công ước quốc tế mà Việt Nam đang đàm phán.

Ban soạn thảo cần làm rõ thẩm quyền của hải quan: Địa bàn, ngoài địa bàn, lãnh thổ… có trùng khớp với lãnh thổ của quốc gia, có cần thiết phải quy định lãnh thổ hải quan hay không, thẩm quyền trong địa bàn, ngoài địa bàn, trong lãnh thổ đảm bảo hoạt động thuận lợi, hài hòa, không mâu thuẫn với các lực lượng khác. Chẳng hạn như, quyền truy đuổi, nếu không được truy đuổi sẽ rất khó trong thực thi nhiệm vụ, đặc biệt là việc bắt giữ và xử lý các hành vi vi phạm.

Trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính, việc thực thi nhiệm vụ hải quan vừa đảm bảo chặt chẽ nhưng vẫn phải tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Ngoài ra, trong kiểm soát hải quan cần đề cao nguyên tắc quản lý rủi ro, quản lý xác xuất, nhưng phải xem xét việc kiểm tra ngẫu nhiên như thế nào để đảm bảo thủ tục nhanh gọn, thuận lợi…

Phát biểu tại phiên họp, các đại biểu đều tán thành với các ý kiến do nhóm nghiên cứu trình bày tại phiên họp và cho rằng dự án Luật Hải quan (sửa đổi) phù hợp với sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, trong Dự thảo (Điều 9) chưa thể hiện rõ ưu tiên của Nhà nước cho hiện đại hóa và hải quan điện tử, đảm bảo hội nhập, chưa nói đến đào tạo con người.

Ông Trần Ngọc Vinh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng, cho rằng cần lường trước các điều ước tham gia với các nước để tránh phải sửa sau này. Quy định còn quá chi tiết về cách thức làm việc của công chức hải quan, nhưng lại ít biện pháp đảm bảo cho hoạt động xuất nhập khẩu thông thoáng; ngăn chặn phiền hà cho các doanh nghiệp, tệ nạn tham nhũng trong lực lượng hải quan./.

Liên Phương (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục