Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật về hội

Sáng 24/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật về hội. Tờ trình dự án Luật khẳng định: Quyền lập hội là một trong các quyền cơ bản của công dân đã được Hiến pháp ghi nhận.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật về hội ảnh 1Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 41, sáng 24/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật về hội. Tờ trình dự án Luật khẳng định: Quyền lập hội là một trong các quyền cơ bản của công dân đã được Hiến pháp ghi nhận.

Theo yêu cầu của từng giai đoạn cách mạng, Đảng ta đã kịp thời đề ra đường lối, chủ trương phù hợp và ban hành nhiều văn bản về hội quần chúng; bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước đối với các hội.

Về cơ bản, mô hình tổ chức và hoạt động của các hội là phù hợp với quy mô, tính chất, vai trò của từng hội. Nhiều hội đã phát huy tốt vai trò tập hợp, đoàn kết hội viên, có đóng góp tích cực vào việc bảo vệ, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên.

Tuy nhiên, đến nay công tác quản lý nhà nước về hội và tình hình tổ chức, hoạt động của hội còn có những bất cập trong hệ thống pháp luật về hội, trong tổ chức và hoạt động của hội và so với quy định của Hiến pháp, quá trình hội nhập quốc tế.

Dự thảo Luật thể hiện quan điểm Nhà nước bảo đảm và tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền lập hội theo quy định của Hiến pháp; hoàn thiện hệ thống pháp luật về hội, tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước đối với hội.

Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách nhằm phát huy vai trò của hội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thực hiện cấp, khoán và hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước tương ứng với nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao cho hội.

Dự thảo Luật về hội có 8 chương, 38 điều. Một số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh những nội dung quy định trong Luật, một mặt phải bảo đảm cho công dân thực hiện quyền lập hội của mình, phát huy tính tự nguyện, tự quản, tự chịu trách nhiệm của các hội, nhất là tự chủ về tài chính, hạn chế tối đa sự bao cấp, trông chờ vào sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, đồng thời bảo đảm sự quản lý của Nhà nước. Mặt khác, đề phòng các thế lực thù địch, các tổ chức phản động lợi dụng để hình thành các tổ chức đối lập chống phá Đảng và Nhà nước, xâm hại đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Khoản 2 Điều 1 của dự thảo Luật quy định: “Luật này không áp dụng với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam.”

Nhiều ý kiến tán thành với dự thảo Luật và cho rằng đây là các tổ chức chính trị-xã hội có vị trí, vai trò đặc biệt, được giao thực hiện các nhiệm vụ chính trị quan trọng và được Đảng bố trí các cán bộ chủ chốt trong ban lãnh đạo, được Nhà nước bảo đảm ngân sách hoạt động, cơ sở vật chất; có cơ cấu tổ chức, đội ngũ cán bộ, công chức.

Nếu xác định vị trí, vai trò của các tổ chức này là các hội thuần túy mang tính chất xã hội tự quản và chịu sự điều chỉnh của Luật về hội là chưa phản ánh đúng bản chất và thực tế sự phát triển lịch sử của hệ thống chính trị ở nước ta. Hơn nữa, một số tổ chức chính trị-xã hội đã được điều chỉnh bằng luật, pháp lệnh riêng như Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Pháp lệnh Cựu chiến binh...

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước có quan điểm, dự thảo Luật chỉ nên điều chỉnh đối với “tổ chức tự nguyện của công dân và pháp nhân Việt Nam” như khoản 1 Điều 2; hội có yếu tố nước ngoài nên sớm có luật hoặc pháp lệnh quy định riêng nội dung này.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho rằng đây chính là nhu cầu thực tế của đất nước, khi Việt Nam đang tham gia hội nhập sâu rộng khu vực và thế giới, có quan hệ với nhiều tổ chức quốc tế, tham gia các diễn đàn.

Quy định “việc người nước ngoài sinh sống và làm việc hợp pháp tại Việt Nam tham gia hội” được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến tại phiên họp sáng 24/9.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền và một số ý kiến khác tán thành với quan điểm của Chính phủ được thể hiện trong dự thảo Luật (Điều 36), đề nghị người nước ngoài sinh sống và làm việc hợp pháp tại Việt Nam được tham gia hội trong một số trường hợp theo quy định của Chính phủ.

Thẩm tra dự thảo luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng có quan điểm tán thành việc áp dụng quy định của Luật này đối với người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Một số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị việc thành lập hội của người nước ngoài tại Việt Nam cần được nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng.

Về chính sách đối với hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc và một số ý kiến khác thể hiện sự đồng tình với việc giảm dần sự bao cấp của nhà nước đối với các hội, xây dựng phương án nhà nước chỉ hỗ trợ kinh phí một phần đối với phần việc do Nhà nước giao cho hội thực hiện. Nội dung này, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ nghiên cứu để quy định vấn đề này không mâu thuẫn với thực tế hiện nay.

Đảng và Nhà nước ta đã có những chủ trương, chính sách cụ thể đối với các tổ chức hội, cụ thể là đối với hội có tính chất đặc thù thì được cấp kinh phí hoạt động theo số biên chế được giao. Với cơ chế này, hàng năm Nhà nước giao biên chế và cấp kinh phí hoạt động cho 31 hội ở phạm vi cả nước.

Đồng thời, dự thảo Luật phải cụ thể hóa chủ trương của Đảng là: “Đối với các hội đã được giao biên chế, kinh phí hoạt động giữ ổn định đến hết năm 2016; từ năm 2017-2020 từng bước thực hiện khoán hoặc hỗ trợ kinh phí hoạt động cho một số loại hội theo lộ trình phù hợp" mà không đặt vấn đề tiếp tục cấp kinh phí hoạt động, không giao biên chế cán bộ, công chức, viên chức cho các tổ chức hội cũng như để phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước (năm 2015): “Kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp được thực hiện theo nguyên tắc tự bảo đảm; ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ các nhiệm vụ Nhà nước giao theo quy định của Chính phủ.”

Nhiều ý kiến tán thành với tờ trình của Chính phủ cần có quy định về việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận chức danh người đứng đầu hội (các điều 13, 14 và 21) nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về hội, đồng thời tạo cơ sở cho hoạt động của người đứng đầu hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến cụ thể về các nội dung: Chính sách đối với hội; đối tượng là hội không có tư cách pháp nhân...

Chiều 24/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục làm việc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục