Ủy ban về các vấn đề xã hội góp ý sửa Hiến pháp

Sáng 4/3, tại Hà Nội, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức tọa đàm góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Sáng 4/3, tại Hà Nội, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức tọa đàm góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Các ý kiến của chuyên gia, nhà nghiên cứu tập trung phân tích, đóng góp vào nội dung các quy định trong dự thảo về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân liên quan đến y tế, dân số, bình đẳng giới, hôn nhân- gia đình, tôn giáo.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lương Phan Cừ nhấn mạnh tới tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong các lĩnh vực văn hóa, xã hội đó là nguồn lực con người là quý báu nhất, có vai trò quyết định. Đảng và Nhà nước quan tâm chăm lo, bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người…

Đại biểu cho rằng Hiến pháp quy định về con người và những vấn đề xã hội là sự đòi hỏi Nhà nước, xã hội và cá nhân phải tuân thủ để con người, công dân được phát triển toàn diện, thúc đẩy xã hội phát triển.

Bàn về vấn đề lợi nhuận hay phi lợi nhuận trong lĩnh vực y tế và việc quy định vấn đề này trong dự thảo Hiến pháp 1992, chuyên gia cao cấp Viện nghiên cứu lập pháp Đặng Văn Thanh cho rằng các hoạt động liên quan tới lợi ích cộng đồng đều được quan niệm là phi lợi nhuận.

Theo đại biểu, hoạt động y tế nói chung, trong đó có vấn đề về chăm sóc sức khỏe là hoạt động phi lợi nhuận. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng không cần thiết nêu rõ trong Hiến pháp vấn đề này bởi Hiến pháp là luật gốc, luật cơ bản, cần ngắn gọn, cô đọng; những vấn đề cụ thể quy định ở những luật chuyên ngành.

Đại biểu kiến nghị gộp hai điều 41 liên quan đến quyền được bảo vệ sức khỏe và điều 62 về chính sách đầu tư, phát triển sự nghiệp chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân thành một điều luật trong đó gồm 3 khoản: thứ nhất quy định mọi người được quyền gì; thứ hai là mọi người có nghĩa vụ gì và thứ ba Nhà nước có cơ chế gì đảm bảo để thực hiện được các quyền. Đồng thời ông Thanh cũng kiến nghị từng điều luật cần có tiêu đề để người dân dễ hiểu.

Ông Lê Quang Cường, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược chính sách y tế (Bộ Y tế) cho rằng dự thảo Hiến pháp không nên sử dụng từ “lợi nhuận” trong lĩnh vực y tế mà cần nghiên cứu để tìm một thuật ngữ khác thích hợp hơn.

Các đại biểu dự tọa đàm đã góp ý kiến cụ thể về các quy định quyền tự do tôn giáo và những định hướng lớn về chính sách tôn giáo; các quy định về bình đẳng giới, hôn nhân và gia đình; việc quy định phát triển đông y và đông tây y kết hợp trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992./.

Quỳnh Hoa (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục